"Thuốc" nào trị bất động sản "ngáo" giá?

Phương Thảo Thứ bảy, ngày 19/10/2024 01:30 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, bên cạnh nỗ lực gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản để tăng nguồn cung, cũng cần kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ nhà đất mới mong hạn chế đà tăng giá của chung cư, nhà đất, trị cơn "ngáo" giá của thị trường nhà đất.
Bình luận 0

Theo Bộ Xây dựng, dự kiến từ nay tới cuối năm, thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn cung về nhà ở tại Hà Nội, khoảng 5.000 căn mở bán. Chu kỳ khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội nhiều năm qua được dự báo sẽ dần giải nhiệt. Nguồn hàng đã, đang và sẽ dồi dào hơn, nhưng giá bán vẫn liên tục tăng cao khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Giá chung cư, giá đất còn tăng đến đâu, đến bao giờ?

Chuyên gia "hiến kế" để kéo giá chung cư về đúng giá trị thật

Giá chung cư tăng cao do nhiều yếu tố, trong đó có thể kể ra những nguyên nhân rất cũ như: Nhu cầu nhà ở tăng mạnh, nguồn cung mới hạn chế, phân khúc nhà ở giá bình dân vắng bóng hoàn toàn...

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho biết, để kìm giá bất động sản ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị trên cả nước giảm, cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Trong lúc thanh khoản bất động sản chưa ấm lên nhưng giá lại tăng mạnh thì rất cần có giải pháp nóng.

Theo ông Hiếu, ngoài việc yêu cầu cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ gỡ thủ tục pháp lý cho những dự án đã "đắp chiếu" nhiều năm nay thì cần thúc đẩy cả nguồn cung nhà ở xã hội, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối,...

Chuyên gia "hiến kế" kéo giá chung cư về đúng giá trị thật - Ảnh 1.

Giá chung cư, giá nhà tăng cao vẫn từ những nguyên nhân muôn thuở. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS): Việc giá bất động sản leo thang đơn thuần xuất phát từ quy luật cung cầu. Nếu muốn “hạ nhiệt" giá bán thì chỉ cần đẩy mạnh nguồn cung, thay vì các can thiệp hành chính.

Tôi nghĩ, chìa khóa cho việc ‘hạ nhiệt’ giá bất động sản là đẩy mạnh phát triển các dự án bình dân. Khi nguồn cung phân khúc có nhu cầu ở thực được đáp ứng đủ, giá nhà tại Hà Nội sẽ giảm 30 - 40% so với hiện nay. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng đến nay, các sản phẩm cho giới bình dân hiện gần như không xuất hiện trên thị trường.

Ông Đính quả quyết

Ông Đính nhận định, các dự án vừa túi tiền chính là niềm mong mỏi của đại bộ phận người dân và đây mới là mảnh ghép quan trọng còn thiếu trong bức tranh chung của thị trường.

Ngoài ra, ông Đính còn đề xuất cần nhanh chóng hoàn thiện bảng giá đất để tránh được đầu cơ, gom hàng đẩy giá và phát triển những khu đô thị vệ tinh để giãn dân.

Bộ Xây dựng kiên định đề xuất đánh thuế bất động sản

Hướng tới cần phải thực hiện giao dịch bất động sản qua sàn và phải có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo việc giao dịch bất động sản, giao dịch về nhà ở công khai, minh bạch.

Ông Vương Duy Dũng chia sẻ

Trong họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nêu, giải pháp chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, “lướt sóng”, mua đi bán lại trong thời gian ngắn, gây tác động, ảnh hưởng đến giá bất động sản, được Bộ Tài chính cùng một số bộ, ngành liên quan đồng tình.

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng vẫn kiên định với đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.

Chuyên gia "hiến kế" kéo giá chung cư về đúng giá trị thật - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng kiên định đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, nhà đất bỏ hoang nhằm hạn chế đầu cơ. Ảnh minh hoạ

Trước đó, hồi giữa tháng 9/2024 vừa qua, Bộ Xây dựng đã dự thảo gửi văn phòng chính về việc đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu về đánh thuế với trường hợp sở hữu nhà, đất thứ 2 và được Bộ Tài chính ủng hộ đề xuất này.

Đề xuất này nhận về được khá nhiều phản hồi cả tích cực và tiêu cực. Đơn cử, Chủ tịch VARS cho rằng: Việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên sẽ ngăn chặn tình trạng đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành chính sách về thuế tài sản, thuế bất động sản là công việc cấp bách. Thậm chí, ông Hiếu còn khẳng định, nếu chỉ trông cậy vào Luật Đất đai, việc điều tiết, kiểm soát giá đất là không thể.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều với đề xuất này và cho rằng đánh thuế lũy tiến rất dễ bị phản tác dụng. Chẳng hạn như: Việc đánh thuế bất động sản thứ 2 này có thể gây giá nhà cao càng thêm cao. Khi thực hiện mua đi bán lại, áp cả thuế vào thì giá nhà còn "đội" lên nhiều lần. Chính vì vậy, việc áp thuế với bất động sản phải đánh giá thấu đáo, toàn diện tác động của giải pháp này vì đây là chính sách mới.

Chuyên gia "hiến kế" kéo giá chung cư về đúng giá trị thật - Ảnh 3.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang "ế", liệu gói 30.000 tỷ đồng mới có khả thi?

Ngoài những giải pháp về pháp lý, tại họp báo của Bộ Xây dựng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản còn chia sẻ về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian vừa qua và gói tin dụng 30.000 tỷ đồng sắp tới. Cụ thể, về gói 120.000 tỷ đồng có thời gian ưu đãi khá ngắn cho cả người mua và chủ đầu tư do hoàn toàn 100% đến từ nguồn vốn tự túc của các ngân hàng nên khó hấp dẫn.

Chính vì vậy, gói 30.000 tỷ đồng tới đây có 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương được kỳ vọng sẽ giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ.

Chính sách hỗ trợ cần trúng và đúng mới đi được tiền.

Ông Hiếu nêu quan điểm

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu lãi suất cao hơn 5% và thời gian cho vay dưới 20 năm thì với một gia đình ở Việt Nam rất khó có thể mua được nhà. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ và Nhà nước xem xét kỹ lưỡng về gói ưu đãi nhà ở xã hội để người dân có thể tiếp cận được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem