Theo đánh giá, 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai được nhiều chính sách về tam nông, bước đầu giúp đời sống nông dân cơ bản được cải thiện.
Nông nghiệp tăng trưởng 4,6%/nămTheo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau 5 năm triển khai Nghị quyết Tam nông, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2008-2013, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 4,6%/năm, giá trị gia tăng ước đạt 3,28%/năm. Sản lượng lúa trong 5 năm qua tăng thêm hơn 5 triệu tấn (từ 38,6 triệu tấn lên gần 44 triệu tấn); sản lượng thuỷ sản đã tăng từ 4,6 triệu tấn năm 2008 lên hơn 5,7 triệu tấn vào năm 2012 và ước năm 2013 đạt 5,9 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5,6%.
Nông dân xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội tích cực chuyển dịch sang trồng hoa để nâng cao thu nhập.
Xuất khẩu, nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hoá, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2008-2012) đạt 113,3 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm.
Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp cũng đã đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở khu vực nông thôn. Hiện cả nước có 9.725 hợp tác xã nông nghiệp, 20.603 trang trại với quy mô giá trị sản phẩm hàng hoá đạt hơn 90 triệu đồng/trang trại; thu nhập bình quân 44 triệu đồng/trang trại/năm...
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận và lan toả trong toàn xã hội, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, 75 xã được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là thành công nhất của Nghị quyết Tam nông. Chương trình này đã tạo ra sự phấn khởi cho nhân dân cả nước, nhất là người dân nông thôn, trở thành phong trào rộng khắp trên mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, ngành nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng chậm dần, từ mức 3,79% năm 2008 xuống còn 2,72% năm 2012 và ước khoảng 2,14% năm 2013; sức cạnh tranh thấp, thiếu bền vững, hiệu quả thấp; quy mô sản xuất nhỏ, rải rác làm tăng rủi ro, ngăn cản quá trình cơ giới hoá, công nghiệp hoá... Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi vẫn nặng về trồng trọt, chiếm 72,1%, chăn nuôi chỉ chiếm 26,5%. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, an toàn thực phẩm?còn gây nhiều bức xúc trong xã hội; phần lớn, nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được đánh giá là thành công nhất của Nghị quyết Tam nông. Chương trình này đã tạo ra sự phấn khởi cho nhân dân cả nước, nhất là người dân nông thôn, trở thành phong trào rộng khắp trên mọi miền đất nước.
|
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Đức Phát - Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh rằng, bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay và do biến đổi khí hậu tiếp tục gây thời tiết bất thường đã ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nông thôn.
Tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm, cơ cấu sản xuất chuyển đổi chậm, khả năng cạnh tranh thấp. Thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn; Khu vực nông thôn phát triển chậm và chưa bền vững.
Thời gian tới, theo ông Phát, Đảng bộ Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy các cấp đổi mới, đa dạng hóa hình thức phương pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự và cấp ủy thực hiện nghị quyết, tiếp tục đề ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể triển khai cách sáng tạo nghị quyết tại cơ quan, đơn vị.
Ông Cao Đức Phát nêu rõ: Đây là nghị quyết có ý nghĩa hết sức to lớn. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tập trung nghiên cứu, đổi mới nhanh một số cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các cấp đối với nông nghiệp...
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.