Bài hát của một người đã nhanh chóng trở thành của tất cả và của nhiều thế hệ. Thưa nhạc sĩ, ông đã sáng tác bài hát này như thế nào?
- Hồi đó tôi là Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu tháng 4.1975, anh Trần Lâm - Giám đốc đài dặn, sắp có chiến thắng lớn rồi, mời một số nhạc sĩ viết tác phẩm hoành tráng chuẩn bị đón chào.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Lúc ấy hầu như ai cũng chỉ để đầu óc theo dõi những bước chân của đoàn quân giải phóng miền Nam, tôi có động viên, anh em đùa vui: Anh em giải phóng tiến nhanh quá, không kịp viết, thôi chờ ngày kết thúc chiến tranh! Chính tôi cũng chuẩn bị viết một hợp xướng 4 chương nhưng cứ ngồi vào đàn là thấy lý trí quá, không viết được, lại tiếp tục theo dõi tin tức.
Tối 28.4, bản tin 7 giờ rưỡi tối phát: Có một phi công ngụy ném bom sân bay Tân Sơn Nhất! Về sau mọi người biết đó chính là Anh hùng Nguyễn Thành Trung của chúng ta. Thế là chắc chỉ còn vài hôm nữa là đến Sài Gòn thôi!
Trong đầu tôi nảy ra hình dung: Giải phóng, nhà nhà, người người sẽ đổ ra đường, mình phải góp tiếng reo vui của mọi người và cũng là của mình. Mấy chục năm theo kháng chiến, lúc nào mình chẳng mong ngày đó! Tôi ngồi vào đàn, bỗng nhớ câu thơ của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tôi viết ngay điệp khúc trước: “Việt Nam Hồ Chí Minh”, sau đó viết từ đầu: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.
Trong thời điểm gấp gáp thế, làm thế nào để bài hát được phổ biến ngay lập tức trong ngày toàn thắng như vậy?
- Sáng hôm sau 29.4, tôi đưa bài hát cho hội đồng duyệt, anh em họp, cũng chưa thể ngờ được ngay ngày hôm sau sẽ toàn thắng, còn có ý kiến bảo, bài hát gọn thế này, đợi trước ngày 7.5 dàn dựng hát chào mừng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là hay nhất. Tôi cũng bảo, tuỳ mọi người đấy chứ tôi không viết được hơn đâu.
Thế rồi trưa 30.4, cờ giải phóng tung bay ở Dinh Độc Lập. Lúc ấy mọi người bảo nhau, đấy, đã nhắc từ trước rồi mà! Anh Trần Lâm hỏi tôi, tôi hát cho anh nghe thử, anh vỗ tay bảo: Được rồi! Chỉ cần thế này thôi! Gấp lắm rồi! Chiều nay đưa tin chiến thắng, phải dựng ngay để phát kèm.
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tôi viết ngay điệp khúc trước: “Việt Nam Hồ Chí Minh”, sau đó viết từ đầu: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Đoàn ca nhạc của đài cấp tốc dựng và thu. Chưa bao giờ mọi người dự một buổi thu học nhanh và cảm động như thế. Cả người hát và kéo đàn mắt đều rơm rớm, vui mừng, ngạc nhiên trước chiến thắng lớn quá! 4 giờ rưỡi chiều, các anh bên Tuyên giáo nghe xong, tất cả chạy lại bắt tay tôi, chỉ cần thế là được rồi!
Hôm sau 1.5 tôi đi quanh Bờ Hồ đã thấy quân nhạc và các nghệ sĩ Nhạc viện Hà Nội đi xe mui trần chơi bài hát. Thì ra hôm qua sau mỗi lần phát tin chiến thắng, mọi người ghi lại bài hát và tập luôn. Rồi sau đó Đài Phát thanh Giải Phóng phát với đồng ca thanh niên Sài Gòn, rồi công chúng hát. Thật chưa có bài hát nào đến với công chúng nhanh như vậy!
36 năm qua, bài hát mừng chiến thắng đã lan rộng, ngấm sâu vào đời sống hoà bình. Ông có thể chia sẻ vài kỷ niệm về bài hát?
- Đúng là bài hát đã không chỉ của tầng lớp nào mà đã thuộc về toàn dân, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các cụ già Tây Nguyên cho đến các cháu mẫu giáo, và có khi được coi như của dân gian. Tôi vừa đi Cao Bằng, nghe mọi người hát nhưng mọi người không biết tôi là tác giả. Một bạn nói chuyện vui với tôi: Chúng em gọi đây là bài “giã bạn”...
Xin cảm ơn ông!
Quang Hưng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.