63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”: Làm giàu cho gia đình, đóng góp lớn cho xã hội

Nhóm phóng viên Thứ năm, ngày 02/10/2014 07:06 AM (GMT+7)
63 nông dân được bình chọn rất xứng đáng với danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”, bởi họ không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn đóng góp rất lớn cho xã hội.
Bình luận 0

Hưởng “lộc” từ ươm cây trồng rừng

Ông Hà Văn Điệt- Chi hội trưởng Chi hội ND Tổ Luộc 1, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vốn là kỹ sư lâm sinh công tác trong ngành lâm nghiệp Tuyên Quang. Năm 2003 về nghỉ hưu, ông Điệt đã xây dựng mô hình ươm giống cây lâm nghiệp, cây cảnh để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với bán cây giống, ông nhiệt tình hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, cây lâm nghiệp. Vườn ươm của ông tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Điệt cũng là điển hình trong công tác từ thiện xã hội, hiến đất, ủng hộ xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới. Ông còn xây dựng quỹ 40 triệu đồng cho các hộ hội viên, ND nghèo vay để giải quyết khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…

Bén duyên với bời lời

Từng là lính biên phòng, sau khi xuất ngũ (1982), ông Lê Đình không trở về quê hương (huyện Hải Lăng) mà ở lại bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng bời lời. Ông đặt mua 120.000 cây bời lời giống từ Tây Nguyên về trồng thí điểm trên 15ha. Năm 2007, lần đầu cho thu hoạch, ông đã bỏ túi 50 triệu đồng. Thấy ông làm ăn có lãi, bà con đến học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Không giấu nghề, ông cung cấp cây giống, hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật trồng bời lời để bà con cùng làm. Đến nay, 100% các hộ dân Cù Bai đều trồng bời lời với tổng diện tích lên tới 600ha. Trong đó, gia đình ông sở hữu 30ha bời lời, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đưa gừng, nghệ... xuất ngoại

Lạng Sơn là vùng có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây gừng và nghệ, nhưng vì công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu nên lượng gừng, nghệ trồng ra không tiêu thụ được. Ông Hoàng Văn Ty, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã nảy ý tưởng chế biến gừng, nghệ thành sản phẩm khô để xuất khẩu. Năm 2005, ông mua máy móc, nguyên liệu về để sấy gừng, nghệ và được bạn hàng cả nước đón nhận. Sau đó, ông mạnh dạn đầu tư lắp đặt công nghệ sấy khô bằng hơi nước, đảm bảo sản phẩm sạch, được khách hàng khó tính như Hà Lan, Nhật Bản chấp nhận. Việc làm này đã mang về cho ông khoản lãi hơn 400 triệu đồng/năm từ việc bán hơn 500 tấn gừng, nghệ khô.

Dệt bao bì lãi 5 triệu mỗi ngày

Tuy có 30 công ruộng, vườn trồng lúa và khoai lang, nhưng gia đình ông Bùi Văn Bưng, ấp Tân Hương, xã Tân Lược, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) lại ăn nên làm ra với nghề dệt bao bì. Xưởng dệt của ông Bưng bình quân mỗi ngày đêm làm ra 10.000 bao bì, với giá bán bình quân 2.500 đồng/cái, đạt doanh thu 25 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 5 triệu đồng. Với thương hiệu “Phát Thêm”, bao bì do ông Bưng sản xuất ra được bà con nông dân trồng lúa, trồng khoai trong vùng ưa dùng. Hiện, xưởng dệt của ông Bưng đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Vươn khơi bám biển làm giàu

Sinh ra ở địa phương có truyền thống đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, từ năm 2009 đến nay anh Nguyễn Công Hoan, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để đóng mới tàu thuyền, nâng cao mã lực, cải tiến ngư lưới cụ, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của gia đình anh đạt 4,5 tỷ đồng/năm. Ngoài đầu tư mô hình khai thác thủy sản xa bờ, anh Hoan còn làm dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm an toàn, cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường.

“Cha đẻ” của dưa hấu, bưởi hồ lô…

Một lần tình cờ nằm hóng mát trong vườn, ông Võ Trung Thành, người ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) thấy một trái bưởi mắc kẹt giữa 2 nhánh cây, với hình thù khác lạ. Hái xuống ăn thử, ông cảm nhận vị ngon của quả bưởi “khác thường” đó nên đã nảy sinh ý tưởng làm giàu từ loại quả này. Từ đó, ông Thành bắt tay tạo cho quả bưởi thành hình vuông, hình con gấu và hình hồ lô. Tuy nhiên, sau này ông chọn hình quả bưởi hồ lô có 2 chữ Tài - Lộc nổi trên bề mặt, vì các hình kia không có ý nghĩa gì trong mâm ngũ quả. Không dừng lại ở đó, ông Thành còn “hô biến” những quả dưa hấu bình thường thành những quả dưa hấu hồ lô màu vàng rực phục vụ tết. Với 1,2ha trồng 2 loại quả này, bình quân doanh thu của ông đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Vị Chủ tịch Hội gương mẫu

Là Chủ tịch Hội ND xã Tắc Vân, TP.Cà Mau (Cà Mau), anh Nguyễn Hoàng Phong là người luôn đề cao vị trí của người nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển tại địa phương. Anh luôn chú trọng khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ND áp dụng khoa học - kỹ thuật, tăng giá trị, sản lượng sản xuất; đồng thời chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần tăng thu nhập cho ND... Ngoài ra, anh còn phối hợp với các ngành chức năng trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên ND; vận động xây dựng quỹ khuyến học với hơn 32 triệu đồng; vận động giúp đỡ gia đình khó khăn, hộ nghèo được 10 tấn gạo, trị giá 100 triệu đồng, xây dựng 2 cầu bê tông trị giá hơn 90,5 triệu đồng...

Mong muốn được chia sẻ

Trước đây chị Nguyễn Thị Hường, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh chỉ nuôi bò sữa. Sau nhiều năm nuôi bò lấy sữa, chị nhận thấy mình cùng nhiều ND khác thường bị các đại lý thu mua sữa ép giá. Để tự cứu mình và giảm bớt khó khăn cho các hộ nuôi bò sữa khác, chị Hường đã quyết định lập trạm thu mua để tiêu thụ sữa cho bà con. Năm 2005, trạm thu mua sữa của chị được đặt tại chân cầu Xáng (huyện Hóc Môn). Đến nay, chị đã xây dựng được 70 hộ dân làm cơ sở vệ tinh, cung cấp 2.555 tấn sữa tươi/năm. Chị Hường mong muốn được chia sẻ khó khăn với mọi người, nhất là những người ND một nắng hai sương. “Làm được điều này, tôi thấy mình hạnh phúc vì được đóng góp cho cộng đồng, xã hội” - chị thổ lộ.

Giữ hương vị na Mai Sơn

Năm 2007, được sự động viên, giúp đỡ của Hội ND các cấp, ông Trần Bá Khánh, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 2.000 cây na giống trên diện tích 2,5ha. Đầu tư bài bản lại nắm chắc kỹ thuật nên vườn na của ông cho hiệu quả cao, mỗi năm gia đình ông có khoản thu hơn 600 triệu đồng từ việc bán quả và cây na giống. Không chỉ tích lũy vốn kinh nghiệm cho bản thân mà ông còn chủ động hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây na cho nhiều hộ khác. Vì vậy mà diện tích trồng na ở huyện Mai Sơn không ngừng tăng mỗi năm, giúp cho thương hiệu na dai Mai Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường.

Thu hàng chục tỷ đồng nhờ làm cói xuất khẩu

Doanh nghiệp cói xuất khẩu do anh Phạm Đăng Khuyến (Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình) làm giám đốc, có gần 140 lao động với mức lương từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm gián tiếp cho 4.000-6.000 hội viên, ND lúc nông nhàn, thu nhập 60.000-100.000 đồng mỗi ngày. Doanh nghiệp sản xuất hàng trăm mẫu hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cói, bèo tây và bẹ chuối, xuất khẩu đi hàng chục thị trường nước ngoài. Ba năm gần đây doanh nghiệp đạt doanh thu từ 28-32 tỷ đồng, nộp thuế từ 1,2-1,7 tỷ đồng/năm. Từ năm 2012, anh Khuyến tổ chức 30 lớp dạy nghề cho hơn 3.000 lao động nông thôn. Anh Khuyến cũng rất tích cực hưởng ứng các cuộc vận động vì hộ nghèo, xây dựng Quỹ HTND và các chương trình từ thiện khác do Hội ND và chính quyền, cấp ủy địa phương phát động.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem