Đây là loại cây sâm mọc tốt tại Hà Giang, nông dân, doanh nghiệp cùng trồng, chia lợi nhuận

Thứ ba, ngày 27/06/2023 05:08 AM (GMT+7)
Đã có ít nhất trên 5 ha cây sâm cát được trồng phát triển tốt. Sâm cát, một loài dược liệu tiềm năng được liên kết trồng tại xã Yên Hà (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang); HTX bắt tay với doanh nghiệp cùng đầu tư trồng, cùng chia lợi ích, một cây trồng mới cùng với hướng đi, cách làm mới.
Bình luận 0

Sâm cát, hay dân gian còn gọi với rất nhiều cái tên khác nhau như, sâm nam, ngưu đại lực, sơn liên ngâu hay đại lực thự. 

Sâm cát có tên khoa học là Milletta speciosa Champ, thuộc họ đậu. Sâm cát có củ rễ, có vị ngọt, tính bình. 

Các nhà nghiên cứu dược học cho biết: Sâm cát có tới trên 14 loại khoáng chất và các loại vi ta min có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ con người như, Flavonod, Flemiphilipnin C và D, Tetrahydroxy... 

Từ rất lâu, trong dân gian thường sử dụng cây sâm cát để chữa các căn bệnh cảm sốt, khát nước, dùng chữa bệnh trẻ kém ăn, bệnh thủy đậu, chữa bệnh suy nhược cơ thể, viêm gan, bệnh ho có đờm. 

Y học hiện đại nghiên cứu và triết xuất dược lý từ sâm cát dùng chữa trị các bệnh liên quan đến tổn thương gan, thận do hoá chất hoặc một số các căn bệnh mãn tính khác. 

Đây là loại cây sâm mọc tốt tại Hà Giang, nông dân, doanh nghiệp cùng trồng, chia lợi nhuận - Ảnh 1.

Cây sâm cát được HTX dược liệu xã Yên Hà (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) liên kết đưa vào trồng mở rộng diện tích.

Bà Vũ Thị Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại Minh Tú (Hà Nội) nhận định: Xã hội đã phát triển đến mức thịnh vượng. Nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, sử dụng các loài thực phẩm, các sản phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên đã, đang trở thành xu thế mới của thế giới hiện đại. 

Công ty đã hợp tác với nhiều nhà khoa học và các doanh nghiêp công nghệ sản xuất nhiều loại sản phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ điều trị các căn bệnh có nguồn gốc chính triết xuất từ sâm cát. Điều đó là cơ hội, là hướng đi mới đầy tiềm năng để cho doanh nghiệp Minh Tú và nhà nông Yên Hà bắt tay nhau trồng cây dược liệu làm thức ăn, làm thuốc.

Thực tế đã từ lâu các lang y sử dụng sâm cát, hay còn gọi là cây sâm đất, sâm nam, hay tiếng Tày còn gọi là Hang chởn làm thuộc chữa các bệnh cảm, ho, hen xuyễn rất hiệu quả. 

Nắm được lợi ích từ cây sâm cát, UBND xã Yên Hà liên hệ với các doanh nghiệp, thành lập HTX trồng dược liệu làm cơ sở pháp lý để tổ chức, dẫn dắt bà con trong xã đưa cây sâm cát trồng thành vùng hàng hoá theo chuỗi liên kết.

Đến thăm một số hộ dân đang trồng cây sâm cát tại thôn Tràng Thẳm, xã Yên Hà, ông Đinh Xuân Bính vui vẻ cho biết: Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân góp đất cổ phần rồi bỏ tiền vốn bằng 50% giá trị mua giống sâm về trồng, bỏ công chăm sóc, thu hoạch. 

Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Minh Tú đầu tư 50% giá trị giống cây sâm cát cùng vật tư, phân bón chuyển tới tận vườn từng hộ đăng ký hợp đồng trồng cây sâm. 

Bà Vũ Thị Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Minh Tú, cho biết: Công ty chịu tránh nhiệm cung ứng giống, phân bón bằng 50% giá trị đầu tư trồng sâm. Đồng thời, chịu trách nhiệm chuyển giao KHKT trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm làm ra. 

Doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sâm đã trồng cho bà con theo giá bán thị trường thấp nhất không dưới 50.000 đồng/kg. Còn giá thu mua sâm cát tươi thu hái tại vườn hiện tại đang được doanh nghiệp thu mua dao động từ 150 – 200 ngàn đồng/kg. 

Công ty cam kết với bà con liên kết trồng sâm với doanh nghiệp chắc chắn: Doanh nghiệp cam kết sẽ chi trả ít nhất là 75 triệu đồng/ha liên kết trồng sâm trong những trường hợp xảy ra rủi ro bất khả kháng. Thời gian trồng và thu hoạch sâm cát là 3 năm rưỡi/chu kỳ. 

Trên mỗi ha đất có thể trồng được từ 7.000 – 10.000 cây sâm cát. Năng suất sâm thu hoạch bình quân dao động khoảng 1,5 – 3 kg củ sâm tươi tùy theo mức độ chăm bón. 

Ngoài sâm củ, doanh nghiệp còn tận thu mua tối đa toàn bộ thân, lá. Lợi nhuận thu được trên mỗi ha trồng sâm cát tương đương trên 330 - 345 triệu đồng/ha/năm. 

Các anh lãnh đạo xã Yên Hà nhận định, Yên Hà có lợi thế rất lớn về đất đai, sức lao động. Hơn nữa, cây sâm cát xưa nay còn là cây bản địa nên chúng hoàn toàn thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu trong vùng. Việc liên kết và từng bước mở rộng diện tích trồng sâm với doanh nghiệp sẽ tạo ra bước tiến nhảy vọt trong phát triển kinh tế ở Yên Hà.

Trước lúc chia tay, Giám đốc HTX dược liệu xã Yên Hà, Bùi Văn Hoan hẹn tôi nhớ về Yên Hà ngay khi thu hoạch lứa sâm cát đầu tiên. Còn tôi, mong cho ước mơ làm giàu từ cây Sâm cát của bà con nông dân Yên Hà sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Hùng (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem