"Ra ngõ gặp gái” có dự báo sự rủi ro?

Thứ sáu, ngày 15/03/2013 06:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các nhà nghiên cứu lý học Đông phương sẽ gửi tới độc giả một vài lý giải thú vị về vị trí của người phụ nữ trong một số quan niệm, cách nghĩ của người Việt Nam.
Bình luận 0

Từ lâu trong văn hóa truyền thống Việt lưu truyền câu thành ngữ "ra ngõ gặp gái" nhưng nội dung chỉ miêu tả hiện tượng ra khỏi nhà, hoặc vừa đến đầu ngõ thì gặp phụ nữ mà không có kết luận hệ quả sẽ như thế nào.

Nhiều người quan niệm "ra ngõ gặp gái" thì xui xẻo, đen đủi là do suy luận từ câu ngạn ngữ này mà ra. Không riêng văn hóa Việt, nhiều nền văn hóa của các dân tộc có truyền thống văn hóa cổ xưa cũng có quan niệm này, nhưng với họ cũng không phải hiện tượng phổ biến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương) chia sẻ: "Có thể có nhiều cách giải thích cho vấn đề này. Riêng cá nhân tôi cho rằng, quan niệm ra ngõ gặp gái thì đen đủi là một quan niệm sai vì rõ ràng nội dung của câu ngạn ngữ dân gian vẫn lưu truyền không xác định điều đó".

Nói về việc vai trò và vị trí của người phụ nữ trong một số quan niệm phương Đông, ông Tuấn Anh cho biết: "Theo sự tìm hiểu của tôi thì không chỉ có một số nghi lễ, khu vực mang yếu tố tâm linh cấm kỵ phụ nữ. Người nữ trong thời kỳ kinh nguyệt không được sờ mó, lại gần một số cây đang ra hoa hoặc bắt đầu kết trái. Họ cũng không được thắp nhang, cúng lễ trong thời kỳ này.

Dưới góc nhìn của lý học Đông phương, tôi phân biệt rất rõ thực tại tương tác khách quan với quan niệm về mối liên hệ sự kiện. Nó cũng giống như quan niệm về ngày tốt, xấu vậy. Thực tại khách quan thì chỉ đơn giản là những hiệu ứng tương tác liên quan đến những ngày khác nhau. Với con người thì sinh hoạt, đời sống của họ tương thích với hiệu ứng nào thì coi đó là ngày tốt. Nhưng với những con vật bị hiến tế trong những ngày tốt của con người thì chắc chắn nó không thể coi là ngày tốt được.

Tương tự như vậy, tôi cho rằng việc cấm kỵ người nữ trong một số nghi lễ và khu vực tâm linh hoặc như một số hiện tượng liên quan mà tôi đã nói ở trên xuất phát từ hiện thực khách quan là do tính chất cấu trúc cơ thể của người nữ và nam khác nhau. Do đó sẽ có ảnh hưởng tương tác khác nhau với một số sự kiện và vấn đề có tính đặc thù liên quan. Cho nên mới nảy ra những quy định kiêng cữ".

Cũng theo ông Tuấn Anh thì lý học Phương đông quan niệm về người nữ trong mối quan hệ nam nữ rất nhân bản. Bởi vì nguyên lý của lý học ứng dụng trong cuộc sống và xã hội rất đề cao sự cân bằng âm dương - hay nói nôm là sự bình đẳng nam nữ.

Ông cho rằng bản chất của lý học Đông phương từ nền văn hiến Việt không có vấn đề coi nhẹ người nữ. Mà chỉ có những kiêng cữ trong một số sự kiện và hiện tượng liên quan đến tính khác biệt về cấu trúc cơ thể trong mối liên hệ tương tác với các sự kiện và hiện tượng đó.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Nếu chúng ta xác định rằng cội nguồn của nền văn hóa Đông phương có nguồn gốc Việt từ hơn 2.000 năm trước, thì những di sản của nền văn hóa Hán - quen gọi là Hán Nho - chỉ là sự nhận thức khập khiễng về quan hệ bất bình đẳng nam nữ, theo kiểu "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Và đấy là những giá trị của văn hóa Hán Nho mà lịch sử để lại. Nó không phải bản chất của lý học Đông phương.

Với những gì mà tôi hiểu về lý học Đông phương thì những giá trị đích thực của nó từ cội nguồn lại không hoàn toàn như vậy. Chắc trong chúng ta đều biết câu tục ngữ "Ruộng sâu, trâu nái, không bằng con gái đầu lòng". Có thể nói rằng, ít có nền văn minh lâu đời nào lại có những hiện tượng tôn trọng phụ nữ như văn hóa truyền thống Việt. Do đó không có vấn đề trọng nam, khinh nữ".

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem