Vườn lan Huyền Thoại hay chuyện nhà buôn thành “kỹ sư” CN sinh học

Thứ năm, ngày 17/04/2014 07:06 AM (GMT+7)
Trang trại lan Huyền Thoại của chị Thanh Huyền hiện diện trên mảnh đất Củ Chi mới được 7 tháng. Nhưng chỉ bấy nhiêu thời gian, cũng đủ thu hút nhiều đoàn khách đến đây để được mục sở thị.
Bình luận 0
img
Vốn gắn bó với nghề buôn bán vật liệu xây dựng, chỉ trong vòng nửa năm, từ sự yêu thích cây lan mokara, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền đã biến 4 mẫu đất trồng cao su ở mảnh đất Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) thành một trang trại lan ngút ngàn khoe sắc với cái tên rất đỗi lãng mạn: Vườn lan Huyền Thoại.

Tính đến thời điểm này, trang trại lan Huyền Thoại của chị Thanh Huyền hiện diện trên mảnh đất Củ Chi mới được 7 tháng. Nhưng chỉ bấy nhiêu thời gian, cũng đủ thu hút nhiều đoàn khách đến đây để được mục sở thị.

Bỏ “vàng trắng” để trồng lan

Hôm tôi đến trang trại lan Huyền Thoại, tình cờ gặp một đoàn lãnh đạo và nông dân sản xuất giỏi TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Theo lời người này, Đà Lạt dù có rất nhiều vườn hoa đẹp, song ngay khi biết ở Củ Chi có vườn lan này, cả đoàn đã kéo nhau xuống tận nơi để tham quan, thậm chí là học hỏi mô hình.

Chị Huyền bên vườn lan bạc tỷ của mình.
Chị Huyền bên vườn lan bạc tỷ của mình.

Trở lại với hành trình lập nghiệp của chị Huyền, qua tâm sự với chúng tôi, chị cho biết, chị vốn là người yêu hoa lan, yêu đến nỗi ngay cả khi đang làm nghề gắn bó với gạch ngói, xi măng chị cũng không quên ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó, mình sẽ được sở hữu cả vườn lan. Rồi cơ hội cũng đến, khi cách đây 6 năm (năm 2008), cuộc mưu sinh cơm áo tạm ổn, chị đã bắt đầu nghĩ và đi tìm hiểu về cách trồng lan. Hồi đó, cứ nghe ở đâu có vườn lan đẹp là chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm và phương pháp chọn giống. Lạ là người phụ nữ này chỉ yêu lan mokara và loài hoa này như một định mệnh để chị chơi cuộc chơi lớn sau này.

Sau khi nắm được một số kiến thức cơ bản trồng lan chị dành hẳn mảnh đất rộng 1ha của mình để bắt đầu trồng thí điểm từng gốc lan một. “Khi mới trồng giống lan mokara này, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, vì đây là giống nhập khẩu. Cũng vì bỡ ngỡ và thiếu kiến thức, nên trồng xong chưa được bao lâu, lan chết la liệt, nhưng vì yêu loài hoa này mà tôi quyết tâm phải thành công” - chị Thanh Huyền chia sẻ về bước khởi nghiệp của bản thân. Sau thất bại đó, qua việc tìm hiểu sách báo và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chị nhận thấy nguyên nhân dẫn đến lan chết là do mình không biết cách phòng bệnh. Với giống lan mokara này, bệnh thối rễ được coi là “hung thần” khiến lan chết hàng loạt, kế nữa là bệnh thối đọt đen và đốm lá.

Tưởng đơn giản, nhưng để có được kinh nghiệm và tìm ra cách khắc chế các loại bệnh trên, phải mất 4 năm sau, chị Huyền mới tạm yên tâm để đầu tư lớn vào nghiệp trồng lan. Với vốn liếng kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan mokara đã có, đầu năm 2012 chị quyết định “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” từ mảnh đất rộng 4ha đang trồng cao su, chị đã cải tạo thành vườn trồng lan với 300 luống đất. Đồng thời, chị cũng đầu tư làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân bón; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hơn 100.000 gốc lan mokara. Theo tiết lộ của chị Huyền, riêng số tiền đầu tư cho vườn lan này đã lên đến 10 tỷ đồng và trở thành một vườn lan lớn nhất TP.Hồ Chí Minh vào thời điểm này. Tuy đầu tư lớn như vậy, song theo sự tính toán của chị, khi đi vào thu hoạch mỗi năm chị sẽ thu về 2 tỷ đồng từ tiền bán lan.

“Có thể phải mất 7-8 năm, thậm chí 10 năm sau mới hòa vốn và có lãi, nhưng với tôi mỗi ngày được ngắm 100.000 gốc lan đã là cả một niềm vui vô bờ. Vì thế, có nhiều người hỏi tôi có lo lắng khi đầu tư vào trồng lan nhiều như thế không, câu trả lời của tôi là không, vì tôi có niềm tin rằng, rồi mai đây công sức, tiền bạc mình đầu tư ra sẽ được đền đáp” - chị Huyền nói.

Từ ngày có vườn lan, ngày nào cũng vậy, cứ 2 buổi sáng chiều, gác lại công việc kinh doanh vật liệu xây dựng, chị Thanh Huyền tất tả lao về vườn lan Huyền Thoại. Bận đến đâu chị cũng phải đi hết 300 luống lan mokara, xem từng đọt, vạch từng lá để bắt bệnh cho lan. Chị cho biết: “Lan mokara cũng đỏng đảnh lắm, lơ là là chết ngay”.

Nhà buôn thành “kỹ sư” công nghệ sinh học

Giờ đây, trang trại lan Huyền Thoại của chị Huyền đã trở thành mô hình điểm của một nền sản xuất nông nghiệp đô thị TP. Hồ Chí Minh. Rất nhiều đoàn trong và ngoài thành phố đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ trang trại này. Giờ đây, trang trại lan Huyền Thoại của chị đã trở thành một “trường thực nghiệm” cho bà con nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan.

Theo chị Huyền, thời gian qua trang trại lan đã tạo mọi điều kiện để giúp nông dân trên địa bàn xã Thái Mỹ, Tân Phú Trung, An Nhơn Tây... của huyện Củ Chi về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. “Tôi cố gắng hết sức để giúp đỡ bà con nông dân có nhu cầu sản xuất hoa lan cắt cành về kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân tôi tích lũy được” - chị Huyền nói.

Theo ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền là một nông dân dám nghĩ, dám làm. Chị đã mạnh dạn ứng dụng khoa học- kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất lan. Cách làm của chị Huyền hiện nay ở trang trại lan Huyền Thoại là một hướng đi đúng với nền nông nghiệp đô thị. Trang trại lan Huyền Thoại là một mô hình nông nghiệp tiêu biểu, quảng bá hình ảnh đẹp cho nông nghiệp đô thị của TP.HCM.

Với “chúa lan mokara”, việc xây dựng trang trại lan Huyền Thoại không chỉ dừng lại ở cắt cành, bán giống. Chị Thanh Huyền đang hướng đến một mô hình làm nông mới mà hiện nay ở TP.Hồ Chí Minh ít ai dám làm, đó là hợp tác với những vườn lan có quy mô nhỏ để sắp tới tạo thành vùng chuyên sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn. Chị cho biết, bà con sản xuất lan ở thành phố vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ.

Thị trường lan cắt cành và giống lan trong nước đang còn rất rộng mở. Tuy vậy, phần lớn giống lan mokara đang trồng ở Việt Nam là nhập từ Thái Lan. Cũng vì vậy, mà chị đang có tham vọng làm chủ khâu giống bằng cách sản xuất lan giống tại trang trại lan Huyền Thoại. Qua trò chuyện với chị, chúng tôi được biết chị đang có kế hoạch đầu tư hệ thống cấy mô để nhân giống lan. Bởi nếu dùng phương pháp này, chi phí đầu tư hệ thống cấy mô và công trình nghiên cứu cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Nếu làm được điều này chị sẽ là nông dân đầu tiên đột phá vào lĩnh vực công nghệ sinh học ở thành phố.

Bên cạnh đó, chị Thanh Huyền cũng cho biết đang xây dựng mô hình nhà vườn kết hợp du lịch. Trong trang trại lan Huyền Thoại hiện nay người ta thấy vẫn còn một khoảng đất khá rộng còn bỏ trống, một ngôi nhà nghỉ vừa mới xây xong – đây là những toan tính của “chúa lan mokara” cho một kế hoạch du lịch vườn lan sắp tới.

Theo chị Thanh Huyền, đã có một số công ty du lịch đặt vấn đề liên kết làm du lịch. Lúc đó, vườn lan Huyền Thoại sẽ là điểm dừng chân cho các đoàn tham quan. “Chúng tôi đang hướng đến mô hình vườn lan kết hợp du lịch vừa giúp người tham quan có một điểm dừng chân thú vị, vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị TP.Hồ Chí Minh” - chị Huyền cho biết.

Trần Đáng (Trần Đáng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem