Nhưng đến nay, sau hơn hai tuần hoạt động (ngày 15.6.2017, công ty cổ phần Seven System Việt Nam – SSV, đại lý nhượng quyền độc quyền của 7-11 tại Việt Nam khai trương cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM), 7-11 chưa chứng minh được uy lực của mình.
Sau hơn 2 tuần hoạt động 7-eleven chưa chứng minh được uy lực của mình. Ảnh: Minh Phúc
Đơn điệu
Tính đến nay, 7-Eleven đã có ba cửa hàng tại: 26D Lê Lợi, Q.1, 37 Tôn Đức Thắng (toà nhà Saigon Trade Center, Q.1) và 48 – 50 Ngô Tất Tố (Bình Thạnh). Theo thông tin từ SSV, Việt Nam là quốc gia thứ 19 trên thế giới có mô hình cửa hàng tiện lợi 7-11. Trước hết, vị thế của các cửa hàng đã hoạt động của 7-11 không đẹp, không thuận tiện cho khách hàng. Tại 7-11, 48 – 50 Ngô Tất Tố, không gian chật hẹp cho khách hàng trả tiền và khách hàng đến mua sắm, đặc biệt là không có chỗ gởi xe máy. Trên tầng 1 của cửa hàng này chỉ có bốn bộ bàn ghế cho khách muốn ăn tại chỗ và một kệ bán bánh kẹo. Còn tại 7-11, 37 Tôn Đức Thắng, không gian rộng rãi hơn, đèn sáng hơn nhưng khách muốn vào đây phải gởi xe bên ngoài, cũng như thông báo cho hai nhân viên bảo vệ toà nhà biết. Phiền phức lắm thay…
Nhưng điều làm nhiều khách hàng thất vọng là hàng hoá còn quá đơn điệu, như lời phản ảnh của hai khách hàng nữ là nhân viên văn phòng. Một khách hàng nhận xét: “Xét tổng quan thì cũng ở mức tàm tạm, chưa có gì nổi bật. Về món ăn hơn các chuỗi tiện ích khác, vì có nhiều món nhưng để tạo ấn tượng thì… chẳng biết nói sao”. Vị khách hàng còn lại cho biết thêm: “Giá các món ăn ở đây không cao, vị cũng được nhưng chắc đói lắm mới ăn vì món nào cũng nguội lạnh, chờ hâm nóng thì qua cơn đói”. Theo lời hướng dẫn của vị khách này, tô bún thịt nướng giá 39.000đ, còn dĩa gỏi gà xé phay là 29.000đ. Nếu khách muốn ăn tại chỗ, cô nhân viên sẽ “hâm” bằng lò viba. Hàng ngọt chiếm ưu thế tại hai cửa hàng 7-11, chủ yếu là hàng được sản xuất tại Việt Nam, trong đó có một vài mặt hàng có chỉ dấu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” như bánh gạo OneOne (Thừa Thiên – Huế). Còn những mặt hàng khác như điện gia dụng, đồ dùng gia đình, văn phòng phẩm, làm đẹp… chỉ lèo tèo vài mặt hàng gọi là cho có! Ngay cả trang web của SSV cũng chỉ liệt kê sản phẩm, chưa có những hình ảnh minh hoạ để khách hàng tham khảo.
Tiền hung hậu kiết?
Tham vọng sẽ có 20 cửa hàng trong năm 2017 và 100 cửa hàng cho đến năm 2020 sẽ không khó, nhưng làm cách nào để cạnh tranh và tồn tại với các đối thủ đang bao quanh là một thách thức lớn với nhà đầu tư SSV, tự nhận xét về mình là “chuyên nghiệp và khả năng am hiểu thị trường địa phương”!
7-11 còn non trẻ phải đối mặt với các đại gia trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi như: Cirlce K hiện có 248 cửa hàng, B’s mart đã có 166 cửa hàng, Shop & Go hiện có 121 cửa hàng, Ministop của Aeon cũng lên tới 82 cửa hàng. Chỉ liệt kê bốn thương hiệu trên, đã có trên 600 cửa hàng, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội (Bình Dương có vài cửa hàng) đủ để thấy mức độ dày đặc, nhất là khu vực các khu dân cư đông, nhóm trường đại học, khu cư trú công nhân…
Con đường Hoàng Diệu 2 thuộc hai phường Linh Trung và Linh Chiểu (Thủ Đức) chỉ dài hơn 1km, nhưng có tới hai cửa hàng tiện lợi cùng tính chất như 7-11, đó là: B’s mart và Circle K. Tháng 8 tới đây, Shop & Go sẽ khai trương một cửa hàng. Việc các chuỗi cửa hàng tiện lợi chen chân vào con đường này không chỉ vì dân cư của hai phường Linh Chiểu và Linh Trung, mà chính là nhắm đến hàng ngàn sinh viên của đại học Ngân hàng, ký túc xá đại học Sư phạm kỹ thuật, cao đẳng Xây dựng 7, trường Cảnh sát... với các loại thức ăn nhanh, thực phẩm khô, văn phòng phẩm, mỹ phẩm…
Ngoài thực phẩm ăn nhanh, Circle K, B’s mart còn bán những mặt hàng tiện lợi: mì tôm, sữa chua, trái cây, nước ngọt, cây tăm, cây kim, sợi chỉ, cây viết... Cũng vì nhắm đến khách hàng trẻ, nên trọng lượng của nhiều gói hàng ở cửa hàng tiện lợi phù hợp với túi tiền của khách. Muốn mua đường tinh luyện trọng lượng 1kg/gói phải vào Vinmart hay Co.op Food, còn ở Circle K và B’s mart chỉ có loại 500g. Một sinh viên của đại học Ngân hàng cho biết, vì ít tiền nên vào B’s mart mua những sản phẩm nhỏ hơn, hợp với túi tiền của sinh viên.
Có thể SSV sẽ không mở chuỗi như các hệ thống cửa hàng tiện lợi khác. Thay vào đó, SSV mở chuỗi tại những khu vực khách hàng nhiều tiền như nhân viên công sở, người có thu nhập từ mức trung bình trở lên… Bằng chứng là hai trong ba cửa hàng đầu tiên của SSV đứng chân tại 37 Tôn Đức Thắng và 26D Lê Lợi, vì đây là những khu vực có nhiều nhân viên công sở và khách du lịch trong và ngoài nước hay lui tới.
SSV với thương hiệu nhượng quyền 7-11 tại Việt Nam, còn nhiều bí mật với công chúng và giới truyền thông. Liệu họ chọn cách “tiền hung” để “hậu kiết”?
Thịnh An – Hoàng Bảy (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.