Cần quy định tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh

Thùy Ngân Thứ tư, ngày 20/11/2024 11:15 AM (GMT+7)
Cần nhanh chóng ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh đó cũng cần có các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi cho các chủ thể có hoạt động liên quan tài chính xanh.
Bình luận 0

Đây là 2 kiến nghị sát với thực tiễn được đưa ra trong tham luận "Pháp luật về tài chính xanh đối với các dự án đầu tư xây dựng" của CEO Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation.

img

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Nhà phát triển công trình xanh tiên phong Phuc Khang Corporation

Thực trạng pháp luật về tài chính xanh đối với các dự án đầu tư xây dựng

Tham luận của CEO Lưu Thị Thanh Mẫu trình bày nhiều thực trạng pháp luật về tài chính xanh đối với các dự án đầu tư xây dựng. Theo nữ CEO, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có các quy định liên quan đến một số hình thức của tài chính xanh là tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tín chỉ carbon. Nhưng các nội dung này được quy định tại các văn bản pháp luật về tài chính tương đối ít và chủ yếu được quy định tại các văn bản pháp luật về môi trường. Cụ thể:

Tín dụng xanh được quy định tại khoản 1 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Khoản 2 Điều 155 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động cấp tín dụng xanh bởi vì hoạt động cấp tín dụng xanh có tỷ suất sinh lời thấp.

Trái phiếu xanh có tại khoản 1 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Điều 154 đến Điều 157 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường... Cho đến nay, việc cụ thể hóa tiêu chí về môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được pháp luật định cụ thể mới chỉ dừng lại ở Dự thảo Quyết định của Thủ tướng chính phủ.

Về tín chỉ carbon thì trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý, chính sách hình thành thị trường carbon như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Quyết định số 01/2022/QĐ TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.... Trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

img

Tài chính xanh cũng từng được đề cập trong Hội thảo quốc tế: "Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia" do Trường Đại học Luật TP.HCM và Phuc Khang Corporation đồng tổ chức hồi tháng 4/2024

Kiến nghị pháp luật về tài chính xanh đối với các dự án đầu tư xây dựng

Trước thực trạng về tài chính xanh như thế, với nhiều năm kinh nghiệm và tâm huyết nghiên cứu về công trình xanh, xây dựng các dự án xanh, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu có 2 kiến nghị quan trọng.

Thứ nhất, cần nhanh chóng ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Bộ tiêu chí này là cơ sở quan trọng để dự án có thể được cấp tín dụng xanh hoặc thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu xanh. Thực tế cho thấy vì chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh nên các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đã được xây dựng khá lâu và chưa được chính thức ban hành. Điều này chưa hỗ trợ tốt cho hoạt động cấp tín dụng xanh cũng như phát hành trái phiếu xanh.

Mặt khác, các chủ thể phát hành trái phiếu xanh là doanh nghiệp có căn cứ để xác định dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu xanh. Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động phát hành trái phiếu xanh cũng có thể dựa vào các tiêu chí môi trường để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu xanh.

img

Diamond Lotus Riverside – một dự án xanh tiêu biểu tại TP.HCM được Phuc Khang Corporation đầu tư nhiều tâm huyết về các tiêu chí môi trường

Thứ hai, cần có các quy định pháp luật thêm chính sách ưu đãi cho các chủ thể có hoạt động liên quan tài chính xanh.

Cần có quy định cụ thể cho vay với lãi suất ưu đãi đối với dự án công trình xanh và có chính sách khuyến khích cho tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh. Chẳng hạn, cân nhắc xem xét ưu đãi hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh. Có thể nhà nước cần hỗ trợ cho hoạt động này để các tổ chức tín dụng tăng cường hơn trong hoạt động cấp tín dụng xanh. Nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lãi từ cá nhân mua trái phiếu xanh do doanh nghiệp phát hành.

Tài chính xanh được cho là tiền đề để phát triển bền vững ở Việt Nam, là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thế nên, sự huy động trí tuệ thông qua các nghiên cứu và kiến nghị tâm huyết của chuyên gia, trong đó có đại diện doanh nghiệp đầu tư xây dựng là rất quan trọng. Những kiến nghị có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc góp phần thúc đẩy tín dụng xanh cũng như hành trình xanh hóa nền kinh tế nước ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem