"Tổng kiểm kê" trang phục các dân tộc Việt Nam

Thứ hai, ngày 31/10/2011 18:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 255 thí sinh sẽ tham gia Chương trình “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam năm 2011” diễn ra từ ngày 25 đến 28.11 tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).
Bình luận 0

Chương trình này được coi là cuộc “tổng kiểm kê” trang phục các dân tộc Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

img
Tại cuộc thi, mỗi dân tộc sẽ trình diễn một bộ trang phục lễ hội và một bộ trang phục sinh hoạt thường ngày.

Kho tàng văn hóa đặc sắc

Ông Hoàng Xuân Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, việc Ủy ban tổ chức chương trình “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam” là cơ hội để các nhà quản lý có dịp đánh giá tổng thể về một giá trị di sản văn hóa luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam; là dịp để tôn vinh, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa và vẻ đẹp đặc trưng trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là cơ hội để tổng hợp và thống kê bổ sung về trang phục, trang sức truyền thống các dân tộc trong cả nước, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo ông Lương, trong chương trình, mỗi dân tộc sẽ trình diễn một bộ trang phục lễ hội và một bộ trang phục sinh hoạt thường ngày. Trong số hơn 100 loại trang phục dân tộc khác nhau được trình diễn, sự đa dạng về sắc thái văn hóa của mỗi thành phần dân tộc đã tạo nên nhiều phong cách khác nhau trong các trang phục.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang phục đang có dấu hiệu bị “thất truyền” hoặc chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tàng, phòng trưng bày. Và mặc dù chắt lọc khá kỹ lưỡng qua quá trình tuyển chọn tại 7 địa phương đang tập trung nhiều thành phần dân tộc, nhưng nhiều trang phục sẽ không thể trình diễn trước đông đảo công chúng, như cách “mặc quần, không mặc áo” của người K’ho ở Đa Mi (Lâm Đồng) hay trang phục bằng lá...

Bên cạnh đó là sự “đồng hoá” dẫn đến nhiều trang phục truyền thống gốc đã bị cách điệu. Đặc biệt, các dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Mạ, Rục, Cống, Pà Thẻn, Sila... hầu hết không còn giữ được trang phục truyền thống.

Hơn cả một cuộc thi

Theo ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Thường trực Ban tổ chức: “Yêu cầu của cuộc trình diễn này, người dân tộc nào phải mặc đúng trang phục truyền thống của dân tộc đó. Nếu không còn trang phục truyền thống thì họ phải tham khảo, tìm hiểu ở các bảo tàng tỉnh hoặc Bảo tàng Dân tộc học VN… để may”.

Chương trình quy tụ một lực lượng đông đảo trên 250 người đến từ 63 tỉnh, thành tham gia trình diễn và một Hội đồng thẩm định gồm các nhà dân tộc học, nhà thiết kế thời trang, nhà văn hoá, nghệ nhân, các nghệ sĩ nổi tiếng… tham gia vào việc bình xét giải thưởng.

img Nhiều nước đã đề xuất sau lần tổ chức trình diễn này sẽ tiến cử Việt Nam đứng ra đăng cai cuộc trình diễn trang phục cộng đồng các nước ASEAN. img

Ông Hoàng Xuân Lương

Song, theo ông Hoàng Xuân Lương: Cuộc trình diễn này hoàn toàn không phải là cuộc thi, các trang phục trình diễn sẽ không được chấm điểm. Đây là đợt khảo sát quy mô lớn về các trang phục dân tộc.

Ngoài khả năng trình diễn, các thí sinh phải thể hiện được khả năng ứng xử cũng như sự hiểu biết về văn hóa dân tộc mình. Ban tổ chức sẽ lựa chọn ra 54 thí sinh đại diện cho 54 dân tộc để trao bằng khen. 54 trang phục sẽ được xem xét để lựa chọn trở thành trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc.

Theo số liệu thống kê năm 1979, Việt Nam có 54 dân tộc, hiện nay khoảng 20 nhóm dân tộc muốn tách ra và đổi tên thành dân tộc mới, do đó ngay từ việc lựa chọn trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc cũng cần phải có sự nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem