5 năm - hoàn tất chặng đường... nghèo

Thứ tư, ngày 24/07/2013 12:57 PM (GMT+7)
5 năm - khi công trình Thủy điện Hà Nang (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đi được nửa chặng đường thu hồi vốn đầu tư thì những người nhường đất cho dòng điện cũng “hoàn tất” quá trình nghèo.
Bình luận 0
Trước tái định cư (TĐC), thôn 4 (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) là khu dân cư khá giàu. Quế ở đây tốt nhất của vùng quế Trà Bồng nổi tiếng, rồi chè, lúa… Nay thôn 4 là "trung tâm bức xúc" của nhiều kỳ họp HĐND xã, huyện, tỉnh.
Một khoảng rừng bị người dân thôn 4 phá làm rẫy.
Một khoảng rừng bị người dân thôn 4 phá làm rẫy.

Những người không nghèo

Ông Hồ Văn Tiến (38 tuổi)- Trưởng thôn 4 giở sổ điểm cho chúng tôi về 7 hộ không nghèo trong số 98 hộ toàn thôn. Đầu sổ, hộ ông Hồ Văn Thiết- cán bộ xã, có thu nhập ổn định - không nghèo. Thứ hai, ông Đoàn Văn Nho, kinh doanh - không nghèo, ông Nho thực tế đã chuyển lên thị trấn huyện, không còn ở thôn nữa.

Thứ ba, tư, năm… bẩy, là 5 gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, đều đã nửa đường đứt gánh về lại nhà, nợ ngân hàng tiền vay đi xuất khẩu lao động hơn 20 triệu đồng không biết bao giờ trả được. Về những gia đình này ông Tiến nói: "Chúng nó còn nghèo hơn mình, về mà không có nổi chén rượu mời anh em, giờ sống lay lắt". Chuyện họ chưa được nghèo là do chậm, tới đây "phải làm cho chúng nó thôi" - anh Tiến nói.

Vậy là về thực chất, thôn 4 có 1 hộ không nghèo, gia đình ông trưởng thôn cũng vào diện cận nghèo. Tiền phụ cấp trưởng thôn, tháng hơn triệu đủ để anh Tiến mua xăng, sửa xe chạy xuôi ngược lên xã về thôn, bất quá thêm cốc nước bạn bè khi họp hành. Để sống thì "gà mái nuôi gà trống" - vợ anh bươn chải về rẫy cũ, lên rừng kiếm củi bán…

Các con anh đi học bằng tiền lương thương binh của ông nội, năm nay 87 tuổi. Anh Tiến cười: "Nói dại chứ ông… làm sao, các con tui khó đi học tiếp". Gia cảnh anh trưởng thôn là thế, ở thôn này nhà anh vẫn là "có máu mặt".

Phá rừng làm rẫy cữ


Không hiểu "nhà khoa học" nào đã quy hoạch khu TĐC ở thôn 4, xã Trà Thủy mà gần 100 hộ dân không có nổi tấc đất canh tác. Oái oăm nữa, khu tái định cư ấy đặt giữa rừng phòng hộ… xanh mướt mát. Từ nơi ở mới quay trở về nương rẫy còn lại ở thôn cũ đi bộ nửa ngày đường, hoặc chèo thuyền gần 1 giờ vượt hồ. Từ ngày về bản TĐC bà con có thêm "cái thú" chèo thúng vượt hồ. Với người dân, sự "chòng chành" ấy mãi không quen được. Đã có không ít vụ lật thúng, may chưa ai làm sao.

Chuyển về bản TĐC năm 2008 rồi bà con mới phát hiện: Nơi ở mới không có đất làm rẫy cữ. Rẫy cữ với người Cor quan trọng hơn căn nhà, nơi ấy trồng ngũ cốc, cùng mọi thứ cây để lấy sản vật cúng ông bà tổ tiên, ma rẫy, ma rừng, ma núi… Rẫy cữ của nhà nào cũng phải có, là nơi hội tụ đời sống tâm linh của các gia đình người Cor. Vụ phá rừng đầu tiên liên quan đến cái rẫy linh thiêng ấy, 5,7ha rừng bị phá để mỗi nhà có cái rẫy cữ. Lãnh đạo xã, huyện lên để xử lý rồi cũng bất lực. Ngoài cái sự… vận động, tuyên truyền… của nhiều cuộc họp dân, thì chính những người đi xử lý cũng thấy khó xử.

Việc phá rừng làm rẫy ở thôn 4 có khởi đầu sẽ có tiếp theo và khó dứt được, nhất là khi doanh nghiệp, chính quyền mắc bệnh "hứa" trầm trọng. Khi dân đã đi, "ván đã đóng thuyền", việc thực hiện những lời hứa ấy thành… chưa vội. Đã 5 năm về bản mới nhưng điện vẫn chưa có, con đường mở rộng để thi công đập nay đang xuống cấp, đặc biệt nhất là vấn đề đất canh tác cho dân. Không đất canh tác, người dân phá rừng phòng hộ làm rẫy, mỗi vụ thêm một chút. Hỏi trưởng thôn có phá rừng không, anh Tiến cười: "Mình không phá, bí thư chi bộ thôn cũng không". Hỏi kiểm lâm viên - anh Đinh Hồng Tâm xác nhận: "Trưởng thôn và bí thư thì không nhưng vợ họ thì… có".

Anh Tâm cũng cho biết cả thôn chỉ có những gia đình già yếu là không tham gia phá rừng làm rẫy. Diện tích rừng bị phá ở thôn 4 trong những năm qua là bao nhiêu, không ai tính được, cũng không ai muốn tính.

Gần trăm hộ dân thôn 4 nay cứ loay hoay: Nhà một nơi, rẫy một nơi và… tranh thủ phá rừng mọi lúc. Cái sự loay hoay ấy khiến rừng mất, rẫy kém, cuộc sống người dân vào ngõ cụt. Hai đêm chúng tôi ở lại thôn 4 thấy quá nửa số hộ không về nhà, họ ở rừng hay ở nương? Chịu không xác định được, họ đang cố cho miếng ăn hôm nay trên rẫy cũ hay đang vật vã phá rừng, làm cái rẫy mới cho "ngày mai".

Sửa sai không dễ

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy - ông Nguyễn Văn Tuấn trầm ngâm nói: "Chúng mình có lỗi với dân, nhiều việc cứ như là dối dân vậy". Mấy năm qua, có chương trình hay dự án nào cũng cố dồn cho 2 thôn có TĐC. Trà Thủy cũng nghèo, chỗ nào cũng cần đầu tư, vốn mục tiêu của Nhà nước ít, sự dồn ấy cứ như "lấy của người nghèo cho người nghèo hơn vậy" - ông Tuấn nói tiếp.

Về chuyện TĐC ở Thủy điện Hà Nang, kiểm lâm viên Đinh Văn Tâm cho rằng: Phải lấy định canh làm gốc cho định cư. Muốn vậy cần đầu tư xây lại khu TĐC ở vùng rẫy cũ, làm thủy lợi, khai phá đất quanh hồ thành ruộng, bù số ruộng mất. Đời sống dân thực sự ổn, rừng mới không bị mất". Đầu tư thế vốn đến hàng trăm tỷ và phải lãng phí bao công trình đã làm.


Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng - ông Nguyễn Văn Bắc cũng thẳng thắn: "Khi triển khai dự án, chính quyền, chủ đầu tư và cả người dân chưa tính hết những hệ quả xấu, đặc biệt vấn đề đất canh tác cho người dân".

Việc của hơn trăm hộ dân TĐC Thủy điện Hà Nang đã "nóng" trong nhiều kỳ họp HĐND huyện Trà Bồng và tỉnh Quảng Ngãi. Dự án "sửa sai" với tổng kinh phí 62 tỷ đồng cũng được tỉnh đưa vào kế hoạch ưu tiên với các nội dung:

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuyển đổi 120ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để cấp cho các gia đình TĐC. Về nội dung chuyển đổi rừng, thực chất là phá rừng cũ trồng rừng mới. Dân TĐC Thủy điện Hà Nang có thể đỡ hơn đôi chút chứ vẫn 1 chốn 3 nơi: Nhà, rẫy, rừng, khó mà định cư thực sự được.
Xuân Trường - Ngọc Viên ( Xuân Trường - Ngọc Viên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem