5 lý do khiến vé xem Man City không “hot”!

Tùng Lâm Thứ ba, ngày 21/07/2015 11:14 AM (GMT+7)
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CLB Man City tại sân Mỹ Đình sẽ diễn ra. Thế nhưng cho tới thời điểm này, bầu không khí bóng đá vẫn rất ảm đạm. Lượng vé bán ra không lớn, trong khi người hâm mộ thì thờ ơ.
Bình luận 0

Sáng 19.7, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã tổ chức bán vé xem trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CLB Man City tại cổng SVĐ Mỹ Đình. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, từ khoảng 2-3 giờ sáng đã bắt đầu có người tới xếp hàng, thậm chí một số người hâm mộ ở tỉnh xa còn cho biết họ đã bắt xe lên Hà Nội từ chiều ngày 18.7. Tới 7 giờ sáng, khi các phòng vé chính thức mở cửa, cảnh chen lấn, xô đẩy nhau đã xảy ra. Ai cũng muốn sớm mua cho mình 1 cặp vé.

img

Không khí mua vé chỉ tấp nập trong khoảng 7-8 giờ sáng ngày 19.7.

Tuy nhiên, tới khoảng 9 giờ, số người mua chỉ còn lác đác. Lúc này, người hâm mộ có thể thoải mái vào sân mua vé. Theo như VFF, số lượng vé tồn là khá nhiều và họ sẽ buộc phải tính bán sang các kênh khác nhằm tránh tình trạng “ế”. Trong khi đó, các “phe vé” cũng ngán ngẩm khi không thể ăn chênh lệch như mong muốn. Một số “phe vé” chỉ cố gắng bán nhanh, chấp nhận bằng giá hoặc thu lời từ 100-200.000 đồng để sớm rút về nhà nghỉ ngơi.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến vé xem trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và Man City không “hot” như kỳ vọng của Ban tổ chức. Dưới đây là 5 lý do chính theo nhận định của Dân Việt.

1. Man City không phải thương hiệu đình đám tại Việt Nam

Man City là á quân Premier League mùa trước, sở hữu trong đội hình rất nhiều ngôi sao tầm cỡ của bóng đá thế giới. Thế nhưng có một thực thế khó chối cãi, đội bóng áo xanh thành Manchester mới chỉ nổi lên trong khoảng 7 năm trở lại đây và số lượng CĐV của họ ở Việt Nam không nhiều, thậm chí chỉ bằng 10-15% số người dành tình cảm cho Arsenal, Chelsea hay M.U.

2 năm trước, khi Arsenal sang Việt Nam, thầy trò Wenger đã tạo ra một cơn sốt. Có gần 4.000 người xếp hàng mua vé từ sáng sớm nhưng cơn sốt vé chỉ thực sự diễn ra vào buổi sáng. Đến buổi chiều, số người xếp vé chỉ còn lác đác. Và tổng kết cuối ngày vẫn còn thừa đến… 3.000 trong tổng số 10.000 vé được bán ra! Đến cả Arsenal “hầm hố” là vậy mà còn rơi vào tình trạng “ế vé” thì việc Man City không được quan tâm như kỳ vọng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

2. Nguy cơ vắng những ngôi sao lớn như Aguero

Cách đây ít ngày, VFF đã công bố bản danh sách đội hình Man City tới Việt Nam, trong đó có đầy đủ những ngôi sao sáng giá nhất, thế nhưng họ lại ghi sai quốc tịch của một loạt cầu thủ. Thậm chí còn điền cả tên của James Milner, bất chấp tiền vệ người Anh đã chuyển sang khoác áo Liverpool. Rõ ràng đây là một sự cẩu thả, khiến cho người hâm mộ có quyền nghi ngờ rằng, VFF chỉ cố gắng đánh bóng đối tác, chứ thực chất chưa chắc những ngôi sao thượng thặng như Aguero, người được phép nghỉ ngơi sau Copa America 2015, đã sang Việt Nam.

3. Man City thiếu tôn trọng ĐT Việt Nam

Thực tế trong tour du đấu mùa hè 2015 của Man City, vốn không có Việt Nam. Họ tính tới Indonesia, nhưng vào phút chót, kế hoạch bị hủy do đội tuyển nước này bị FIFA cấm thi đấu. Vậy nên nhà á quân Premier League mới chọn Việt Nam làm nơi cứu cánh. Có lẽ cũng vì thế mà Man City chẳng quá mặn mà. Bằng chứng là trên website chính thức của họ có rất ít thông tin nói về trận giao hữu với ĐT Việt Nam, thậm chí cũng chẳng có trong phần lịch thi đấu.

4. Giá vé quá đắt

Mệnh giá thấp nhất xem trận Việt Nam – Man City là 600.000 đồng/vé, cao nhất là 1,8 triệu đồng/vé. Cao hơn rất nhiều so với giá trung bình trận Việt Nam – Arsenal cách đây 2 năm. Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, việc bỏ ra một khoản tiền dao động từ 1-2 triệu đồng để trực tiếp theo dõi một trận bóng đá là cả vấn đề với không ít người. Vậy nên, chuyện vé có mệnh giá 600.000 đồng/vé bán chạy, còn loại từ 1,5 tới 1,8 triệu đồng ế ẩm là điều không có gì bất ngờ.

5. Khung giờ không thích hợp và thói quen của người Việt

Trận đấu diễn ra ngày 27.7, tức ngày thứ 2, thời điểm mà mọi người vừa kết thúc một ngày làm việc đầu tuần mệt mỏi nên thích ngồi nhà thư thả xem tivi hơn là chen lấn vào sân. Chưa kể, khung 20 giờ cũng khiến cho những người ở xa cảm thấy khó khăn hơn trong việc di chuyển. Hơn hết, người Việt thường không có thói quen mua vé sớm. Đa phần những người quan tâm đều nghe ngóng tình hình thị trường vài ngày trước khi đưa ra quyết định. Hy vọng, 1-2 ngày trước trận đấu, bầu không khí bóng đá sẽ được hâm nóng, chứ không ảm đạm như thời điểm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem