Trong tham luận gửi đến hội thảo Chính phủ và chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức tuần qua, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3.2018, và tính toán: “Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người. Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách”.
Dẫn con số biên chế năm 2019, chỉ riêng cho bộ máy công chức là gần 260.000 người, ông lưu ý, con số này chiếm phần nhỏ trong 11 triệu người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. “Tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8% - cao nhất so với các quốc gia châu Á”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kể: Khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số nước Mỹ mà công chức Việt Nam đông hơn công chức Mỹ.
Cũng tại hội thảo nói trên, câu chuyện 9 dân nuôi 1 cán bộ còn được minh họa chi tiết hơn từ thống kê của Bộ Nội vụ được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt NQ TƯ6 khóa XII tháng 11 năm ngoái: Cả nước có tới 81.492 lãnh đạo cấp phó, tính ra, cứ 5 cán bộ, công chức lại có 1 lãnh đạo cấp phó.
Đó là chưa kể việc quy định cấp “hàm” bị lạm dụng. Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng.
Có những địa phương mà 46 người trong biên chế một sở chỉ có 2 chuyên viên. 44 người khác đều có chức vụ từ... phó phòng. Các phòng đều có trưởng và 4 đến 5 cấp phó.
Hồi tháng 6 vừa rồi, chính Bộ Nội vụ công bố một “danh sách đen” các địa phương “lạm phát cấp phó”, trong đó có những “kỷ lục”: Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc Sở; Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở, Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên thừa 23 cấp phó...
Còn nhớ trong phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 tại kỳ họp Quốc hội năm ngoái, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn: 5 năm tinh giản biên chế, bộ máy không gọn lại mà phình ra. So với nhiều nước, lượng công chức của chúng ta quá lớn, có tới 31/63 tỉnh thành sử dụng vượt biên chế hơn 6.300 người.
Hậu quả là gì?
“Nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này” - PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nhận xét. Vụ trưởng Vụ Kinh tế Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trong kỳ họp năm ngoái thì ví ngân sách nhà nước như cái bánh. Tuy nhiên, bánh chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỉ trọng cho đầu tư phát triển thì chi cho hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ co kéo mãi.
Ông bảo: “Sau 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện, nhưng cái bánh ngân sách dù có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết tâm trong việc cải cách bộ máy và đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất xa với mong muốn. Vậy nên giảm số lượng cấp phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, và phó chủ tịch UBND cấp huyện, xã... là quyết tâm được đưa ra tại hội thảo Chính phủ và chính quyền địa phương - vấn đề giờ không chỉ là một nhiệm vụ nữa mà còn là một yêu cầu cấp thiết mang tính sống còn.
Đó là tinh thần “lấy đá ghè chân mình cũng phải làm”, như phát biểu của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) trên diễn đàn Quốc hội năm trước. Rằng “Cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ mà lại quá khó, khó chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm quá lớn thì cần thiết một bàn tay sắt. Phải xác định tăng biên chế, bộ máy là tham nhũng thì mới xử lý rốt ráo được. Phải sửa chữa ngôi nhà dột từ bên trong. Trong cuộc cải cách này dù phải lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm”.
Và một trong những ưu tiên trước mắt là phải bịt các kẽ hở pháp luật. Bởi nói như Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương, cho thấy pháp luật vẫn còn kẽ hở khi bộ máy càng tinh giản càng phình ra sau 5 năm.
Trong khi đó, chúng ta lại không thiếu quy định pháp luật. Ví dụ các Nghị định 24, Nghị định 37 giới hạn rất rõ: Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (Phó giám đốc Sở) không quá 3 người; số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện, thị xã (Phó trưởng phòng) không quá 3 người.
Cái chúng ta đang thiếu là pháp chế chưa đủ nghiêm khiến luật không thực hiện cũng không thể xử lý. Cái chúng ta thiếu là thực tế họp quá nhiều trong quá trình điều hành và điều này được nhiều nơi mang ra làm lý do để giải thích cho sự “lạm phát cấp phó”. Ví như một sở ở TP.HCM phải dự tới 2.000 cuộc họp trong 7 tháng đầu năm. Và với 4 người trong ban giám đốc, mỗi lãnh đạo bình quân phải họp 3-4 cuộc một ngày là… chuyện bình thường ở sở!
Nhìn ra được cái thiếu rồi thì cần bổ sung, sửa đổi. Nếu không, con số 81.492 cấp phó còn tăng và số bình quân 9 người dân nuôi 1 cán bộ còn giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.