Thị trường BĐS TP.HCM sau “cú sốc” The Harmona bị suy giảm giao dịch nghiêm trọng. Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TNMT thành phố sau đó giáng thêm một “đòn chí mạng” bằng danh sách 77 dự án cầm cố ngân hàng. Nhiều giao dịch BĐS bị đình đốn, cả DN lẫn người mua nhà đều hoang mang. Giám đốc chi nhánh một thương hiệu lớn của làng BĐS thông báo con số sửng sốt: Giao dịch toàn hệ thống giảm hơn một nửa. Nhiều giao dịch đã gần khớp lệnh bị hủy.
Doanh nghiệp lao đao
“Đau khổ” nhất là DN. Một loạt thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó có cả những thương hiệu hàng đầu như Vingoup, Phú Mỹ Hưng, Novaland… Trường hợp hy hữu là Lô A3 Him Lam Riverside của Công ty Cổ phần Him Lam thế chấp tại Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Đồng Nai từ ngày 26.9.2014. DN ngớ người vì thông tin này vì hợp đồng đã giải chấp từ lâu. DN buộc phải làm thông báo gửi Sở cầu cứu.
Sự cố 77” ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS TP.HCM (Ảnh: TL)
Lãnh đạo Tập đoàn Novaland, một trong những “ông lớn” trong ngành BĐS TP.HCM có rất nhiều dự án nằm trong danh sách trên, cũng cho biết công ty thế chấp dự án là để bảo lãnh cho người mua nhà, thực hiện theo luật Kinh doanh BĐS. “Dự án được NH đứng ra cam kết bảo lãnh thì khách hàng phải mừng vì nếu chủ đầu tư không giao nhà cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng, NH sẽ phải đứng ra bồi thường cho khách hàng. Chỉ có những dự án có tính thanh khoản tốt, DN làm ăn uy tín mới được NH đứng ra bảo lãnh thôi”, vị này nói.
Khổ sở nhất có lẽ là Công CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) gắn với cái tên Cường Đô La, sau một quá trình khó khăn chồng chất, đến “họa” nước tràn chung cư gây thiệt hại lớn. DN này gần như chết đứng vì 2 dự án của công ty bị đưa vào danh sách đang thế chấp NH của Sở TN-MT. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc khẳng định hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào.
Thừa nhận có sai sót
Sau một loạt phản ứng từ DN, đích thân Sở TNMT đã tháo gỡ danh sách niêm yết. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn hoảng loạn vì thông tin phát tán ra trước đó trên các báo. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng phải ra văn bản giải thích và ông cũng xác định danh sách 77 dự án có thế chấp tại ngân hàng có những thông tin không chuẩn.
“Sở muốn có thêm nhiều thông tin về dự án thế chấp để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, cũng như đưa thị trường bất động sản trở nên minh bạch hơn”- Phạm Ngọc Liên – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố giải thích với báo chí sau “sự cố 77”. Thừa nhận có sai sót, phía Văn phòng sẽ thu nhận ý kiến từ doanh nghiệp và báo chí.
Sau khi công bố một số chủ đầu tư trong danh sách yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích vay trong hợp đồng thế chấp để khách hàng hiểu đúng bản chất. Nhưng ông Liên cho rằng, những chi tiết này lại không thể hiện trong nhiều hợp đồng thế chấp mà Sở TN&MT có được. Ngoài ra chi tiết trong hợp đồng thế chấp là vấn đề bảo mật của nhiều chủ đầu tư, nên việc công khai là rất khó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là khi doanh nghiệp thế chấp sau này phải cung cấp đầy đủ thông tin cho bên nhận thế chấp.
Đại diện Sở TN&MT cam kết trong các đợt công bố sau sẽ có phân loại rõ ràng hơn và ngoài công bố trên website còn có hình thức cung cấp thông tin trực tiếp. Cụ thể, nếu tổ chức, cá nhân nào muốn biết các thông tin thế chấp ngân hàng của dự án họ quan tâm có thể đến văn phòng đăng ký đất đai các quận huyện sẽ được cung cấp trực tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.