40 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, một người Đà Nẵng là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
40 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, một người Đà Nẵng được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ bảy, ngày 03/09/2022 13:01 PM (GMT+7)
Lênh đênh sóng biển từ năm 13 tuổi, cậu bé ngày nào nay đã trở thành một ngư dân can trường, đầy bản lĩnh. Ông tên là Lê Văn Chiến (56 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), vị thuyền trưởng này vừa được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Thuyền trưởng Chiến là cái tên không còn xa lạ gì đối với người dân làng biển Xuân Hà nói riêng và ngư dân Đà Nẵng nói chung. Hơn 40 năm theo tàu đối mặt với sóng dữ, chèo lái con thuyền vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, giúp đời, nên ông được mọi người quý trọng, kính nể.
Nhiều năm trước, biển cả thuận lợi, nên ông Chiến đánh bắt xa bờ từ 7-8 chuyến mỗi năm. Nhưng gần đây gặp nhiều khó khăn nên số chuyến đi giảm hẳn, chỉ chừng 4-5 chuyến/năm.
Trong những ngày không ra khơi ông Chiến vẫn thường xuyên ra thăm tàu đang neo đậu bên bờ sông Hàn. Sau khi kiểm tra xong hệ thống máy móc trên tàu vẫn hoạt động tốt, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời gắn bó với biển của mình.
Clip - Ngư dân Lê Văn Chiến (TP.Đà Nẵng) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nhận xét: Ngư dân Lê Văn Chiến là tấm gương tiêu biểu về tinh thầnvà ý chívượt khó, một hội viên nông dân cần cù lao động vươn lên thoát nghèo. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Chiến còn giải quyết hàng chục lao động có thu nhập ổn định bằng nghề đi biển.
"Ngư dân Lê Văn Chiến được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, đây là thành quả của hơn 40 năm vươn khơi, bám biển, và cũng là sự động viên tinh thần vô cùng to lớn để ông và các ngư dân dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng quyết tâm bám biển, bởi đó không chỉ là nhà, là nơi mưu sinh, mà là máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng…". ông Dũng nói.
Ông Chiến bùi ngùi nói: "Lúc trước nhà tôi nghèo lắm, nên tôi nghỉ học để theo nghiệp biển của gia đình. Khi ấy tôi mới 13 tuổi, cũng chỉ biết phụ việc vặt trên tàu, sau này cứng cáp hơn thì làm lao động đánh bắt cá. Cũng nhờ nghề dạy nghề và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ ông nội và cha, nên tôi sớm thuần thục nghề biển, trở thành thuyền trưởng năm 21 tuổi".
Mới đầu, ông làm lái tàu cho những chủ tàu trong vùng, sau nhiều năm tích góp và vay mượn thêm nhiều nơi thì ông đã làm thuyền trưởng trên chính con tàu do mình làm chủ. Đến năm 2013, ông Chiến mạnh dạn vay vốn để đóng mới con tàu vỏ gỗ công suất lớn 840CV, mang biển số ĐNa 90351TS. Đồng thời đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại để giúp ông thực hiện khát khao vươn khơi làm giàu, bám biển dài ngày hơn.
Ông Chiến chia sẻ, đối với một người làm thuyền trưởng, thì niềm vui lớn nhất là đưa cả đoàn cập bến bình an với một khoang tàu đầy ắp cá tôm. Dẫu biết rằng biển cả lắm gian nan, trắc trở, nhưng biển chính là hơi thở, là quê hương in sâu trong máu thịt của những người con sinh ra và lớn lên từ biển như ông.
Thời điểm đầu năm là lúc ông Chiến bận rộn với những chuyến biển đánh bắt xa bờ, ông thường cho tàu ra xa hàng trăm hải lý đến ngư trường giàu hải sản, chủ yếu khai thác ở vùng biển phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Chia sẻ kinh nghiệm để đánh bắt được nhiều cá tôm, ông Chiến nói: "Bây giờ có sự hỗ trợ của máy tầm ngư dò ngang nên việc nắm bắt được đàn cá lớn cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vào mắt nhìn và kinh nghiệm của thuyền trưởng, lái tàu đi theo con nước để tìm cá, biết nhìn hướng dòng chảy của biển, luồng cá đi, mùa nào đánh cá nước nổi, mùa nào đánh cá nước sâu….".
Gắn bó với biển từ thuở nhỏ, nên với ông Chiến và nhiều ngư dân khác, biển là nơi trái tim luôn hướng về. Vì thế, trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra khiến ông trăn trở nỗi niềm mai này không còn ai mặn mà với nghề biển.
Vươn khơi tìm cách đổi đời
Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu lao động đi biển, nhiều tàu muốn vươn khơi phải chạy đôn chạy đáo tìm bạn thuyền. Nếu như mỗi chuyến biển kéo dài từ 15-20 ngày, thì ông Chiến cần 12 lao động làm thuyền viên trên tàu. Nhưng nay đỏ mắt mới tìm được người, chủ yếu là bạn thuyền ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), Quảng Ngãi.
Ông Chiến trầm tư nói: "Lao động đi biển nay khan hiếm lắm, thanh niên ở làng biển thì không mặn mà với nghề truyền thống. Thu nhập từ nghề lại không ổn định, lúc cao lúc thấp. Thêm vào đó, ngư trường đánh bắt ngày càng cạn kiệt, hạn hẹp, trong khi giá cả vật tư và chi phí chuẩn bị cho một chuyến biển ngày càng tăng vọt, dao động từ 120-150 triệu đồng. Nhiều lúc được mùa lại mất giá.
Chưa kể đến yếu tố thời tiết thất thường, khi biển động hay có sự cố xảy ra thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Bản thân tôi có vài lần xém chết trên biển, nhưng nhờ sự bình tĩnh và may mắn nên đã thoát chết, bình an trở về. Khó khăn là thế nên chỉ còn thế hệ đi trước như tôi cố bám nghề mưu sinh".
Để chuyến biển xa khơi bội thu và thuận lợi, ông Chiến thường đánh bắt theo tổ đội từ 4-5 tàu. Các tàu cùng hỗ trợ nhau trong việc khai thác hải sản, đặc biệt là khi gặp khó khăn ông rất nhiệt tình kêu gọi và đoàn kết mọi người lại để cùng nhau giúp đỡ, tương trợ vượt qua khó khăn.
Năm 2014, những ngày bám trụ trên biển để tham gia đẩy đuổi tàu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương–981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta là kỷ niệm mà ông Chiến không bao giờ quên được.
Dù đối mặt với sự hung hãng, bành trướng và đuổi đánh của tàu Trung Quốc, nhưng ông và nhiều ngư dân khác vẫn đoàn kết, kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thay lá cờ mới cho tàu, ông Chiến bồi hồi nói: "Nghề nào cũng có nhiều khó khăn, nhưng với nghề đi biển, không yêu nghề thì không thể gắn bó lâu dài. Biển là hơi thở, là cuộc sống và là một phần máu thịt, nên dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Cứ khi nào còn sức khoẻ là tôi còn dong thuyền ra khơi đánh bắt".
Được mệnh danh là một thuyền trưởng sát cá, mỗi chuyến biển của ông đều đạt sản lượng cao, đem lại nguồn thu nhập lớn với mức lãi trung bình 500 triệu đồng/năm. Những lúc tàu neo bờ, ông Chiến chế biến hải sản khô các loại, làm chả cá thu để kiếm thêm thu nhập. Từ nghề đi biển mà ông Chiến đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây nhà cửa khang trang, con cái ăn học thành tài…. Đặc biệt, ông còn giải quyết việc làm cho hơn 10 thuyền viên trên tàu.
Hiện ông Chiến là Đội trưởng Đội dân quân tự vệ biển của quận, uỷ viên Ban chấp hành Hội Nông dân quận Thanh Khê, tham gia đấu tranh, kiên trì bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Ông nhận được nhiều Bằng khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương, vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.