8x người Dao làm giàu nhờ nuôi loài cá “quý tộc” ưa nước lạnh

Chang Liễu Chủ nhật, ngày 08/04/2018 19:05 PM (GMT+7)
Sau hơn 3 năm “ăn ngủ” cùng cá hồi, giờ đây chàng trai người Dao Triệu Văn Trình (sinh năm 1985, ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) đã có nguồn thu đều đặn hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

"Canh bạc" trên sườn non

Ít ai nghĩ rằng, trên bản nghèo lác đác vài ngôi nhà giữa lưng chừng đồi vùng hẻo lánh xứ Lạng lại có thể nuôi được cá hồi - loài cá được coi là “quý tộc”. Nhưng ý chí làm giàu của chàng thanh niên người Dao Triệu Văn Trình cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi với những dòng suối khe mát lạnh, nhiệt độ quanh năm mát mẻ đã tạo nên một thương hiệu - cá hồi Mẫu Sơn.

Anh Trình kể, năm 2011, sau khi nghe báo đài nói tới việc nuôi cá hồi tại khu vực thác Bạc (Sa Pa, Lào Cai) đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh và một người cùng xã quyết định lên đó tham quan, học tập kinh nghiệm. Qua khảo sát, anh thấy Mẫu Sơn có khí hậu gần giống Sa Pa, để nuôi cá hồi không phải quá khó, ngoài các điều kiện thời tiết thì cần nguồn nước sạch có hàm lượng oxy cao.

img

Khách hàng đến tận nơi bắt cá hồi, bỏ vào túi bơm oxy, đảm bảo cá luôn tươi ngon nhất. ảnh: Chang Liễu

Nhưng vùng núi nghèo, đến ăn còn thiếu thì lấy vốn đâu mà nuôi cá "quý tộc sang chảnh". Chính vì thế, mãi đến năm 2015, anh Trình mới đầu tư xây dựng được 5 bể nuôi cá hồi ở khu vực thôn Khuổi Cấp, cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5km. Anh Trình đặt mua 1.000 con giống từ Sa Pa với giá 80 triệu đồng.

Nhưng vào cuối năm 2015, sau một trận mưa to, nước suối ầm ầm đổ về làm trôi gần hết 5 bể cá hồi của gia đình anh. Phần cá hồi còn sót lại được anh Trình chăm bẵm cuối cùng cũng bị nấm chết sạch do nguồn nước bị bẩn. “Đợt đó nuôi được 8 tháng rồi, tính ra thiệt hại gần 600 triệu đồng” - anh Trình nhớ lại.

Không nản chí, anh quyết tâm nuôi bằng được loài cá "quý tộc, sang chảnh" trên núi Mẫu Sơn. Tháng 4.2016, chạy được vốn, anh khôi phục lại bể nuôi cá. Bước đầu, gia đình anh đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng bể, kéo điện thắp sáng, xây nhà trông cá, mua máy bơm nước, thức ăn chăn nuôi cá... Số tiền này anh vay mượn của ngân hàng và người thân.

“Ở bản nghèo này xưa nay nhắc tới tiền triệu thôi nhiều người đã "đổ mồ hôi hột" rồi, giờ là hàng trăm triệu đồng, vợ chồng tôi cũng "run" lắm. Nó không khác gì đánh một canh bạc với loài cá hồi nơi sườn non này” - anh Trình kể lại thời điểm quyết định vay thêm tiền nuôi cá.

“Khuất phục” loài cá quý tộc

Ở bản nghèo này xưa nay nhắc tới tiền triệu thôi nhiều người đã "đổ mồ hôi hột" rồi, giờ là hàng trăm triệu đồng, vợ chồng tôi cũng "run" lắm. Nó không khác gì đánh một canh bạc với loài cá hồi nơi sườn non này”. 
Anh Triệu Văn Trình
 

Sau bao gian nan với tổng vốn đầu tư đến nay lên đến 1,8 tỷ đồng, giờ đây anh Trình có 2 khu vực nuôi hơn 2.000 con cá hồi với 10 bể cá. Ngoài thời gian chăm sóc, theo dõi bể nuôi cá hồi, anh còn nuôi gà 6 ngón, làm rượu từ men lá truyền thống... phục vụ du khách.

Anh cho biết: “Cá hồi ưa khí hậu lạnh, Mẫu Sơn mát mẻ quanh năm cộng với nguồn nước khe sạch và mát nên là môi trường lý tưởng để nuôi loại cá này. Đồng thời cá hồi hay bị nấm làm thối da, cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, thau rửa bể và tắm muối”.

Cá hồi sau 1 năm tuổi nặng khoảng 1,3kg, anh Trình bán với giá 400.000 đồng/kg cho các nhà hàng tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội… và du khách tham quan khu du lịch Mẫu Sơn. Vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, khách du lịch đông, có lúc số lượng cá không đủ cung cấp. Anh nhẩm tính, trừ tất cả chi phí, số lãi thu về hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Với người dân ở một bản nghèo của người Dao, đây số tiền rất lớn, là động lực giúp anh Trình tiếp tục gắn bó cùng cá hồi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem