"Vừa là tác nhân vừa là nạn nhân..."
Theo kết quả nghiên cứu, 40% số doanh nghiệp (DN) được hỏi cho biết khoản chi phí không chính thức (đút lót) chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hàng năm của DN, 13% DN có ý kiến cho rằng khoản chi phí không chính thức này chiếm tới hơn 5% tổng chi phí hàng năm của DN. “Kết quả này đã một lần nữa cho thấy tác động tiêu cực của tham nhũng tới hoạt động của DN đang ngày một nghiêm trọng...” - báo cáo nghiên cứu nêu rõ.
|
Tham nhũng đang tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp (ảnh MH). |
Kết quả nghiên cứu thu được từ khảo sát bằng bảng hỏi trực tiếp tới 270 DN cùng các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu DN, hiệp hội, cán bộ nhà nước. Theo đó, có tới gần 58% DN nhất trí cho rằng mình chính là nạn nhân của tham nhũng. Song điều đáng bàn là DN có thể dễ dàng nhận diện các hình thức tham nhũng giữa khu vực DN và khu vực công, nhưng lại chưa nhận diện được tham nhũng trong chính nội bộ DN mình.
Cũng theo báo cáo công bố, về tình trạng tham nhũng trong doanh nghiệp "phổ biến và tốn kém hơn cả" là trong các mối quan hệ với các cơ quan công quyền. Vì quan niệm “có tiền mua tiên cũng được" hay "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên 56% DN cho rằng việc gửi quà, phong bì, chiêu đãi… cho cán bộ nhà nước là "thông lệ chung". 55% DN cho biết gửi quà, phong bì cho cán bộ thì thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ được giải quyết nhanh hơn.
Tương tự, khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần lớn DN chọn hình thức gửi phong bì để hồ sơ sớm được “đầu xuôi đuôi lọt”. Ngoài ra, hàng năm DN tốn kém khá nhiều chi phí không chính thức cho các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường, chính quyền địa phương, xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Không thể chống từ dưới lên trên...
Theo phân tích của ông Đoàn Duy Khương-Phó Chủ tịch VCCI, nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng trong DN và cơ quan công quyền có cả khách quan lẫn chủ quan. Lý do chủ quan là từ phía DN đã sai trong nhận thức và văn hóa kinh doanh khi cho rằng tham nhũng là tập quán, và thể hiện “sự cảm ơn” bằng phong bì và quà biếu… DN không hiểu các quy định và cách thức khi làm việc với cơ quan nhà nước nên tìm cách đi “cửa hẹp” để công việc trót lọt. Nội bộ DN cũng không có các quy định và chính sách đối với việc chống tham nhũng, nguyên tắc đưa và nhận quà và thay đổi vị trí công việc.
Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm và triệt tiêu tham nhũng trong DN. Chỉ có điều Việt Nam có quyết tâm làm điều này hay không?!".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Còn lý do khách quan là từ phía cơ quan công quyền, do trình độ năng lực chuyên môn và đạo đức thấp, chế độ lương thưởng không cao nên cán bộ nhà nước sẵn sàng nhận “cảm ơn” của DN. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý lỏng lẻo và sơ hở, quá trình thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và rõ ràng, hoạt động phòng chống tham nhũng còn hạn chế cũng tạo cơ hội để tham nhũng lan rộng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh – chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lo ngại, tham nhũng sẽ làm xói mòn niềm tin của xã hội đối với bộ máy công quyền, làm trì trệ sự phát triển của đất nước. Do đó, muốn đạt được một xã hội nghiêm minh, không có tham nhũng thì phải chống tham nhũng từ trên xuống (tức từ các cơ quan công quyền, những người thực thi công vụ và pháp luật) chứ không phải từ dưới (từ DN) lên. Trong đó, cơ chế chính sách cho DN hoạt động phải công khai, minh bạch; phải có chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cải cách chế độ tiền lương để “đói không ăn vụng, túng không làm liều”.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.