"Thủ phạm ẩn mặt" ở Bắc Trà My

Thứ năm, ngày 20/09/2012 19:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tính đến ngày 17.9, đã có 17 cơn địa chấn xảy ra trong thời gian qua ở vùng Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cường độ mỗi trận có thể khác nhau nhưng nỗi sợ hãi của người dân thì giống nhau.
Bình luận 0

Người dân đặt câu hỏi: Liệu nhà cửa có bị sụp đổ, người có bị đè chết; liệu có vỡ đập Thủy điện Sông Tranh 2 dẫn đến thảm họa khôn lường, không chỉ người dân Bắc Trà My lãnh đủ mà hàng chục vạn dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam cũng chịu chung số phận không?

img
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 liệu có an toàn khi mùa mưa lũ sắp bắt đầu?

Hàng chục đoàn, gồm các chuyên gia hàng đầu về địa chất, về vật lý địa cầu đã đặt chân đến Bắc Trà My, đến Thủy điện Sông Tranh 2, xem xem xét xét, chụp ảnh quay phim rồi … đi, nhưng những câu hỏi trên đây thì vẫn còn bỏ ngỏ. Và người dân phải tự hiểu là, cứ ở yên tại chỗ, không có vấn đề gì!

Tuy nhiên, nhiều người đã bắt đầu có thể đoán định ra thủ phạm. Đó chính là con đập nghìn tỷ Sông Tranh 2, vì rằng, người dân vùng Bắc Trà Mỵ đã sống bao đời nay không hề có “rung lắc”, nhưng từ khi có đập thủy điện, nỗi bất an trước những trận động đất lại liên tục xảy ra. Vấn đề là ai phải chịu trách nhiệm trước những bất an của hàng chục vạn dân? Ai là người phải giải quyết cái ăn cho dân một khi đồng ruộng bỏ bê, buôn bán bị đình trệ?

Dù đã có những lời “trấn an” từ phía các nhà khoa học nhưng cả chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam lẫn người dân trong vùng nguy hiểm đều bất an khi mà nhà cửa của họ tiếp tục bị những cơn địa chấn đe dọa, khi mà con đập thủy điện kia vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro “vỡ òa” bởi những rò rỉ vừa được khắc phục nặng tính vá víu hơn là căn cơ.

Chính quyền Bắc Trà My, sau 2 cơn rung lắc nửa đêm và rạng sáng ngày 17.9 lại tiếp tục điệp khúc cũ: Kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ lương thực 25kg/người trong vòng 2 tháng, kiến nghị EVN hỗ trợ 24 tháng lương thực cho dân vùng tái định cư Sông Tranh 2, đồng thời đền bù thiệt hại cho những hộ có nhà bị nứt toác. Và chắc chắn, cũng như những kiến nghị trước đây, “thủ phạm ẩn mặt” lại tiếp tục… “ẩn mặt” nên những nguyện vọng chính đáng của dân, những kiến nghị khẩn thiết của chính quyền địa phương lại tiếp tục rơi vào khoảng không mà thôi.

Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã có phương án di dời dân trong trường hợp khẩn cấp, nhưng đó chỉ là một cách “trấn an” thiếu thực tế. Vì rằng, một khi đã “khẩn cấp” rồi thì không còn kịp làm một điều gì nữa, dù là nhỏ nhất, gọn nhẹ nhất chứ đừng nói đến chuyện cả con đập kia “vỡ òa”, lại phải di dời hàng chục vạn dân! Tiếp tục tích nước sẽ đi kèm với tiếp tục động đất, đó là điều rất dễ xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem