407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng

Bình Minh Thứ ba, ngày 13/06/2023 12:51 PM (GMT+7)
Việt Nam là nơi có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng cao, 407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng, 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới.
Bình luận 0

Hơn 400 loài động vật nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng

Thông tin này được ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc CITES Việt Nam cho biết tại Hội thảo Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 13/6.

Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn đến nhiều loài động vật đang nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng là do tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã vì mục đích thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

"Động vật hoang dã không chỉ khai thác trong nước, buôn bán nội địa, động vật hoang dã còn được buôn bán xuyên quốc gia từ quốc gia xuất xứ, trung chuyển và tiêu thụ", ông Mạnh cho biết.

407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng - Ảnh 1.

Ngày 13/6, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Ảnh: Bình Minh

Hiện trạng buôn bán động vật trái pháp luật giai đoạn 2018 - 2023 đối với buôn bán vảy tê tê 50 vụ bị điều tra, xét xử (tịch thu 40.000 kg); 20 tấn ngà voi (53 đối tượng đã bị truy tố, xét xử liên quan đến tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ngà voi với mức phạt trung bình 5,3 năm tù) và 500kg sừng tê giác bị tích thu (xử phạt tù 26 đối tượng với mức tù trung bình 6,6 năm tù).

Giai đoạn 2018 - 2021 bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An, bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển 01 cá thể hổ nặng 200kg ở Lai Châu và bắt 3 đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con tại Hà Tĩnh (tất cả các đối tượng vi phạm đều bị khởi tố hình sự).

Theo ông Mạnh, những khó khăn, tồn tại trong việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, đó là đường biên giới mở, hội nhập; Quy luật cung – cầu; Ràng buộc bởi các hiệp định song phương, đa phương; Thách thức từ hoạt động của các tổ chức tội phạm liên biên giới; Thách thức từ phương thức buôn bán trái phép động vật hoang dã nơi mạng xã hội; Vấn đề truy xuất hàng hóa…

Bên cạnh đó, hạn chế về nhận thức và năng lực. Mức độ ưu tiên kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã chưa cao ở một số cơ quan, địa phương; Năng lực điều tra, nhận dạng, áp dung công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế.

407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng - Ảnh 2.

Hình ảnh một chú khỉ bị nhốt trong lồng trong loạt phóng sự điều tra Lật mặt các “địa ngục thú rừng - 2021” của Báo điện tử Dân Việt.

Là người đã có nhiều loạt bài ấn tượng đạt giải báo chí quốc gia phản ánh về đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhà báo Hoàng Chiên, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt cho biết, để có những sản phẩm báo chí chất lượng, hình ảnh, video thực tế về tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, anh cùng các đồng nghiệp đã thâm nhập vào tận "hang ổ" của các đối tượng. 

Chia sẻ với các đồng nghiệp tại Hội thảo, nhà báo Hoàng Chiên cho biết, để có sản phẩm báo chí chân thực, "bằng chứng" xác đáng thì phóng viên, nhà báo cần tổ chức tốt chuyến đi hiện trường, không để thiếu máy móc, thiết bị, phải hẹn trước các nguồn tin và đối tượng thật kĩ, tránh chủ quan có thể đi hàng nghìn cây số mà không được việc.

"Chúng ta phải nhận định tình hình kĩ, mang thiết bị phù hợp, quay, chụp từ xa hay từ trên cao, quay lén như thế nào tốt nhất, đối tượng mình tiếp xúc là người như thế nào. Tạo tình huống để có hình ảnh, video tốt nhất có thể, điều này cần khả năng khảo sát, dùng bản đồ vệ tinh nghiên cứu trước hoặc hỏi đồng nghiệp địa phương, đối tác thật kĩ trước khi đưa ra dữ liệu chuẩn", nhà báo Hoàng Chiên chia sẻ.

407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng - Ảnh 3.

Nhà báo Hoàng Chiên, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp khi viết bài phản ánh tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Bình Minh

Ra mắt mạng lưới phóng viên điều tra động vật hoang dã

Nhà báo Hoàng Chiên cũng cho rằng, để có những loạt bài phản ánh thành công thì phải luôn tìm ra "chìa khóa" của vấn đề, tìm lối ra cho đề tài và tư duy mở rộng đề tài, đào sâu đề tài từ chính hiện trường đó, có khi một chi tiết rất nhỏ có được trong quá trình điều tra giúp đề tài mở ra gấp nhiều lần. Một câu nói của đối tượng có khi đưa cả câu chuyện dài mà chúng ta đang điều tra rẽ theo hướng khác hoặc quay lại 180 độ.

"Khi đã thu thập đầy đủ những bằng chứng của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép thì phải quy trách nhiệm rõ ràng; mời các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, những người có uy tín và chức trách đồng loạt lên tiếng", nhà báo Hoàng Chiên cho biết.

407 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng - Ảnh 4.

Nhà báo Hoàng Chiên thâm nhập vào tận "hang ổ" của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Tại Hội nghị, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ra mắt mạng lưới phóng viên điều tra buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mạng lưới sẽ là cơ quan kết nối, phối hợp với các nhà báo, phóng viên trong việc điều tra, viết bài và đăng tải các bài báo, phóng sự truyền hình, chuyên đề, ấn phẩm trong việc đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.

"Thông qua mạng lưới sẽ hỗ trợ đắc lực và hiệu quả chiến dịch truyền thông nói không với buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội tại Việt Nam, từ đó giúp hình thành và lan tỏa tinh thần đấu tranh, bảo vệ động vật hoang dã trong cơ quan báo chí nói riêng và các cộng đồng nói chung, góp phần chung tay cùng Chính phủ, Bộ NNPTNT thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học tại Việt Nam.", ông Đảm chia sẻ.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem