Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã bác đơn của cụ Huỳnh Văn Truyện, xin cho bị án Huỳnh Văn Nén được tại ngoại. Cầm văn bản trả lời trên tay, cụ nghẹn lời, mắt rưng rưng, hụt hẫng.
“Muốn nó về sum vầy mà không được”
Tâm sự với phóng viên, cụ Truyện kể khi có quyết định hủy án của TAND Tối cao, ông như được tiếp thêm động lực và tin tưởng sẽ sớm tìm được công bằng. Thế nhưng, nhiều tháng liền, cụ chạy đôn đáo khắp nơi, gõ cửa nhiều cơ quan công quyền tỉnh Bình Thuận, gửi nhiều đơn thư nhưng đến nay sự việc không có biến chuyển nhiều.
|
Sau nhiều tháng đi kêu oan, cụ Huỳnh Văn Truyện về quê Cà Mau đón một cái Tết buồn. |
Nộp đơn kiến nghị xin được thay đổi biện pháp tạm giữ cho Nén, cụ Truyện hi vọng cơ quan chức năng cho con tại ngoại để chữa bệnh không mù mắt. Hơn nữa, để Nén được về thắp hương cho mẹ. Mẹ Nén vì buồn phiền chuyện con, thêm tuổi già sức yếu nên đã qua đời gần một năm nay.
“Mấy năm qua, vì đi kêu oan cho Nén, tôi xao nhãng việc nhà cửa. Bà ấy ốm đau, tôi cũng không thể chăm sóc tận tình. Giờ bà ấy mất đi, tôi lại để nhà cửa hiu quạnh, không thể nhang khói thường xuyên nên cảm thấy ân hận lắm. Muốn thằng Nén được về để gia đình sum vầy ngày Tết nhưng không được”, cụ tâm sự.
Nếu không xảy ra vụ án Huỳnh Văn Nén, cụ Truyện vẫn sẽ là một nông dân lầm lũi với ruộng đồng. Bao năm nay, dấu chân cụ Truyện đã hằn in trên khắp các nẻo đường từ Cà Mau ra Bình Thuận, Nha Trang, Hà Nội lại về Đồng Nai…
Đọc các văn bản pháp luật, viết nhiều đơn thư và theo dõi từng diễn biến vụ án của con mấy chục năm qua, cụ trở nên thông thạo về luật pháp, nói năng mạch lạc hơn trước.
Từ khi cụ bà mất, cụ Truyện bận đi kêu oan cho con nên nhà cửa ở Cà Mau không ai trông coi, ruộng cũng đem cầm cố lấy tiền lo việc cho Nén đến nay chưa thể chuộc lại. Các con của cụ ở Cà Mau đều nghèo. Mỗi người làm ăn một nơi, không có điều kiện về nhà chăm sóc cha. Mới đây, vì thương cha thân già lủi thủi một mình, vợ chồng người con út đã chuyển về ở cùng tiện chăm cụ.
Chia tay phóng viên, cụ cầm chặt tập đơn, dáng người liêu xiêu trong chiếc áo nâu xám bạc màu, đôi mắt buồn. Cụ một mình lủi thủi bước lên xe đò về Cà Mau.
“Tôi đi cả năm trời, giờ Tết cũng phải về dọn nhà, chăm lo nhang khói cho ông bà tổ tiên. Tết có vui vẻ gì đâu khi mà con đang bị giam cầm, chịu khổ cực” - cụ Truyện thở dài. Lại thêm một cái Tết nữa ông cụ ngồi trong căn nhà quạnh hiu đau đáu nghĩ về đứa con đang chịu cảnh lao tù.
Mong nỗi buồn sớm qua
Ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Cẩm (vợ bị án Huỳnh Văn Nén), đã 27 Tết mà căn nhà vẫn hiu quạnh. Cửa nhà không khóa, 4 bức tường trống trơn khiến gió cứ lùa qua thông thốc.
Người hàng xóm cho hay chị Cẩm đi làm thuê từ mờ sáng chưa về. Từ ngày vướng vào vụ án oan “vườn điều” và việc Huỳnh Văn Nén bị đi tù, gia đình chị chịu đựng bao khổ cực, điều tiếng.
Thời gian gần đây, khi luật sư, báo chí vào cuộc và có quyết định giám đốc thẩm vụ án, người dân thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) dần thấy được bản chất vụ việc nên hiểu và cảm thông cho gia đình này.
|
Căn nhà của vợ con Huỳnh Văn Nén vẫn quạnh hiu dù đã 27 Tết. |
Hàng ngày, chị Cẩm đi làm thuê khắp vùng. Lúc giúp việc gia đình, khi làm cỏ thuê, ai kêu gì làm nấy, chỉ mong kiếm được tiền mua gạo. Các con của chị lớn lên cũng đi kiếm sống cả.
“Mọi người trong nhà đều lo đi làm thuê đến 30 Tết mới nghỉ. Hoàn cảnh khó khăn cũng không có tiền bạc để mua sắm gì cả. Cha lại vướng vòng lao lý nên mười mấy năm nay, nhà em đều đón Tết trong lặng lẽ và mong cho sớm qua đi. Em chỉ mong cha sớm được về, để gia đình được sum vầy, đón một cái Tết đoàn tụ” - em Huỳnh Thành Lượng thổ lộ.
Đối với gia đình này, Tết chỉ về một nửa. Mùa xuân với họ chỉ đến thực sự khi Huỳnh Văn Nén được giải oan, thoát vòng lao lý.
Sợ không đợi nổi ngày được minh oan
Cụ Huỳnh Văn Truyện đề nghị các cơ quan chức năng nếu có căn cứ buộc tội con trai ông giết người thì xử lý nghiêm minh, còn nếu có oan sai cần sớm trả tự do. “Tôi giờ đã già yếu, không biết sống chết lúc nào. Chỉ sợ không thể đợi đến ngày vụ việc Nén được sáng tỏ, tôi chết không cam tâm” - cụ Truyện bày tỏ.
(Theo Bạch Long/Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.