40 năm gánh án oan giết vợ (bài 1): Đến chết vẫn chưa được minh oan

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 07/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
LTS: Ông Mưu Quý Sường (77 tuổi, đã chết cách đây 7 năm), vừa được Công an tỉnh Bắc Giang bồi thường 2,35 tỷ đồng sau gần 40 năm mang án oan giết vợ. Đầu tháng 4/2021, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã về gia đình ông Sường, gặp người thân nghe kể hành trình kêu oan đẫm nước mắt cho một người đã mất.
Bình luận 0

Năm 1977, cả làng Gốc Vối (xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) rúng động khi nghe tin ông Mưu Quý Sường giết vợ. 41 năm sau, cả làng Vối lũ lượt kéo nhau đến hội trường xã dự buổi lễ xin lỗi công khai ông Mưu Quý Sường - người lúc này đã nằm dưới 3 tấc đất.

Bị bắt khi chưa kịp làm đám tang cho vợ

Những ngày đầu tháng 4 oi ả, chúng tôi tìm đến thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, để nghe lại câu chuyện đằng đẵng kêu oan mấy chục năm của gia đình ông Sường. 

Trên xe buýt, chúng tôi hỏi đường về thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu - nơi xảy ra vụ án oan đối với ông Mưu Quý Sường, nhân viên xe buýt nhiệt tình chỉ đúng địa điểm.

40 năm gánh án oan giết vợ (bài 1): Đến chết vẫn chưa được minh oan - Ảnh 1.

Vợ và con ông Mưu Quý Sường với di ảnh ông tại buổi xin lỗi công khai do Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2018. Ảnh: T.P

Đường vào xã Trù Hựu nay đã khác xưa. Thôn Gốc Vối giờ đây cũng đã đô thị hóa, nhà tầng mọc lên san sát. Ngay ngã ba thôn Gốc Vối, chúng tôi hỏi thăm người phụ nữ trạc tuổi 60 đường đến nhà của bà Vi Thị Cú - người vợ thứ 2 của ông Sường. 

Người phụ nữ nhìn chúng tôi một hồi rồi đáp: "Chính là tôi đây. Nhà bà Cú đây".

Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đứng trước mặt chúng tôi là người vợ thứ hai của ông Mưu Quý Sường - một trong những người mang án oan nổi tiếng nhất ở tỉnh Bắc Giang. 

Bên ấm nước vối mới pha, bà Cú kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện kỳ lạ của ông Mưu Quý Sường - người mang nỗi oan khiên giết vợ cho đến lúc xuống mồ.

Năm 1977, khi ấy bà Cú mới 20 tuổi, vừa lập gia đình được 2 năm với ông Hà Văn Dóng -người cùng xã Trù Hựu. Mùa đông năm ấy, cả làng Vối xôn xao khi nghe tin công an đến nhà "bắt thằng Sường giết vợ". 

Người ta đồn rằng, bà Hoàng Thị Múi - vợ ông Sường (người vợ đầu tiên - PV) được phát hiện chết ở suối gần nhà. Công an huyện Lục Ngạn, Ty Công an tỉnh Hà Bắc (cũ) đến bắt ông Sường vì nghi là thủ phạm vụ án. Ông Sường bị bắt đi khi chưa kịp làm đám tang cho vợ, ở nhà chỉ còn hai con nhỏ: Đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 7 tháng tuổi.

"Tôi nghe chuyện cuối năm ấy, công an bắt ông Sường đi tù vì tội giết vợ. Chuyện được một thời gian rồi cũng bẵng đi" - bà Cú nhớ lại. Người phụ nữ này lúc ấy không hề biết rằng, người tù Mưu Quý Sường sau này lại gắn bó mật thiết, gần gũi với cuộc sống của bà.

Về làng mang nặng oan khiên

Bà Cú tiếp chúng tôi ngay ở quầy tạp hóa trong căn nhà 2,5 tầng xây dựng kiên cố từ năm 2003. "Mỗi tháng cũng vun vén được 3 - 4 triệu đồng. Lúc còn sống, ông Sường ở cùng tôi trong nhà này. Nhưng nói thật, nhà này không phải nhà ông Sường đâu, lúc về làng, ông ấy trắng tay".

Năm 1988, "thằng tù" Mưu Quý Sường trở về làng Gốc Vối. Cả làng không rõ vì sao sau 11 năm, ông Sường lại được tha tù sau tội giết người. Người ta cũng chẳng mất công thắc mắc sao trong chừng đấy năm, không có phiên tòa nào xét xử ông Sường giết vợ. 

Ông Sường, 44 tuổi, tay trắng về làng, nhà cửa không còn, hai người con cũng đã theo người thân sang Trung Quốc.

Thời gian ấy, bà Cú cũng trải qua biến cố lớn của cuộc đời. Năm bà 30 tuổi, ông Hà Văn Dóng - chồng bà mất vì bệnh sốt rét. 4 đứa con để lại một nách bà Cú chăm nom, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, đứa út mới ẵm ngửa 3 tháng tuổi.

Ông Mưu Quý Sường - không gia đình, gặp bà Vi Thị Cú - cuộc sống khốn khó, một nách 4 con. Hai người "rổ rá cạp lại", đỡ đần nhau trong lúc khó khăn. Trong ký ức của bà Cú, thời điểm ông Sường mới ra tù, dáng người cao, gầy gò, khuôn mặt hốc hác. 

Ánh mắt ông đỏ hoe, mang nặng suy tư. Bà Cú tin ông Sường mới chấp nhận gá nghĩa vợ chồng. Nhưng nhiều người khác thì không, cả làng Gốc Vối tận mắt thấy công an về "bắt thằng Sường giết vợ". "Thằng Sường" đi tù bao nhiêu năm vì giết vợ... Người ta cứ bàn tán xôn xao khi ông bà về ở với nhau.

"Khi tôi về thưa chuyện với gia đình việc đến với ông Sường, mọi người bên nội (gia đình nhà chồng cũ - PV) và bên ngoại phản đối kịch liệt, không cho chúng tôi lấy nhau. Thậm chí, có người còn bảo tôi "mày lấy thằng Sường về không sợ nó giết à? Nó giết vợ đấy". Nhưng sau đó tôi vẫn quyết tâm đến với ông Sường vì tin ông bị oan" - bà Cú kể lại.

Chấp nhận nghĩa vợ chồng với ông Sường, cũng có nghĩa là bà Vi Thị Cú phải gánh đỡ một phần tiếng oan của chồng mình. Không những bị gia đình phản đối, bà con lối xóm cũng xa lánh gia đình người đàn bà có chồng mang "tội giết người". 

"Có những thời điểm khó khăn, tôi sang nhà hàng xóm, người thân vay bát gạo về nuôi con nhưng họ không cho vay chỉ vì chồng tôi mang tội giết người" - bà Cú đau xót khi nhớ về thời điểm đầu quyết định đến với ông Sường.

Ông N.T.H (56 tuổi) ở thôn Gốc Vối kể rằng, thời điểm ông Sường bị bắt và chấp hành án tù, bà con lối xóm bàn tàn rất nhiều. "Lúc đó, vụ ông Sường giết vợ là đề tài mọi người hay nói đến trong lúc rảnh rỗi" - ông H chia sẻ.

Bà Cú cũng có lúc băn khoăn, liệu quyết định của mình có đúng? Nhiều đêm, bà hỏi ông về vụ việc người vợ đầu tiên bị chết? Lần nào, ông Sường cũng khẳng định: "Tôi bị oan, tôi không giết bà ấy. Kể cả lúc mới vào tù, họ ép tôi phải nhận tội nhưng tôi nói tôi không giết vợ và nhất quyết không nhận tội".

Tin chồng, bà Cú cùng ông Sường hàng chục năm sau đó, đằng đẵng đi gõ cửa khắp nơi kêu oan, giải tiếng xấu ông Sường "giết vợ" hằn sâu trong dân làng Gốc Vối.

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem