Ưu đãi tối đa về vốn vay
Theo ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: “Niên vụ cà phê 2010-2011 đã kết thúc với sản lượng xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD và dự báo trong niên vụ 2011-2012, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu trong nước là tình trạng khan hiếm về tài chính, nhất là trong bối cảnh vụ thu hoạch cà phê sắp đến gần (tháng 10-11).
|
Doanh nghiệp càphê đang thiếu vốn để thu mua mặt hàng này và yên tâm trữ hàng chờ xuất bán với giá tốt. |
Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chốt giá và ồ ạt giao hàng, dẫn đến dễ bị ép giá, gây thiệt hại cho ngành cà phê Việt Nam”. Trong khi đó, tình hình đối với ngành điều cũng không sáng sủa hơn, do lãi suất vay vốn cao, chi phí đầu vào tăng, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng những tháng cuối năm đang đến gần, nên nhiều doanh nghiệp đã phải bán giá thấp để trả nợ.
Với những khó khăn trên, Bộ NNPTNT đã đưa ra đề nghị Ngân hàng Nhà nước tung một gói vốn vay ưu đãi lên tới 45.000 tỷ đồng để giải cứu những khó khăn cho 2 ngành trên. Cụ thể, đối với cà phê, cần bố trí nguồn vốn vay lưu động khoảng 16.000 tỷ đồng để thu mua và tạm trữ cà phê xuất khẩu với hình thức cho vay không phụ thuộc vào hạn mức, có thể cho vay 100% hàng nhập kho. Thời hạn cho vay 6 tháng và ân hạn thêm 6 tháng, nếu thị trường bất lợi.
Khan hàng cà phê; lượng điều xuất khẩu giảm
Theo Bộ NNPTNT, tính đến cuối tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu được 1 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2010). Giá cà phê xuất khẩu đang duy trì ở mức cao (trên 2.200USD/tấn), song nguồn cung nội địa lại đang giảm. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 11, bà con sẽ bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới.
Về ngành điều, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu được 146.000 tấn với kim ngạch 1,2 tỷ USD (tăng gần 36%). Tuy nhiên, hiện khối lượng xuất khẩu điều đang giảm mạnh ở các thị trường như Mỹ, Australia, Anh, Canada, Thái Lan. Giá xuất khẩu bình quân của điều đạt khoảng 8.245USD/tấn.
Đối với ngành điều, Bộ NNPTNT đề nghị bố trí nguồn vốn vay lên đến 29.000 tỷ đồng, gồm 13.000 tỷ đồng thu mua điều thô trong nước, 13.000 tỷ đồng nhập khẩu nguyên liệu… Thời hạn vay 12 tháng với lãi suất ưu đãi tối đa. Bộ NNPTNT cũng cam kết sẽ phối hợp cùng với Bộ Công Thương chấn chỉnh các doanh nghiệp cà phê về phương thức kinh doanh, để đảm bảo nguồn vốn vay đạt hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện việc giải ngân của các ngân hàng cho doanh nghiệp 2 ngành trên thu mua giải ngân rất khó khăn, vì thế quan điểm của Bộ NNPTNT là đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí, tạo điều kiện để giải ngân đầy đủ cho các doanh nghiệp”.
Theo ông Nam: “Lần này, không phải là thu mua tạm trữ như mấy năm trước, mà là hỗ trợ vốn để cho các doanh nghiệp mua hàng trữ lại trong kho, rồi chủ động điều tiết hàng hóa ra thị trường. Nguyên tắc là phải mua cho dân với giá cao, rồi trữ lại bán từ từ, tránh việc bán ồ ạt dẫn đến giá trên thị trường thế giới bị tụt xuống”.
Khó điều, dễ cà phê
Đánh giá về phản ứng của Bộ NNPTNT về việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tới 29.000 tỷ đồng cho ngành mình, ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, có lẽ đề nghị trên là hơi… lạc quan, vì sẽ rất khó để phía ngân hàng chấp nhận và giải ngân một số vốn lớn đến như thế cho riêng ngành điều.
Ông Thanh cho biết: “Năm nay, thị trường thế giới cho ngành điều đang rất khó khăn, lượng tiêu thụ giảm, dẫn đến giá từ 2-3 tháng nay giảm tới 0,6 USD/kg, từ 8,6 USD xuống còn có 8 USD/tháng. Do đó, một nguồn vốn ưu đãi cho ngành điều lúc này là rất cần thiết, nhưng phải xác định ưu đãi cụ thể ở đây là ưu đãi như thế nào, chứ chỉ có một văn bản của Bộ NNPTNT, rất khó để thuyết phục được Ngân hàng Nhà nước đồng ý”. Điều quan trọng bây giờ là, các doanh nghiệp phải tự thân vận động, tự cứu lấy mình”.
2.000 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu cà phê
Chiều qua (26.10), tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) và Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển xuất khẩu cà phê với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp cà phê VN nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh và khắc phục khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Theo đó, Techcombank cam kết sẽ dành nguồn vốn lên đến 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để tài trợ cho doanh nghiệp ngành cà phê niên vụ 2011/2012.
Mai Hương
Đối với ngành cà phê đang gặp một nghịch lý là mặc dù giá xuất khẩu đang tiếp tục tăng, đẩy giá cà phê nội địa lên cao, song đây cũng là lúc các doanh nghiệp đang khan tài chính nhất.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: “Thực tế, câu chuyện về cà phê bây giờ là cuộc chơi của thế giới, của Brazil. Ở Brazil, họ định giá sàn cho doanh nghiệp, trên giá đó họ muốn bán bao nhiêu cũng được, còn dưới giá đó Nhà nước sẽ mua tạm trữ vào để đảm bảo thu nhập cho nông dân, còn ở mình chỉ đến khi nào khó khăn quá mới thực hiện thu mua tạm trữ”.
Theo ông Tự: “Đặc điểm của cà phê là thu một vụ bán quanh năm, nhưng ở nước ta cứ khi thu hoạch rộ thì bán tống, bán tháo, dẫn đến người tiêu dùng thế giới được lợi, còn người sản xuất của ta bị thua thiệt do giá xuống thấp. Bây giờ, nếu có vốn dài hơi để cho doanh nghiệp và nông dân yên tâm bán từ từ, hiệu quả cho ngành cà phê sẽ lớn hơn”.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.