6 ngày thuyền viên Sunrise 689 đối mặt bọn cướp biển có súng

Chủ nhật, ngày 12/10/2014 09:20 AM (GMT+7)
"Trong thời gian giam giữ, nhóm cướp biển luôn dùng hung khí đe dọa anh em nếu phản kháng sẽ bị chúng xử lý ngay. Những tài sản có giá trị thì chúng lấy đi, cái gì không dùng được thì chúng đập phá, quăng xuống biển", máy trưởng tàu Sunrise 689 Lương Đại Thành cho biết.
Bình luận 0

Trưa 11.10, việc khám nghiệm tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công đã hoàn thành, những người bị thương được đưa đi bệnh viện, và tàu được khắc phục sự cố để ngày 12.10 có thể tiếp tục hải trình về cảng Cửa Việt (Quảng Trị) bốc dỡ hàng.

img

Tàu Sunrise đang neo đậu tại biển Vũng Tàu sau khi thoát khỏi tay nhóm cướp biển hung hãn.

Bị vỡ xương bánh chè, xương bàn chân, máy trưởng Lương Đại Thành (52 tuổi, quê Nam Định) đã được bó bột và đưa vào Bệnh viện Lê Lợi. Tuy nhiên, gia đình ông có nguyện vọng đưa về Hà Nội chữa trị.

Nằm trên giường bệnh, ông Thành kể, 19h ngày 2.10 tàu Sunrise 689 rời cảng Horizon (Singapore) sau khi lấy hàng và lên đường về cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Khoảng 4h ngày 3.10 tàu bị nhóm cướp biển hơn 10 người bịt kín mặt, trao đổi với nhau bằng tiếng Indonesia hoặc Malaysia leo lên tấn công.

Ông đang ngủ trong phòng riêng thì nghe nhiều tiếng động lạ nên ra ngoài xem xét. Vừa mở cửa, gặp phụ máy 2 Trần Quang Vinh ông hỏi chuyện nhưng anh này không biết. Đột nhiên cả hai giật mình khi thấy thuỷ thủ Trần Văn Lịch (28 tuổi) ngã từ tầng 2 xuống.

"Ngay lúc này, ba người bịt mặt cầm súng và dao xông đến. Tôi quá bất ngờ nhưng nhanh trí đóng kín cửa phòng chạy ngược vào trong. Ba tên cướp biển dùng hung khí phá cửa. Hết đường chạy, tôi trèo qua cửa sổ duy nhất của phòng ra ngoài nhưng do khá hoảng loạn nên ngã từ độ cao 3 m xuống mạn trái tàu, gãy chân", ông Thành kể lại thời điểm giáp mặt những tên cướp biển hung hãn.

img

Máy trưởng Lương Đại Thành được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu điều trị.

Lợi dụng đêm tối, ông Thành gượng đau lết chiếc chân gãy để kéo tấm bạt phủ lên người và nằm im. Nhờ đó không bị nhóm cướp biển tìm thấy. Khoảng 7h ngày 3.10, khi đã khống chế hết những người còn lại, bọn cướp lục soát khắp tàu và phát hiện người máy trưởng được che phủ bởi tấm bạt.

Chúng liền bắt các thuyền viên ra đưa ông Thành vào phòng và nhốt chung. Những ngày bị giam cầm, ông mới biết chúng lên từ đuôi tàu, tấn công buồng lái và nhanh chóng cắt đứt mọi liên lạc của tàu với bên ngoài. Hành động cướp tàu chớp nhoáng khiến này chứng tỏ đây là tổ chức cướp biển chuyên nghiệp, lên kế hoạch tỉ mỉ.

Người máy trưởng hơn 30 năm kinh nghiệm đi biển kể, bọn cướp biển dồn 18 người vào phòng rộng chừng 10m2. Do ông bị thương nên phải nằm trên giường. Ngày đầu tiên, chúng bỏ đói tất cả, từ ngày thứ 2 mới cho người áp tải đầu bếp đi nấu và cả ngày chỉ cho ăn một bữa, dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

"Trong thời gian giam giữ, nhóm cướp biển luôn dùng hung khí đe dọa anh em nếu phản kháng sẽ bị chúng xử lý ngay. Những tài sản có giá trị thì chúng lấy đi, cái gì không dùng được thì chúng đập phá, quăng xuống biển", ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, nhiều thuyền viên bàn bạc với nhau, nếu cướp biển chỉ lấy hàng và tài sản thì nhân nhượng để đảm bảo an toàn. Nếu chúng có ý định làm hại thì tất cả sẽ chống lại tới cùng, không để chúng giết hại.

"Khi thuyền trưởng cho biết giấu được chiếc điện thoại di động, mọi người rất phấn chấn và tràn trề hy vọng dù đang bị giam lỏng", người máy trưởng cho biết thêm.

img

Cảnh ngổn ngang trên tàu Sunrise sau khi cướp biển đập phá, cướp bóc.

Trong quá trình khống chế, bọn cướp hút khoảng 1.500 tấn dầu (trong số 5.000 tấn dầu của Sunrise 689) qua con tàu chúng đưa đi theo. Thỉnh thoảng chúng nói tiếng Anh với thuyền trưởng nhằm đe doạ, khủng bố tinh thần các thuyền viên.

Đến ngày thứ 6, biết không thể giam giữ tàu mãi, nhóm cướp biển bỏ đi sau khi cướp đủ số dầu chúng có thể chở cũng như những tài sản có giá trị trên tàu. Trước khi rút đi chúng đã phá hết những gì còn sót lại để tàu mất phương hướng và không thể cầu cứu.

Do trên tàu không còn bất cứ thiết bị nào định vị nào nên thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cho tàu chạy theo kinh nghiệm người đi biển. Khoảng 5 giờ sau, ông Thắng đem chiếc điện thoại giấu được ra gọi nhưng tàu đang ở vị trí không có sóng di động.

Thuỷ thủ đoàn cho tàu chạy tiếp, vài giờ sau thì tàu gặp hai tàu cá mang cờ Việt Nam nên bắn pháo hiệu cầu cứu và liên lạc điện thoại về nhà báo tin bị cướp biển tấn công. Ngay sau nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát biển đã hành quân ra đón và lai dắt tàu Sunrise về Vũng Tàu.

Máy trưởng Thành cho biết, suốt 30 năm đi biển, ông chưa bao giờ gặp cướp biển nên lần đầu tiên rất hoảng sợ. Cả gia đình khi nhận tin tàu bị cướp đều bàng hoàng lo lắng mất ăn mất ngủ. Vợ ông lo cho chồng nên đến Hải Phòng ngóng tin. Đến khi biết tàu đã được thả, bà đã vào Vũng Tàu lo toan cho chồng nằm viện.

“Tôi đã rất hoảng sợ khi lần đầu đối diện với những tên cướp biển hung hăng. Nhưng giờ nghĩ lại thì đó cũng là tai nạn nghề nghiệp. Chỉ mong sao lực lượng chức năng các nước phối hợp với nhau đảm bảo an toàn cho những người đi biển chúng tôi làm ăn sinh sống", ông nói thêm.

Dù được gia đình làm thủ tục đưa ra Hà Nội chữa trị và tĩnh dưỡng nhưng ông Thành cho rằng, hơn nửa cuộc đời gắn với nghề đi biển, dù biết nguy hiểm rình rập nhưng ông không thể bỏ nghề. "Sau khi khoẻ mạnh lại, tôi sẽ vẫn ra khơi”, ông khẳng định.

(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem