5 năm qua, gần 7.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã thoát nghèo

Đông Anh Thứ tư, ngày 26/06/2024 06:25 AM (GMT+7)
Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hàng năm là sự đột phá, đầy tính sáng tạo và mang tính đặc thù của tỉnh Bình Phước. Kết quả 5 năm thực hiện chương trình, gần 7.000 hộ đồng bào DTTS đã thật sự thoát nghèo.
Bình luận 0

Ngày 25/6, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm trên địa bàn tỉnh Bình Phước (2019-2023).

Thông tin tại hội nghị cho biết: Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm, đã được tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện từ năm 2019. Trong 5 năm, từ năm 2019 đến năm 2023, tổng nguồn vốn Bình Phước đầu tư cho chương trình là 675,7 tỷ đồng.

5 năm, tỉnh Bình Phước đưa gần 7.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.- Ảnh 1.

UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giảm hộ nghèo đồng bào DTTS. Ảnh: TTX

Trong 5 năm (2019 – 2023), toàn tỉnh Bình Phước đã thực hiện giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào DTTS, đạt 130% chỉ tiêu kế hoạch mà tỉnh đã đưa ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS). Qua đó, đưa số hộ nghèo đồng bào DTTS từ 4.545 hộ, chiếm tỷ lệ 52,7% trong tổng số hộ nghèo (đầu năm 2019) xuống còn 516 hộ. Tính đến nay (2024), theo số liệu thống kế mới nhất, tỉnh Bình Phước chỉ còn 574 hộ nghèo đồng bào DTTS.

Tại hội nghị, trả lời PV Dân Việt, bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho biết: "Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS hàng năm – đây là một chương trình mang tính sáng tạo, đặc thù của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Phước, nhằm hỗ trợ, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. 

Tỉnh Bình Phước đã vận động các mạnh thường quân, huy động nhiều nguồn lực khác trong xã hội, kết hợp với nguồn vốn từ Trung ương, để triển khai thực hiện chương trình suốt 5 năm qua".

5 năm, tỉnh Bình Phước đưa gần 7.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh trong một chuyến thăm và tặng quà đồng bào DTTS. Ảnh: B.P

Cụ thể: Trong tổng nguồn vốn đầu tư 675,7 tỷ đồng cho chương trình; trong đó, ngân sách của địa phương chiếm 300 tỷ, Mặt trận Tổ quốc vận động 173 tỷ, nguồn vốn vay là 147 tỷ, nguồn vốn lồng ghép từ chương trình quốc gia 52 tỷ và nguồn khác 13 tỷ đồng.

Kết quả giảm nghèo của hộ nghèo DTTS đã trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận gần hơn với các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ và chất lượng hơn.

5 năm, tỉnh Bình Phước đưa gần 7.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.- Ảnh 3.

Một hộ nghèo DTTS được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò. Ảnh: T.L

Bà Minh cũng cho biết thêm: "Quá trình thực hiện chương trình, cùng với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát, trực tiếp xuống cơ sở, tiếp xúc các đối tượng được hỗ trợ. Làm sao vốn đầu tư đúng người, đúng chỗ, thật sự giảm nghèo cho bà con...".

Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chỉ còn 574 hộ, chiếm tỷ lệ 51,2% trên tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Tỉnh ủy: 

Từ năm 2024 trở đi, tỉnh sẽ không thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS. Nhiệm vụ thực hiện giảm hộ nghèo đồng bào DTTS được thực hiện chung trong kế hoạch giảm nghèo hàng năm của tỉnh.

Trong đó, năm 2024, lồng ghép giảm 292 hộ nghèo đồng bào DTTS vào chỉ tiêu giảm 500 hộ nghèo năm 2024 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem