Ngành tôm Việt muốn phát triển bền vững phải lấy nuôi trồng làm gốc

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 13/06/2023 08:29 AM (GMT+7)
Không chỉ xuất khẩu gặp khó, ngành tôm Việt ngày càng thiếu bền vững vì khâu nuôi trồng còn yếu kém. Để phát triển chuỗi giá trị tôm, cần lấy người nuôi tôm làm trọng điểm, từ đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.
Bình luận 0

Ngành tôm Việt khủng hoảng nguyên liệu

Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu đạt con số kỷ lục với 4,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm. Bước sang năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở tất cả các thị trường và ở tất cả các mặt hàng. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm với gần 40%.

Ông Đỗ Ngọc Tài - Gỉám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh cho rằng, sự sụt giảm này do tác động từ nhu cầu thị trường suy yếu, nguồn cung vượt cầu. Sự sụt giảm này cũng cho thấy bản thân ngành thủy sản Việt Nam đang phát triển theo hướng thiếu bền vững, thiếu sức cạnh tranh.

Riêng với tôm, doanh nghiệp phải đối mặt với việc nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là tại Ecuador và Ấn Độ.

Tại Ecuador, chi phí nuôi thấp khi những trang trại lớn chủ động được nguồn tôm bố mẹ, cho con giống chất lượng tốt.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cùng với đó, diện tích nuôi rộng lớn, nuôi theo hình thức quảng canh, mật độ nuôi thưa, không dùng kháng sinh, hiệu quả nuôi tôm có thể lên trên 80%. Giá thành nuôi tôm của Ecuador thấp hơn Việt Nam từ 25-30%.

Trong khi đó, ở Việt Nam, hiệu quả trung bình trong nuôi tôm chỉ dưới 50%. Những trang trại lớn đầu tư tốt thì đạt hiệu quả khoảng 80%. Còn lại, những hộ dân nhỏ lẻ, điều kiện nuôi kém thì chỉ đạt dưới 40%.

Với tình trạng giá tôm xuống thấp từ đầu năm đến nay, đa số nông dân nuôi tôm từ hòa đến lỗ vốn. Sắp tới sẽ có nhiều hộ treo ao. "Hệ quả kéo theo là hai quý cuối năm, các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu để chế biến, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ giảm", ông Tài dự báo.

Cũng theo ông Tài, dù phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá bán ra của các nhà máy phải theo mặt bằng thị trường chung trên thế giới. Do đó, các nhà máy cũng sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ trong thời gian tới.

Đồng tình, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng, năm nay, tình hình thị trường tôm xấu đi khi Ecuador, Ấn Độ liên tục giảm giá bán.

Hàng khó tiêu thụ, dòng tiền tắc nghẽn, doanh nghiệp buộc lòng phải giảm giá mua. Hiện, giá thu mua nguyên liệu của Việt Nam cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với giá Ấn Độ.

Giá tôm nguyên liệu ở mức thấp, người nuôi tôm đối mặt nguy cơ thua lỗ do giá thành sản xuất cao. Người dân nuôi tôm ở Cà Mau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá tôm nguyên liệu ở mức thấp, người nuôi tôm đối mặt nguy cơ thua lỗ do giá thành sản xuất cao. Người dân nuôi tôm ở Cà Mau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Quang dự báo, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam năm nay sẽ ở mức thấp, bà con nuôi tôm đối mặt nguy cơ thua lỗ do giá thành sản xuất cao.

Theo ông Quang, giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao chủ yếu do tỉ lệ nuôi thành công thấp. Nguyên nhân đầu tiên từ chất lượng nguồn tôm giống. Sản xuất tôm giống của Việt Nam còn nhỏ lẻ, không đạt chất lượng. "Khi người nuôi tôm thả nuôi, tỷ lệ sống thấp sẽ đẩy giá thành tôm nguyên liệu lên cao", ông Quang nhận định.

Tôm Việt cần lấy nuôi trồng làm gốc

Theo các doanh nghiệp, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu thủy sản là một thách thức lớn của Việt Nam. Hàng năm, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu sản xuất của các nhà máy, phần còn lại là nhập khẩu.

Thực tế, nuôi trồng thủy sản Việt Nam đến nay vẫn còn manh mún, đặc biệt đối với nuôi tôm nguyên liệu. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp không thể chủ động được vùng nuôi do không được thuê đất. Về lâu dài, điều này dẫn đến nhiều nguy cơ trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Từ những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam khó duy trì mức kim ngạch xuất khẩu như năm 2022. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 chỉ cố gắng duy trì mức xấp xỉ 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD.

Ngành tôm Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng con giống. Một trại nuôi tôm giống ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngành tôm Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng con giống. Một trại nuôi tôm giống ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đỗ Ngọc Tài cho rằng, chiến lược lâu dài cho ngành tôm Việt Nam vẫn phải lấy nuôi trồng làm gốc. Làm sao để nuôi tôm thương phẩm với giá thành thấp và tỷ lệ nuôi thành công cao hơn.

Việc này phải có sự kết hợp từ công ty sản xuất con giống chất lượng tốt, thức ăn chất lượng với giá thành thấp, các đơn vị cung ứng chế phẩm nuôi trồng với giá cả hợp lý…

Các bộ ngành, đặc biệt là ngân hàng, cần hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi mô hình từ nuôi truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao. Bởi vì, theo ông Tài, hiện tại chỉ khoảng 10% các doanh nghiệp lớn và 20% các hộ dân nuôi thành công đầu tư công nghệ cao. Còn lại, đến 70% là các hộ nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống.

"Doanh nghiệp chế biến cũng phải rà soát lại chi phí sản xuất, bố trí dây chuyền cho phù hợp, và phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn để tăng sức cạnh tranh với tôm các nước khác", ông Tài nhận định.

Nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Thiện Hải - Nguyên Chủ tịch VASEP - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Hải cho rằng, lợi thế trước đây của Việt Nam là có nhiều nhà máy chế biến, có công nghệ chế biến tương đối, tay nghề chế biến cao, làm thị trường khá tốt.

Thế nhưng hiện nay, các nước đối thủ đều đã làm được những thế mạnh này. Thêm vào đó, họ làm tốt hơn cả ở khâu nuôi trồng, vốn là điểm yếu của ngành nuôi Việt Nam.

Ông Hải đề nghị: Nếu như trước đây, chúng ta đặt vai trò của người chế biến là trọng tâm thì hiện nay, ngành tôm Việt nên đặt vai trò của người nuôi là trọng tâm trong chuỗi giá trị.

Và khi đã xác định rõ vai trò trọng tâm của người nuôi, ngành tôm Việt mới cùng nhau gây dựng, sắp xếp lại các vấn đề liên quan, như phát triển nghề nuôi như thế nào, diện tích ra sao, cần có các chính sách hay cơ chế gì để hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhất trí, Hiệp hội cần quan tâm nhiều hơn tới con giống và công nghệ nuôi tôm.

Hiện nay, các nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm được nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều. Thế nhưng, mảng thức ăn, con giống và công nghệ nuôi vẫn còn nhiều vấn đế cần được cải thiện. Đây cũng là phần khiến giá thành sản phẩm cao và giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.

Công tác nguyên liệu đảm bảo cho chế biến xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 của ngành tôm Việt.

"Vasep đặt mục tiêu hướng đến khâu nuôi trồng, quan tâm nhiều hơn tới sinh kế của người nuôi tôm. Vì ngành nuôi trồng mà không sống được thì chế biến và xuất khẩu cũng không thể phát triển", bà Sắc chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem