"Né" chuyện chạy chức, chạy quyền

Thứ năm, ngày 21/11/2013 10:56 AM (GMT+7)
Những câu hỏi nóng xung quanh vấn đề chất lượng cán bộ công chức, việc thi tuyển công chức đã được đặt ra cho Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng 20.11. Tuy nhiên, cách trả lời vòng vèo của ông chưa làm các ĐB hài lòng.
Bình luận 0
Tinh giản biên chế không đạt kết quả

Việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện trong thời gian vừa qua không đạt được kết quả như mong muốn được các ĐB quan tâm. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), số cán bộ, công chức nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010 đến năm 2012 là 28.132 người, so với số tuyển mới là 69.851 người, như vậy tăng 41.719 người, bằng 148% so với số người nghỉ và 10,5% so với số cán bộ, công chức.

“Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế?” - ĐB Vinh chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng việc tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ. Còn về viên chức tăng là do thành lập mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

“Báo cáo với các đại biểu trước mắt từ nay đến 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới” - Bộ trưởng Bình nói.

Có hay không tham nhũng trong công tác cán bộ?


Vấn đề thi tuyển công chức nặng về bằng cấp chưa quan tâm đến thực lực của người cần được tuyển dụng, trong khi vấn nạn bằng giả học thật, bằng giả học giả, vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ cũng được các ĐB đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng làm rõ.

“Xin Bộ trưởng cho biết có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không?” - ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại dẫn các văn kiện của Đảng để giải thích. “Nội dung mà đại biểu có đề ra tôi đọc kỹ các văn kiện nêu trên đã cũng nói tương đối kỹ, tương đối rõ thì chúng ta phải tập trung đề ra các biện pháp, đề ra các giải pháp để phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác khen thưởng thuộc lĩnh vực của Bộ Nội vụ” - Bộ trưởng Bình cho hay.

ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội).
ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội).

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Chu Sơn Hà truy vấn tiếp: “Có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ không? Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chúng tôi chưa phát hiện được, chưa xử lý được, phải dũng cảm như thế”.

Vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục lý giải: “Về hạn chế, khuyết điểm trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục”.

ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Phối hợp liên ngành còn lỏng lẻo

Qua trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, tôi thấy chúng ta hiện có nhiều cơ quan báo chí, gây ra hiện tượng lãng phí nguồn lực trùng lắp thông tin, cạnh tranh không lành mạnh. Phải quy hoạch lại mạng lưới thông tin truyền thông, thông tin báo chí. Bất cập thứ hai là quản lý về các mạng Internet, mạng xã hội, và blog cá nhân. Đây là việc rất là khó nhưng phải làm, bởi nó gây ra hiện tượng nhiễu loạn thông tin, thông tin không chính xác, không định hướng được thông tin. Mà cấm thì không được, bởi bản thân công nghệ thông tin không có lỗi. Tôi cảm giác sự phối hợp liên ngành còn có vấn đề, lỏng lẻo, trách nhiệm của từng ngành không rõ ràng. Khi xảy ra vấn đề thì hay đùn đẩy trách nhiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: “Công tác cán bộ thiếu chiến lược lâu dài”

Tôi cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cho vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ. Đào tạo không phải vấn đề gì quá phức tạp, nhưng đòi hỏi chúng ta phải đánh giá đúng nhu cầu và có chiến lược quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Thiếu loại cán bộ gì phải tập trung vào đó. Chúng ta đưa ra giải pháp đưa 500 cử nhân trẻ về làm phó chủ tịch xã. Việc này cũng có mặt tốt, nhưng tại sao không có kế hoạch đào tạo tại chỗ? Đưa cán bộ ở nơi khác về cũng có không ít khó khăn cho họ. Cán bộ ở miền xuôi lên không biết tiếng dân tộc, không am hiểu phong tục tập quán địa phương.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Bộ trưởng chưa trả lời thẳng câu hỏi”

Cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ không đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu nêu. Ví dụ: Tại sao 64.000 cán bộ công chức không qua đào tạo, vẫn để trong bộ máy Nhà nước, làm ì ạch và chậm phát triển? 30% cán bộ công chức không làm được việc, vẫn để trong bộ máy Nhà nước… Quốc hội đã ban hành những luật mới, nhưng Bộ Nội vụ vẫn áp dụng các luật cũ từ cách đây 15, thậm chí 20 năm. Vậy, tại sao không triển khai thực hiện các luật mới?

H.P ghi

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem