Để cung - cầu vốn tín dụng xanh gặp nhau: Nông dân, doanh nghiệp, HTX cần minh bạch chuỗi sản xuất
Để cung - cầu vốn tín dụng xanh gặp nhau: Nông dân, doanh nghiệp, HTX cần minh bạch chuỗi sản xuất
Minh Huệ (thực hiện)
Thứ năm, ngày 14/11/2024 13:52 PM (GMT+7)
Nông dân, doanh nghiệp và HTX phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tổ chức lại sản xuất nhằm minh bạch hóa toàn bộ quá trình tham gia chuỗi giá trị. Đặc biệt, các HTX và doanh nghiệp cần lưu ý minh bạch tài chính, cải thiện môi trường và quản trị. Các yếu tố này là "điểm cộng" trong hồ sơ xin vay vốn...
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho biết như vậy khi trao đổi với PV Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt.
Xin ông cho biết nhu cầu về vốn tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay?
- Phải khẳng định nhu cầu vốn tín dụng xanh của nông dân, HTX và doanh nghiệp là rất lớn. Chỉ riêng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2030, dự kiến cần nguồn vốn khoảng 2,7 tỷ USD. Cùng với đó, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 cần tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đang triển khai Quyết định 3444/QĐ-BNN-KH về kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, cùng rất nhiều dự án, chương trình khác có liên quan...
Thực tế, nông nghiệp không chỉ là ngành kinh tế chủ đạo của Việt Nam mà còn là nguồn sống của đa số người dân, do đó nhu cầu vốn nói chung cho sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau ngành công nghiệp (theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc và Ngân hàng Thế giới).
Do đó, các đề án nói trên đều nhằm chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, phát triển bền vững, với mục tiêu chính là giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng thu nhập cho nông dân.
Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, HTX và nông dân được xem là tất yếu và sống còn. Trong bối cảnh này, tín dụng xanh là công cụ tài chính quan trọng, giúp các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào các dự án nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...
Thế nhưng, không phải người dân, doanh nghiệp hay bất cứ dự án nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh?
- Đúng vậy, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh này vẫn còn rất khó khăn, nhiều vướng mắc. Ngân hàng nào cũng thế, Vietinbank hay Agribank đều cho vay khá nhiều cho các khách hàng là nông dân, HTX, nhưng có 2 nhóm vấn đề đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là liên kết chuỗi và tín dụng xanh để phục vụ chuyển đổi hệ thống sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Trước hết là về điều kiện vay. Thông thường khi vay liên kết sản xuất thì các tác nhân trong chuỗi (HTX, doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình, trang trại) phải đáp ứng 2 điều kiện: Có tài sản thế chấp; có dự án vay vốn rõ ràng. Nhưng cả 2 điều kiện này, các chuỗi đều đang gặp khó khăn do năng lực, trình độ, điều kiện hạn chế.
Thứ hai, về điều kiện cho vay, cơ bản tất cả các hệ thống tín dụng đều cho vay bằng tài sản thế chấp. Nghị định 55 về tín dụng có quy định cho vay theo dòng tiền, cho vay theo tín chấp (ví dụ HTX được vay 1 tỷ đồng; hộ nông dân, trang trại được vay 500 triệu đồng mà không cần có tài sản đảm bảo), nhưng quy định là một chuyện nhưng khi triển khai lại là chuyện khác.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Nói là tín chấp, nhưng ngân hàng vẫn đòi hỏi phải có tài sản gửi cho ngân hàng quản lý, dù có thể đó không phải là tài sản đảm bảo. Nhưng tài sản đó nông dân đang ký gửi chỗ khác rồi thì làm sao có thể mang đi vay tín chấp được?
Thứ nữa, một số dự án trong chuỗi giá trị người dân vay nhưng không phải họ đầu tư cho sản xuất mà để quay vòng vốn, thu mua nguyên liệu, ứng trước cho nông dân xây dựng hợp đồng liên kết. Ở một số quốc gia, với những trường hợp vay trong diện này, họ sẽ không căn cứ vào tín chấp mà thông qua hợp đồng mua bán nông sản, tần suất giao dịch nông sản.
Nhưng ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng không cho vay theo hướng này vì các chuỗi giá trị liên kết nông sản ở nước ta chưa đủ minh bạch và chưa đủ cơ sở dữ liệu để họ tin tưởng đó là giao dịch thật.
Có thể thấy những điều ông vừa nói không phải là nguyên nhân mới mẻ, nhưng vì sao đến nay các vướng mắc này vẫn chưa tháo gỡ được, thưa ông?
- Điều này không phải lỗi do tổ chức tín dụng gây khó dễ, cũng không phải do nông dân hay doanh nghiệp năng lực quá yếu, mà do hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, chưa có định mức kỹ thuật cho quy trình sản xuất xanh... Tóm lại là chưa có gì đảm bảo rủi ro cho các tổ chức cho vay, dẫn đến các ngân hàng khó đưa ra quyết định rót vốn. Bên cho vay và bên muốn vay không đến được với nhau.
Tôi không bênh ngân hàng, tín dụng nhưng các cơ quan chuyên môn của nhà nước, địa phương phải sớm công bố quy định, định mức kỹ thuật thế nào là sản xuất xanh, sản phẩm xanh, và phải sớm có xác nhận chứng nhận cho chuỗi sản xuất xanh đó.
Việc này lẽ ra có thể giải quyết được khi bên chuyên môn là tổ chức tín dụng và bên thực hiện là nông dân, doanh nghiệp, HTX phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giải quyết các vướng mắc. Theo đó, phía ngân hàng phải đề xuất cơ quan quản lý yêu cầu Sở KHCN, Sở Tài chính công bố định mức kỹ thuật cho những tiến bộ về sản xuất xanh, bản chất là giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả, giảm ảnh hưởng tới môi trường. Ví dụ, 1ha sản xuất xanh chi phí như thế nào, nhu cầu bao nhiêu, hiệu quả ước tính ra sao…
Còn phía nông dân, HTX, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất để minh bạch hóa tất cả quá trình tham gia chuỗi giá trị. Nếu cứ làm ăn theo kiểu mua đi bán lại như hiện nay thì không bao giờ sản xuất bền vững được, nói gì tới chuyện được cấp tín dụng xanh không cần thế chấp.
Nhìn về dài hạn, phía ngân hàng cũng cần có hướng dẫn, đào tạo về tín dụng xanh cho các doanh nghiệp, HTX, truyền thông tập huấn để người dân hiểu được điều kiện vay theo chuỗi sản xuất xanh gồm những gì. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức tín dụng cũng chưa thực sự quan tâm vấn đề này.
Để mối quan hệ cung - cầu vốn tín dụng xanh thuận lợi hơn, nhất là nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn xanh hơn nữa, ông có đề xuất, khuyến nghị như thế nào?
- Trước hết, về phía Hội Nông dân cần cùng với Bộ NNPTNT tham gia vào các tổ chức nông dân, xây dựng HTX, tổ hợp tác cho "ra vấn đề", đó là yêu cầu quan trọng nhất.
Thứ hai, cần tham gia tuyên truyền, đào tạo tập huấn để nông dân nắm chắc và thực hành tốt quy trình kỹ thuật sản xuất xanh.
Thứ ba, tăng cường năng lực cho nông dân, bao gồm năng lực về thực hiện quy trình kỹ thuật; năng lực tham gia vào các chuỗi liên kết và nâng cao năng lực tham gia giám sát, phản biện.
Các nhiệm vụ này, chúng tôi cũng như Bộ NNPTNT đều mong muốn Hội Nông dân Việt Nam tăng cường tham gia phối hợp thực hiện, với mục đích cuối cùng là thay đổi căn cơ quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng chất lượng nông sản, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Điều kiện bắt buộc là phải tham gia chuỗi liên kết
Ngày 7/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông qua mức giảm lãi suất cho vay ưu đãi tối thiểu 1% so với lãi suất mà các chủ thể đang tiếp cận khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Ngoài ra, hạn mức cho vay sẽ được mở rộng theo tính chất liên kết, quy mô sản xuất. Thời gian vay vốn phù hợp với vòng quay và tiến độ, chu kỳ sản xuất kinh doanh, trồng lúa cũng như thu mua chế biến, tạm trữ lúa gạo.
Đặc biệt, điều kiện bắt buộc để các chủ thể (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân) được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ chương trình tín dụng ưu đãi là phải tham gia chuỗi liên kết.
Các ngân hàng có thể không đưa ra yêu cầu sử dụng tài sản đảm bảo như trước đây. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi và ưu đãi dành cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các chủ thể để xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến kỹ thuật ngành nông nghiệp để tổ chức triển khai chương trình. Nhất là xác định, công bố các vùng chuyên canh; chủ thể tham gia liên kết; định mức kinh tế kỹ thuật và chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để Agribank và các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét cho vay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.