4 năm nữa, mới có 20% gạo Việt được mang thương hiệu “gạo Việt Nam”

Thiên Hương Thứ ba, ngày 29/11/2016 11:03 AM (GMT+7)
Trung bình mỗi năm nước ta sản xuất ra tới 45 triệu tấn thóc (tương đương 27-28 triệu tấn gạo), trong đó có 6-8 triệu tấn dành cho xuất khẩu, nhưng phải mất 4 năm nữa (tức đến 2020), 20% gạo Việt mới được mang thương hiệu của riêng mình.
Bình luận 0

img

Những thương hiệu gạo mang tên Việt Nam như thế này còn rất ít- D.T

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2016 diễn ra ở Học viện Nông nghiệp Hà Nội sáng nay (29.11), Bộ NNPTNT đã phổ biến đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ thực hiện 9 giải pháp để hạt gạo Việt có giá trị cao hơn, “bay” xa hơn trên thị trường thế giới.  

 Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sau gần 2 năm nghiên cứu, khảo sát với sự đóng góp của nhiều tỉnh, thành, đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ NNPTNT ký quyết định phê duyệt.

Đề án đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% tại các vùng chuyên canh của ĐBSCL, giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống còn bình quân 80kg/ha; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; diện tích lúa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chiếm từ 20% trở lên.

Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, con số này đến năm 2030 là 50%, trong đó có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo đặc sản.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đã đề ra 9 giải pháp lớn: Tái cơ cấu sản xuất lúa, trong đó duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa; tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế; cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến; phát triển thị trường; giảm tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ tài nguyên, môi trường và di sản lúa gạo; đảm bỏa chất lượng, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; vấn đề giới trong sản xuất lúa và hợp tác quốc tế.

Ông Định cũng cho biết, trước mắt Bộ NNPTNT sẽ triển khai mạnh mẽ một số giải pháp ưu tiên như nghiên cứu phát triển các giống lúa chất lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó chủ lực là lúa thơm; đổi mới chương trình khuyến nông lúa gạo theo chuỗi giá trị; đầu tư thích đáng cho các trường, viện, tổ chức khoa học công nghệ. Riêng khu vực ĐBSCL sẽ phát triển hệ thống đường thủy, bộ để tăng kết nối với các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ để có thể thực hiện xuất khẩu gạo ngay từ miền Tây…

Một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, đề án đã tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người trồng lúa, như các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập, chính sách tín dụng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai, khuyến khích đầu tư cơ giới hóa. Trong đó, Bộ NNPTNT cũng sẽ nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ ngành hàng lúa gạo từ việc trích một phần nguồn thu xuất khẩu gạo và đóng góp tự nguyện của cá nhân, doanh nghiệp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem