40 năm trăn trở “bình dân hóa” thuốc chữa ung thư

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/03/2017 06:30 AM (GMT+7)
40 năm miệt mài nghiên cứu các hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - nữ chủ nhân của giải thưởng Kovalevskaia 2016 luôn trăn trở làm thế nào để “bình dân hóa” thuốc chống ung thư, giúp cho người bệnh có thể kéo dài cuộc sống, đỡ tốn kém...
Bình luận 0

40 năm gắn bó với phòng thí nghiệm

Những ngày này, GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang tất bật thu xếp công việc để ra Hà Nội dự lễ trao giải Kovalevskaia năm 2016. Thế nên rất khó để có được một buổi trò chuyện “ra ngô ra khoai” với nữ chủ nhân duy nhất giành giải Kovalevskaia năm 2016 hạng mục cá nhân, ngoài những trao đổi chớp nhoáng.

Dù vậy, không khó để nhận ra được sự hạnh phúc và tự hào của người phụ nữ này qua giọng nói đậm chất Nam Bộ: “Khi hay tin là cá nhân duy nhất nhận giải Kovalevskaia năm 2016, tôi cảm thấy quá bất ngờ. Từ trước tới nay tôi chỉ quen trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được xướng danh, được ra Thủ đô nhận giải thưởng cao quý. Tôi rất hạnh phúc...”.

img

  GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng (ôm hoa) cùng bạn bè và gia đình. Ảnh: Q.H

GS Phụng cho biết, bà sinh ra ở Bến Tre (sinh năm 1955), sau đó đi học tại ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học tự nhiên) và được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp. 40 năm gắn bó với ngôi trường này, GS Phụng đã cùng những sinh viên của mình hướng tới nghiên cứu, khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật, địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được trong nước và thế giới khảo sát.

Cụ thể, bà đã tiến hành khảo sát 53 loài cây và cho ra kết quả thực nghiệm về hóa học, hoạt tính sinh học của những loài thực vật đó. Nhờ những khảo sát này, GS Phụng đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào các bệnh ung thư ở người như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường...

Để có được những thành quả nghiên cứu trên, GS Phụng không thể quên những tháng ngày lang thang một mình hoặc cùng học viên đi tìm những cây thuốc mới, lạ còn chưa được ai nghiên cứu, đặt tên ở những vùng núi xa xôi, hẻo lánh. “Nhiều lúc khó khăn, bế tắc lắm nhưng tôi quyết tâm không từ bỏ, vì những công trình nghiên cứu này của tôi cũng là công trình to lớn gắn với kết quả nghiên cứu sinh của học viên, là tương lai của các em, nên tôi luôn đeo bám và động viên các em giúp nhau vượt qua khó khăn đó” - nữ giáo sư chia sẻ.

Sau khoảng thời gian miệt mài trong phòng thí nghiệm hoặc đi thực tế, bà lại trở về với gia đình hoặc gặp mặt học trò. Bà bảo: “Tôi may mắn có người chồng cũng làm khoa học (ông nguyên là giảng viên khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên, đã nghỉ hưu), là mối tình từ thời sinh viên và cùng trường nên anh ấy cũng thông cảm khi tôi suốt ngày nghiên cứu, thí nghiệm. Dù vậy, ở nhà thì tôi cũng là một người vợ, người mẹ đảm đang đó nhé” - GS Phụng cười rạng rỡ.

“Tôi rất nhiều con”

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 được  trao tối 7.3 cho 1 tập thể và 1 cá nhân. Đó là tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Các chị là những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt, để chế tạo, sản xuất ra các loại bột kích thước nano mét (nm). Còn cá nhân được nhận giải là GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Câu chuyện với GS Phụng dần chuyển sang những thông tin “bí mật” về gia đình, bè bạn - những thông tin thuộc dạng hiếm với bạn đọc về người phụ nữ khá kín tiếng  này. Bà cười khi tôi hỏi về việc con bà có theo nghiệp của mình: “Tôi á, nhiều con lắm, em hỏi con nào?”. Hóa ra, ngoài 2 người con “mang nặng đẻ đau” ra thì bà còn có hàng chục người con là những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh... nhờ bà mà thành danh, đã quay trở lại nhận nữ giáo sư làm mẹ nuôi.

Bà tâm sự, cuộc đời mình cái tự hào nhất là đã hướng dẫn cho hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh thành công, góp phần tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trăn trở nhất của nữ giáo sư hiện nay là những kết quả nghiên cứu của bà và các sinh viên, nghiên cứu sinh mà bà hướng dẫn dù được hội đồng chuyên môn đánh giá cao nhưng chưa thể triển khai ứng dụng thành sản phẩm ra thị trường.

“Tất cả mới dừng ở mức độ nghiên cứu cơ bản. Từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất 2, 3, 4 giai đoạn nữa, cùng với đó là vốn đầu tư lớn, công sức lẫn tiền bạc. Chỉ tiếc rằng, nguồn dược liệu của nước ta còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá một cách đầy đủ, có hệ thống. Những nghiên cứu của tôi đều về lĩnh vực dược, còn tôi thì lại thuộc chuyên ngành hóa nên có lẽ chưa thuyết phục được người ta đầu tư để mang những sản phẩm chống ung thư “bình dân” ra thị trường” - nữ giáo sư tiếc nuối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem