Các ứng dụng di động sẽ giúp bạn thực hiện một số tác vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn, như làm đẹp ảnh, gõ phím nhanh, ghi âm cuộc gọi... Tuy nhiên, cần chú ý để sử dụng các ứng dụng này một cách an toàn.
1. Không cài đặt các ứng dụng lạ
Có thể bạn sẽ bắt gặp một ứng dụng hay khi lướt web và tò mò muốn thử nghiệm ngay, chẳng hạn mới đây là ứng dụng làm ảnh Võ Tắc Thiên của một nhà phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của các ứng dụng dạng này trước khi cài đặt. Nếu quyết định cài đặt thì chỉ nên cài từ kho ứng dụng uy tín, như App Store đối với iOS, Google Play đối với Android và Windows Phone Store đối với điện thoại Windows Phone.
Một ứng dụng của Trung Quốc đang được giới trẻ đua nhau sử dụng dù không hiểu các quy định do nhà phát triển đưa ra là như thế nào.
2. Đừng vội bỏ qua bước xác nhận các yêu cầu
Trong quá trình cài đặt và sử dụng, ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng xác nhận cho phép sử dụng một số tính năng, như camera, microphone, truy cập album ảnh, gửi thông tin lên mạng... Tuy nhiên, một ứng dụng chỉnh sửa ảnh thì chắc hẳn sẽ không yêu cầu được phép ghi âm cuộc gọi, một ứng dụng vẽ biểu đồ thì có thể sẽ không yêu cầu truy cập danh bạ. Nếu phát hiện thấy có yêu cầu lạ và đáng nghi, bạn nên cẩn trọng với ứng dụng đó.
Thiết lập quyền hạn của một ứng dụng trên iOS.
3. Chọn ứng dụng uy tín tương ứng với nhu cầu
Cùng một chức năng nhưng sẽ có rất nhiều ứng dụng ngoài thị trường. Khi này, bạn nên chọn ứng dụng uy tín nhất trong nhóm. Chẳng hạn, với bản đồ là Google Maps, HERE Maps hay App Maps; với nhu cầu chat là Facebook Messenger, Skype; lướt web thì có thể chọn Google Chrome... đây đều là các ứng dụng được phát triển bởi các hãng tên tuổi và có số lượng người dùng "khổng lồ".
Một ứng dụng bị Apple đánh giá là kém an toàn.
4. Kiểm soát kỹ ứng dụng có chức năng thanh toán trực tuyến
Đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng có chức năng thanh toán trực tuyến như Uber, CGV... Nếu cài đặt đúng phiên bản "chính chủ" thì bạn không cần quá lo lắng về việc quản lý tài khoản, tuy nhiên rất có thể kẻ gian sẽ tìm cách khiến người dùng cài phải phiên bản nhái để đánh cắp tài khoản. Do đó, bạn phải hết sức cẩn thận.
Ngoài ra, còn có nhiều ứng dụng cùng có chức năng này nhưng lại không ghi rõ trong quy định hoạt động là sẽ bảo mật thông tin tài khoản người dùng, chịu trách nhiệm với các giao dịch... Bạn phải tuyệt đối thận trọng và tránh xa dạng ứng dụng này.
Thỏa thuận sử dụng một ứng dụng trên iOS.
5. Không cho ứng dụng chạy nền nếu không cần thiết
Dù không có các chức năng mang tính thời gian thực, nhưng một số ứng dụng vẫn thích hoạt động ở chế độ chạy nền. Với các ứng dụng này, bạn nên vô hiệu hóa tính năng chạy nền. Thực tế, nhiều ứng dụng chạy nền để ăn cắp thông tin người dùng đã bị "vạch mặt" bởi các hãng bảo mật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.