Ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, so với cùng kỳ năm 2010, số mắc và tử vong đều giảm, hiện chưa ghi nhận thêm ổ dịch mới. Tuy vậy tháng 10-11 là tháng cao điểm về dịch SXH nên diễn biến dịch còn phức tạp, nguy cơ bùng phát và lan rộng trong cả nước là điều có thể. Một số tỉnh, thành phố có số trường hợp mắc bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2010 là Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hà Nội, Bình Thuận.
Ông Dương cho hay, SXH là bệnh tăng có tính chu kỳ. Trong những năm 1998-2007, bệnh chủ yếu xảy ra tại khu vực ĐBSCL (chiếm đến 80-90%). Theo các chuyên gia dịch tễ, nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh SXH là do bệnh chưa có vaccin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho mật độ muỗi phát sinh nhiều làm bệnh lây lan nhanh hơn và bắt đầu tấn công miền Bắc.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 2 tháng gần đây cho thấy, số trường hợp mắc SXH nhập viện gia tăng. Ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện cho hay, mỗi ngày có từ 5-7 ca SXH thể nặng nhập viện. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã điều trị cho hơn 600 bệnh nhân mắc SXH thể nặng.
Thực tế điều trị cho thấy, nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng SXH do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp. Tình trạng giảm tiểu cầu quá mức này rất nguy hiểm, bệnh nhân dễ bị chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Hầu hết các ca SXH thể nặng đều được chuyển về từ các tỉnh, trên địa bàn Hà Nội bệnh nhân mắc SXH tập trung chủ yếu ở Phương Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng...
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.