40 năm Báo NTNN: Nông dân tự tin "cất cánh" sau loạt bài "Trục trặc chuyển đổi số nông nghiệp"
40 năm Báo NTNN: Nông dân tự tin "cất cánh" sau loạt bài "Trục trặc chuyển đổi số nông nghiệp"
Trần Quang
Thứ ba, ngày 07/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi loạt bài độc quyền "Trục trặc chuyển đổi số nông nghiệp" được ghi nhận, trao giải Nhất Giải báo chí toàn quốc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2023, nhóm phóng viên cũng nhận được tin vui từ những người nông dân...
LỜI TOÀ SOẠN: Đúng ngày này 40 năm trước (7/5/1984), tờ tin "Nông dân mới" số 1 được xuất bản, ngay trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất, theo Giấy phép xuất bản 77/XBNT, in tại Nhà in Báo Nhân Dân. Đó cũng chính là số đầu tiên của Báo Nông thôn Ngày nay – cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sau này.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Báo NTNN xuất bản số đầu tiên, chúng tôi xin đăng tải bài viết của tác giả - nhà báo Trần Quang - viết về những chuyện hậu trường phía sau loạt bài "Trục trặc chuyển đổi số nông nghiệp", loạt bài đã xuất sắc đoạt giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2023. Xin mời quý vị độc giả cùng đón đọc.
Nông dân bán hàng qua mạng kiếm nửa tỷ đồng
Những ngày đầu năm mới 2024 về lại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận thấy đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, các băng rôn, khẩu hiệu về xây dựng nông thôn mới treo, trang trí rất đẹp, rực rỡ hơn.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Đỗ Văn Trường ở thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng cho biết, từ cuối năm 2023 đến nay cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con đã thay đổi nhiều. "Đến giờ nhiều hoạt động, sản xuất, kinh doanh của người dân được thực hiện trên điện thoại thông minh. Đơn cử như việc thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn, khai tử... mọi người chỉ cần quét các bảng mã QR dán tại các điểm công cộng sẽ được hướng dẫn thực hiện rất chi tiết, thuận lợi hơn trước", ông Trường khẳng định.
Ông Trường cho biết thêm, đến nay các hoạt động sản xuất, buôn bán của nhiều hộ dân trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao hơn nhờ áp dụng công nghệ số như thực hiện giao dịch sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử; mạng xã hội và thanh toán qua tài khoản ngân hàng điện tử (banking).
"So với các năm trước đây, năm nay cơ sở sản xuất kẹo lạc của chúng tôi có doanh thu cao nhất. Vụ năm 2023, chúng tôi không chỉ giới thiệu, chốt đơn hàng qua các kênh truyền thống mà sản phẩm còn được quảng bá trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, sản phẩm của chúng tôi được nhiều khách hàng trong và ngoài Thủ đô biết đến, đặt hàng nhiều. Tỉnh ra cả vụ gia đình bán được khoảng 2 tấn kẹo thu về khoảng nửa tỷ đồng", ông Trường khoe.
Ông Ngô Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, cùng với sự đồng hành của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, đến nay quá trình xây dựng mô hình "Thôn thông minh" của Song Phượng ngày càng có hiệu quả, thiết thực hơn và người dân cũng được nâng cao chất lượng cuộc sống nhiều hơn trước.
Theo ông Ngô Thế Anh, thời gian đầu xây dựng mô hình mới, Song Phượng nhận thấy đây là công việc mới nên các cán bộ phải tự mày mò nghiên cứu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.Tuy vậy, sau thời gian dài thực hiện đến nay, mô hình “Thôn thông minh” trên nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số” đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn xã đã hoạt động hiệu quả hơn.
Theo đó, 1 Tổ công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản đã quen dần với việc sử dụng điện thoại thông minh để làm việc.
Tại các khu dân cư, người dân đã cài đặt các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm quen dần với các phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
Nông dân nuôi cá báo lãi khá
Sau khi Báo điện tử Dân Việt đang loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp" phản ánh các hạn chế trong thực hiện mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong chăn nuôi cá nước ngọt thâm canh, các cơ quan chuyên môn của Vĩnh Phúc phối hợp với doanh nghiệp công nghệ đã tích cực vào cuộc điều chỉnh lại hệ thống cảm biến đo môi trương nước và tự động cho cá ăn giúp bà con chăn nuôi hiệu quả hơn.
Minh chứng là cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều nông dân áp dụng công nghệ vào chăn nuôi cá đã thu hoạch và báo lãi khá. Ông Trần Duy Thảo ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho hay: Lứa cá thu cuối năm 2023 của gia đình to đều, săn chắc, mã đẹp hơn nên thương lái đến tận trại thu mua hết với giá 44.000 đồng/kg. Tính ra vụ cá này gia đình tôi có doanh thu khoảng gần 1 tỷ đồng.
Sau khi thu hoạch cá được 1 tuần, ông Thảo đã thả lứa cá giống mới với số lượng nhiều gấp đôi so với năm 2023. Trong đó, chủ yếu là cá trắm, chép, rô phi.
Ông Thảo khẳng định: Nếu như chăn nuôi truyền thống như trước kia, sau khi thu hoạch bà con phải hút cạn xuống đáy và rắc vôi, phơi ao, xử lý các thuốc khoảng 1 tháng mới cho nước vào, thả giống.
Tuy nhiên hiện, các hộ nuôi cá áp dụng công nghệ mới không cần hút cạn nước mà chỉ cần xử lý qua bằng chế phẩm một tuần là có thể thả lứa cá mới và chăm sóc bằng hệ thống tự đồng sẽ đạt hiệu quả cao, quay vòng lứa chăn nuôi mới nhanh hơn.
Thời điểm nay, miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết thất thường nhưng ông Thảo vẫn tự tin giữ ấm, chăm sóc cá giống mới thả khỏe mạnh.
"So với mọi năm, thời tiết 2 năm gần đây khắc nhiệt và diễn biến thất thường hơn nên người nuôi cá thường rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí là bị thiệt hại do cá dễ nhiễm bệnh, chết nhiều.
Tuy vậy, từ khi chúng tôi lắp đặt hệ thống cảm biến và thiết bị tự động của Công ty Tép Bạc, các thiết bị tự động đo nước rất kịp thời, hiệu quả. Nhiều khi nhiệt độ, pH trong nước thay đổi, hệ thống sẽ tự động báo về điện thoại và tự động chạy quạt điều hòa nước rất nhanh chóng giúp đàn cá nuôi luôn khỏe, mạnh, nhanh lớn", ông Thảo tiết lộ.
Nói với Dân Việt, ông Dương Văn Phương - Trưởng phòng Thông tin, Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc) cho biết, chúng tôi sẽ cùng Báo điện tử Dân Việt phối hợp thông tin, tuyên truyền để nhân rộng hơn mô hình mới này giúp bà con chăn nuôi hạn chế rủi ro và nâng cao thu nhập bền vững, hiệu quả hơn.
Hiện thực hóa giấc mơ của nông dân: Làm giàu từ nông nghiệp
Sau những "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc..., đến nay các Trung tâm Khuyến nông ở các địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp công nghệ điều chỉnh lại hệ thống công nghệ và nhân rộng mô hình mới đến nhiều hộ dân, HTX sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại các địa phương này đang hình thành nên mô hình "Cánh đồng công nghệ" rất độc đáo.
Dù mới triển khai thí điểm nhưng mô hình "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" ở Ninh Bình đã cho thấy kết quả rất tích cực. Nói với Dân Việt, ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình cho rằng: Từ kinh nghiệm sản xuất, chúng tôi nhận thấy giống lúa mới triển khai sản xuất thí điểm bằng công nghệ, máy móc thông minh hiện đại tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô cho thấy lúa sinh trưởng đẻ nhánh khỏe, xanh tốt hơn giống lúa ở ruộng gieo sạ. Đặc biệt, giống lúa mới có tính chống chịu tốt, nhất là lúa chịu được rét cao.
Ông Khiêm cho biết, nắm bắt được xu thế chuyển dịch lao động trong nông nghiệp của địa phương, tỉnh đã định hướng và giao Trung tâm Kuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Đại Thành, xã Yên Thắng triển khai sản xuất 2 giống lúa mới với tiêu chí là "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK",
Theo đó, từ khâu làm đất, gieo cấy đến chăm sóc đầu bằng máy móc hiện đại, thông minh và sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ. Mục tiêu của chúng tôi là đưa các giống lúa mới chất lượng, năng suất cao vào để thay thế các giống cũ đã bị phân li, thái hóa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện hơn, hướng đến sản xuất xanh bền vững".
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Đinh Thị Tứ ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho biết, năm nay cấy lúa giống mới, nhà tôi hơn 6 sào ruộng nhưng nhờ có máy móc làm hết nên thấy nhàn hạ lắm.
Từ trước Tết, bên HTX và doanh nghiệp đưa máy về cấy không người lái xong lại có máy bay rải phân, phun thuốc nên bà con chỉ cần đứng trên bờ chứ không phải lội ruộng như trước mà lúa vẫn lên xanh tốt nên mọi người thấy rất phấn khởi.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: Loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp rất thời sự về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đặc biệt là sau khi loạt bài đăng tải đã nhận được phản hồi rất tốt từ các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
"Các thông tin trong các bài báo đều được thể hiện rất riêng, chính xác vừa chỉ ra được các hạn chế, vừa có các góp ý, hiến kế, giải pháp rất hay, thiết thực giúp các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, người dân có góc nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi số. Chứng minh cụ thể là sau khi đăng tải loạt bài, nông dân ở các tỉnh, thành như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp... đã áp dụng công nghệ như máy bay không người lái, thiết bị mới... vào sản xuất thuận lợi, hiệu quả tăng lên rõ rệt.
Qua đó, loạt bài đã góp phần giúp "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi đúng hướng và đạt hiệu quả cao hơn", Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.