5 năm thực hiện Chỉ thị số 40: Quyết sách đột phá trong tín dụng chính sách
5 năm thực hiện Chỉ thị số 40: Quyết sách đột phá trong tín dụng chính sách
Thu Hà
Thứ hai, ngày 13/07/2020 05:00 AM (GMT+7)
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội sau 5 năm triển khai, đến nay đã thu được những kết quả quan trọng; góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững...
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong 5 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ T.Ư đến địa phương, chính quyền các cấp đối với việc triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội ngày càng được tăng cường và quan tâm. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã có những bước ngoặt mới. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/10/2019 đạt 211.757 tỷ đồng, tăng 77.085 tỷ đồng so với thời điểm trước ban hành Chỉ thị số 40.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn các địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 11.209 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%, tăng gấp gần 3,9 lần so với giai đoạn trước khi có chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/10/2019 đạt 15.017 tỷ đồng…
Thực hiện Chỉ thị 40, Ngân hàng CSXH chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả mang lại kết quả tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến thời điểm 31/10/2019 đạt 201.464.729 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào 8 chương trình lớn (chiếm trên 96%/tổng dư nợ).
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên) đã chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc thực hiện đầy đủ và tốt hơn các nội dung ủy thác. Kết quả dư nợ cho vay ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội tăng hơn 1,5 lần so với thời điểm ban hành chỉ thị.
Tác động mạnh mẽ, tích cực
Hà Nội là 1 trong những địa phương thực hiện đưa Chỉ thị số 40 vào cuộc sống hiệu quả. Tính đến ngày 31/8/2019, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đạt gần 2.900 tỷ đồng, riêng trong 5 năm qua, bổ sung 1.805 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị. Trong 5 năm thực hiện chỉ thị, đã có trên 487.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn từ Ngân hàng CSXH.
Ngày 15/7/2020 tới đây, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 với các nội dung chính: Đánh giá tình hình phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40; kết quả thực hiện Chỉ thị 40 và những đề xuất, kiến nghị.
Còn tại Phú Thọ, đến nay, nguồn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH gần 21 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh gần 14 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thành, thị trên 7 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt trên 4.060 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.045 tỷ đồng.
Với mạng lưới phục vụ sâu rộng, kịp thời, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kể từ ngày Chỉ thị ban hành, tín dụng chính sách đã giúp trên 209.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Đến thăm gia đình ông Trương Công Sự (ở khu 2, xã Sơn Cương, Thanh Ba, Phú Thọ) ông Sự phấn khởi cho biết: Sau 5 năm được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng, gia đình ông đã có cuộc sống đủ đầy hơn; con cái học hành, có công ăn việc làm ổn định.
Ông Sự bộc bạch: "Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngân hàng chính sách, những hộ nghèo như gia đình tôi có cơ hội vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tránh được tình trạng đi vay nặng lãi. Có vốn, các thành viên trong gia đình tôi đã cố gắng tập trung chăm sóc vật nuôi, cây trồng để không những bảo toàn được vốn, mà phải có lãi để tái đầu tư. Hiện nay gia đình đã đủ ăn và thoát nghèo".
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn các địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 11.209 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%, tăng gấp gần 3,9 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/10/2019 đạt 15.017 tỷ đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.