Báo Anh gọi phiên dịch trận Việt Nam – Man City là... thảm họa

Thứ sáu, ngày 31/07/2015 18:05 PM (GMT+7)
Báo chí nước Anh không chỉ chê công tác tổ chức của Việt Nam, rồi bài diễn văn dài lê thê trước trận đấu, mới nhất họ còn gọi đội ngũ dịch thuật của chủ nhà là “thảm họa”. Rõ ràng, qua sự kiện Man City, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã có vết gợn trong mắt bạn bè quốc tế.
Bình luận 0

Sự kiện Man City tới Việt Nam đá giao hữu với ĐT Việt Nam tại sân Mỹ Đình đã khép lại. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, ngân hàng đứng ra mời nhà á quân Premier League, cũng đã có buổi họp báo tổng kết. Thế nhưng những dư âm của nó thì vẫn còn dai dẳng mãi tới tận hôm nay. Rất nhiều CĐV Việt Nam chê trách thái độ lạnh lùng từ phía các ngôi sao Man City. Theo chiều ngược lại, báo chí Anh cũng dành ra những bài viết đánh giá công tác tổ chức của chủ nhà. Đa phần đều tỏ thái độ chê bai và thực tế thì nó không phải không có lý.

img

Các cầu thủ đứng chôn chân gần 15 phút nghe diễn văn từ Ban tổ chức. Ảnh: Xuân Lực.

Hãy xem, có ở đâu mà khi các cầu thủ Man City đã vào khách sạn, một nhóm CĐV vẫn cố gắng tiếp cận, quay phim, chụp hình và liên tục yêu cầu: “Hãy nói Tôi yêu Việt Nam”. Tất nhiên, các ngôi sao áo xanh không thể đáp ứng điều đó. Rồi nữa, trước trận đấu, cầu thủ hai bên phải đứng chôn chân tới gần 15 phút để nghe những bài diễn văn dài lê thê từ Ban tổ chức và nhà tài trợ...

Mới nhất, nhà báo Stuart Brennan của tờ Manchester Evening News tiếp tục có một bài viết “kể xấu” về sự không chu đáo của chủ nhà. Theo cây viết phụ trách các vấn đề liên quan đến Man City, công tác tổ chức của Việt Nam có quá nhiều vấn đề, đặc biệt là dịch thuật.

Trong bài viết “Nhật kí” vào ngày 26.7, Brennnan kể lại về chuyến đi taxi từ Nội Bài về khách sạn Marriott. Ông cho biết mình gặp phải một tài xế không biết tiếng Anh, không biết đường, lái xe ẩu và tỏ vẻ khó chịu khi không nhận được tiền bo. Rồi khi tới Mỹ Đình tác nghiệp, ông lại ngán ngẩm vì chất lượng wifi quá kém và không có các loại dịch vụ hỗ trợ cần thiết...

Đến phần dịch thuật, Brennnan phải dùng từ “thảm họa” để miêu tả, khi chứng kiến những phiên dịch viên liên tục nói sai: “Không thể ép buộc người khác phải nói thuần thục thứ tiếng của mình, chúng ta không nên quá nghiêm trọng khi người khác mắc lỗi khi nói tiếng Anh. Nhưng khi người phát thanh viên ở sân Mỹ Đình giới thiệu về “đại sứ của Liên hiệp Anh và Bắc Iceland (đúng phải là Bắc Ireland)”, đó quả là một điều trớ trêu với 3 phóng viên Anh có mặt trong cái nóng đến tan chảy của Hà Nội. Khuôn mặt của cầu thủ trẻ Brandon Barker cũng đầy vẻ châm biếm khi trong chuyến thăm tới làng SOS Hà Nội, anh được thông báo là “Brandon Baker”.

Rõ ràng, qua sự kiện Man City, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã có thêm những vết gợn trong mắt bạn bè quốc tế, bất chấp bầu Hiển nói rằng, thương vụ thành công tốt đẹp. Có lẽ trong tương lai, những nhà tổ chức nên có một sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chú ý tới từng chi tiết nhỏ, chứ đừng nên để mắc những lỗi ngớ ngẩn, biến mình trở thành trò cười cho thiên hạ.

Tùng Lâm (Theo Manchester Evening News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem