Một xã ở Tuyên Quang, 50 năm dân nuôi cá giống dày đặc mà giàu lên, xây nhà lầu đẹp như mơ
Một xã ở Tuyên Quang, 50 năm dân chỉ nuôi cá dày đặc dưới ao mà khá giả, xây nhà lầu khang trang
Thứ ba, ngày 25/06/2024 15:21 PM (GMT+7)
Nghề nuôi ương cá giống ở Núi Cẩy, Yên Mỹ 1, Yên Mỹ 2, xã Hoàng Khai (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được người dân duy trì đã non nửa thế kỷ. Dẫu qua bao biến thiên của thời gian và cả thời cuộc, người dân nơi này vẫn yêu lấy cái nghề nuôi cá giống “cha truyền”, như những chú gọng vó cần mẫn bên bờ ao.
Những ngày mặt trời lên, dải đất Yên Mỹ 1, Yên Mỹ 2, Núi Cẩy lấp lánh như chú cá khổng lồ ánh bạc.
3 thôn nằm sát Trung tâm thủy sản tỉnh Tuyên Quang- nơi mà bà con vẫn gọi tắt là Trại cá giống Hoàng Khai.
Dân trong làng nhiều người đã từng là công nhân nuôi ương cá ở đây.
Chẳng thế mà, kỹ thuật nuôi ương cá giống, họ thuộc như từng sợi chỉ trong lòng bàn tay mình.
Giống như nhiều nghề truyền thống khác, ở đây cũng có những người tiên phong đưa nghề “Nhà nước” ra với cộng đồng.
Ông Vũ Đình Chén, thôn Yên Mỹ 1 là một người như thế. Ngày còn trẻ, ông làm thuê cho Trại cá giống Hoàng Khai, rồi dần dần tách ra làm riêng.
Ông Toàn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang giờ lui về làm nghề nuôi cá giống, ương cá giống, chăm lo đàn cá cảnh, để lại nghề cho các con cháu.
Từ cha truyền…
Những ngày khởi nghiệp, đất ở Núi Cẩy còn là đồng hoang lầy thụt, vợ chồng ông Chén khi ấy nghèo đến độ, không có tiền thuê người, thuê máy về đào ao, mà tự mình “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”.
Ông cười kể, đúng nghĩa thế thật, đêm vợ chồng ông thắp đèn, tay quai tay búa đập từng hòn đá, đắp đập be bờ…
Nói về nghề, người đàn ông 71 tuổi ấy say sưa lắm. Ông bảo, ngày mới bắt đầu ông chỉ nuôi cá hương. Những con cá hương bằng sợi tóc được nhập về, cho ăn bằng loại thức ăn đặc biệt làm từ lòng đỏ trứng gà và bột đậu tương, nuôi đủ 20 ngày là đã có thể xuất bán.
“Nghề nuôi cá giống có đặc điểm là ít rủi ro, ít vốn, vòng quay vốn cũng ngắn. Có điều, tất bật như nuôi con mọn vậy…”.
Niềm vui của ông Chén là cái nghề của mình được truyền sang đủ cả 3 người con: Vũ Thành Ngọc, Vũ Mạnh Hùng và Vũ Thị Hường. Và giờ, ai cũng có của ăn của để cả.
Ông Vũ Đình Chén, nông dân ương cá giống xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bên bể nuôi ương cá Koi.
Ông Đỗ Tiến Toàn, thôn Yên Mỹ 2 cũng là một trong những người tiên phong nuôi cá giống ở Hoàng Khai.
Gắn bó với bờ với thửa từ những ngày trai tráng, giờ ở tuổi lục tuần, ông Toàn “nhường” lại ao nuôi cho các con. Khoảnh ao nhỏ trước sân nhà, ông thả bầy cá Koi để sáng chiều ra ngắm nghía mà thảnh thơi nghĩ về những ngày tháng cũ.
Núi Cẩy là thôn tập trung diện tích nuôi cá lớn nhất xã. Cả thôn, diện tích ruộng chỉ có 16 ha, còn lại là hơn chục ha diện tích ao hồ. Trưởng thôn Núi Cẩy Lưu Văn Thanh tự hào, khi ở nghề này, đã nổi lên những cái tên “rất có tiếng tăm” mà tuổi đời cũng còn rất trẻ, như nhóm những người anh em Hoàng Duy Tới, Hoàng Duy Nhiệm, Hoàng Duy Phú, Hoàng Duy Quynh, Hoàng Duy Quýnh, Hoàng Duy Năm…
Ông Thanh bảo, người nuôi cá giống ở Núi Cẩy nói riêng, Hoàng Khai nói chung giờ đa dạng giống cá lắm, từ các loại cá rô phi, cá chép, cá trắm đến các loại cá cảnh như cá Koi, cá chép đỏ.
Bố mẹ Hoàng Duy Năm, Đào Thị Tuyền đều là người nuôi cá từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nên từ khi nên duyên vợ chồng, Tuyền và Năm cũng không nghĩ đến việc sẽ theo nghề khác.
Tuyền kể, ngày mới kết hôn, 2 vợ chồng được bố mẹ chia 1 ao cá nhỏ để làm kế sinh nhai. Sẵn có mấy chỉ vàng bố mẹ cho làm của hồi môn, Tuyền mang bán sạch để lấy vốn mua phân làm thức ăn nuôi cá. Tuyền bảo, lúc cầm vàng đi bán, trong lòng em day dứt lắm, nhưng trong lòng lại tự động viên mình, sau này có tiền mua bù…
Dẫn khách thăm cơ ngơi mấy mẫu cá của hai vợ chồng, Đào Thị Tuyền cười: “Hơn chục năm nay em vẫn chưa giữ được lời hứa ngày ấy chị ạ…”.
Vợ chồng chị Đào Thị Tuyền thôn Núi Cẩy, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang theo nghề nuôi cá giống của bố mẹ.
Không phải là chuyện không có tiền, mà vì có đồng tiền lãi nào, vợ chồng Tuyền lại gom để mua ao, mua lại ruộng trũng để mở rộng quy mô sản xuất.
Ngôi nhà xây mái Thái khang trang ngay trung tâm thôn Núi Cẩy mở cửa suốt ngày, nhưng hiếm khi thấy vợ chồng Tuyền ở nhà.
Ngày xuất cá, hai vợ chồng đánh xe ô tô “đi cá” khắp các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung để giao cá giống. Ngày không xuất cá thì bán mặt ở ao, vừa theo dõi màu nước, nhiệt độ môi trường, vừa cho ăn.
Mấy năm nay, nhiệt độ thay đổi thất thường, khiến những người nuôi cá giống ở Hoàng Khai, dẫu đã kinh nghiệm đầy mình, vẫn nếm trải thất bại như thường.
Nhiều người, như gia đình ông Nguyễn Văn Lâm “trôi” cả trăm triệu đồng tiền vốn khi mấy ao cá thương phẩm chết sạch do nhiệt độ quá cao. Nhà Đào Thị Tuyền cũng từng mất trắng cả ao cá vì sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Nuôi cá giống, thi thoảng phải “đánh thuốc” (thuốc chống nấm), thời điểm đánh thuốc, nhiệt độ mát mẻ, nhưng ngay khi đánh thuốc xong, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, cá thiếu ô xy mà chết sạch… Tuyền bảo, những “bài học kinh nghiệm” đắt đỏ này giúp mình cẩn thận hơn, yêu lấy cái nghề của mình hơn.
Yêu lấy cái nghề của mình cũng là cách mà những người nuôi cá ở Yên Mỹ 1, Yên Mỹ 2, Núi Cẩy… đang cần mẫn từng ngày. Với họ, chỉ có yêu nghề, cần mẫn mới giúp biến những ao hồ lấp lánh thành ấm no, đủ đầy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.