Vì sao vùng đồng bằng sông Hồng vẫn khó đưa máy bay không người lái, máy cấy vào trồng lúa?

Hồng Nhân Thứ ba, ngày 27/06/2023 14:01 PM (GMT+7)
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp diễn ra tại Hà Nam đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Hồng.
Bình luận 0

Sáng nay 27/6, tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Cục Trồng trọt; Sở NTPTNT tỉnh Hà Nam...

Với chủ đề “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” diễn đàn đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng, hạn chế, cơ chế chính sách trong việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 

Cơ giới hóa khâu gieo trồng, sấy lúa còn nhiều hạn chế

Tại diễn đàn, ông Hồ Phi Tuấn - đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phân tích về thực trạng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, hiện nay, mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chỉ tập trung ở một số khâu như làm đất, khâu tưới tiêu đạt trên 90%, vận chuyển lúa đạt trên 75%. Một số khâu khác trong sản xuất thì mức độ áp dụng cơ giới hóa còn ít, đặc biệt ở khâu gieo trồng và khâu sấy.

Giải pháp nào để chống thất thoát 3,2 triệu tấn lúa/năm do thiếu máy móc? - Ảnh 2.

Cơ giới hóa trên những cánh đồng tại Hà Nam. Ảnh: Hồng Nhân.

Năm 2022, diện tích lúa cả năm của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 7,128 triệu ha, sản lượng đạt trên 42,66 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn (giảm 2,7%), do diện tích gieo trồng giảm khoảng 146,8 nghìn ha (giảm 2%), năng suất đạt 60,1 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha sản lượng lúa vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây).

Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 79% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.

Giải pháp nào để chống thất thoát 3,2 triệu tấn lúa/năm do thiếu máy móc? - Ảnh 3.

Tham quan mô hình sản xuất mạ khay tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ảnh: Hồng Nhân

Trên cả nước, việc ứng dụng máy móc trong làm đất bằng máy đạt 90,75%, gieo trồng đạt 21%, bơm tưới 80,44%, phun thuốc 53,53%, thu hoạch bằng máy đạt 58,98% diện tích, sản lượng lúa được sấy và bảo quản đúng kỹ thuật thấp, chỉ đạt 29,22%, vận chuyển đạt 78,45%.

Thực trạng ứng dụng cơ giới hóa thấp đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo Việt Nam.

Theo thống kê, hiện tại thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là gần 3,2 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD", đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu.

Giải pháp nào để chống thất thoát 3,2 triệu tấn lúa/năm do thiếu máy móc? - Ảnh 5.

Ông Hồ Phi Tuấn - Đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phân tích thực trạng việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Hồng Nhân

5 giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa vùng dồng bằng sông Hồng

Lúa gạo là ngành có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất trong hầu hết các khâu, từ chế biến giống; làm đất, gieo, cấy, chăm sóc, thu hoạch.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, trong khâu làm đất, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã lên tới 93,4%, khâu gieo, cấy là 26,6%; chăm sóc (tưới nước là 78,8%, bón phân đạt 25,1%, phun thuốc là 68,4%); thu hoạch là 82,8%.

Trong khâu làm đất, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất trồng lúa trên cả nước đạt bình quân 90,75%, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đạt 91,99%, một số tỉnh đạt gần 100% như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định.

Khâu phun thuốc, hiện đã bán cơ giới bằng bình phun thuốc mang vai có động cơ hay loại kéo dây dùng máy nén khí và thùng chứa lớn, nhưng năng suất còn thấp và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người sử dụng. 

Mô hình sử dụng máy phun thuốc tự hành đã được ứng dụng tại một vài địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, cần hỗ trợ để phát triển nhân rộng mô hình.

Giải pháp nào để chống thất thoát 3,2 triệu tấn lúa/năm do thiếu máy móc? - Ảnh 4.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vùng Đồng bằng sông Hồng.

Khâu tưới nước, tỷ lệ cơ giới hóa trong tưới chủ động cho lúa đạt 80,44%, trong đó cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng đạt 90,37%, việc đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho lúa được chú trọng nhất. 

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa bình quân cả nước đạt 58,98%, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 32,84%.

Toàn vùng đồng bằng sông Hồng có 3.166 máy gặt lúa các loại trong đó có 2.892 máy gặt đập liên hợp còn lại là máy gặt rải hàng, cơ giới hóa thu hoạch bình quân trong vùng đạt 32,84%, trong đó Thái Bình cao nhất 55%.

Theo ông Hồ Phi Tuấn - đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, vùng đồng bằng sông Hồng hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng máy móc vào trồng lúa, đồng nghĩa khu vực này phải tập trung vào các giải pháp sau:  

Giải pháp nào để chống thất thoát 3,2 triệu tấn lúa/năm do thiếu máy móc? - Ảnh 6.

Cơ giới hóa trên những cánh đồng tại Hà Nam. Ảnh: Hồng Nhân.

Một là tập trung đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Hai là tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất lúa tập trung, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi. Lồng ghép với các hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững).

Ba là hoàn thiện chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất.

Bốn là tỷ lệ cơ giới hóa tại các vùng trồng lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Hồng ở một số khâu đã đạt gần 100%, nhưng trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới hiện đại như máy bay không người lái vào phun thuốc, bón phân; hệ thống quan trắc, cảnh báo rủi ro, dịch bệnh… để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Năm là tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu phát triển các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất lúa gạo tại ĐBSH nói chung, từng vùng nói riêng và phù hợp với quy mô, đặc điểm canh tác của các hộ.

Việt Nam hiện đã sản xuất 30% máy động lực có công suất dưới 30 HP phục vụ nông nghiệp (riêng , máy xay xát lúa gạo chiếm 90% thị phần).

Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp; nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao nhất là với sản xuất lúa nổi bật là vùng ĐBSCL, ĐBSH khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch lúa gần 90%, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem