Tiền "khủng" 98.000 tỷ đồng rót về các ngân hàng, lãi suất bật tăng: Biện pháp mạnh tay hay tín hiệu thăm dò?

P.Thảo - H.Anh Chủ nhật, ngày 26/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Cùng với khối lượng tiền "khủng" gần 98.000 tỷ đồng được bơm qua kênh thị trường mở (OMO), lãi suất trên trúng thấu cũng tịnh tiến. Mục đích tăng lãi suất không gì khác là để nâng mặt bằng lãi suất VNĐ để cân lại với lãi suất USD, song cũng có ý kiến cho rằng, đó là "một bước thăm dò".
Bình luận 0
Tiền "khủng" 98.000 tỷ đồng rót về các ngân hàng, lãi suất bật tăng: Biện pháp mạnh tay hay tín hiệu thăm dò?- Ảnh 1.

Khối lượng phát hành OMO trong phiên 23/5 là cao nhất trong ít nhất 7 năm qua. (nguồn: WiChart).

98.000 tỷ đồng "bơm" vào hệ thống qua kênh OMO, lãi suất trúng thầu tăng

Thống kê của Dân Việt về kết quả đấu thầu trên thị trường mở (OMO), tuần từ ngày 20-24/5/2024 cho thấy, trong tuần này đã có gần 98.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng bằng kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

Trong đó, ngày 23/5 khối lượng giao dịch đột biến với hơn 43.063 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu lên tới 4,5%, kỳ hạn 14 ngày.

Hoạt động bơm tiền qua kênh này từ nhà quản lý tiền tệ với các ngân hàng "nóng" kể từ phiên trước đó (22/5), với khối lượng trúng thầu đạt gần 25.000 tỷ đồng; trong khi đó phiên ngày 21/5 chỉ hơn 2.700 tỷ đồng và hơn 151 tỷ đồng được "bơm" thành công qua kênh này.

Trong phiên gần nhất (24/5), cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, khối lượng trúng thầu đạt trên 27.000 tỷ đồng, với lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày.

Tiền "khủng" 98.000 tỷ đồng rót về các ngân hàng, lãi suất bật tăng: Biện pháp mạnh tay hay tín hiệu thăm dò?- Ảnh 2.

Kết quả đấu thầu trên thị trường mở tuần qua. (Ảnh: Lê Thúy)

Theo đánh giá của giới phân tích, đây là hoạt động bình thường của nhà quản lý tiền tệ nhằm điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Điều đáng nói, cùng với lượng lớn VNĐ bơm ra, lãi suất trúng thầu cũng tăng vọt, từ mức 4,25% lên mức 4,5%.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - người sáng lập Think Future cũng thừa nhận, các giải pháp vừa qua như bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian dài. Trong bối cảnh đó, lãi suất có lẽ sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VNĐ.

"NHNN đã tăng lãi suất OMO từ 4,25% lên 4,5%. Mục đích tăng lãi suất không gì khác là để nâng mặt bằng lãi suất VNĐ để cân lại với lãi suất USD", ông nói.

Việc rút ngắn chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, áp lực tỷ giá USD/VNĐ theo đó cũng hạ nhiệt. Tính từ đầu năm đến nay, VNĐ đã mất giá khoảng 5% so với USD.

Thực tế, theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần vừa qua đã tăng dần, từ mức 4,01%/năm (ngày 20/5) lên mức 5,1% (ngày 23/5) với hoạt động cho vay qua đêm. Kỳ hạn 1 tuần, cũng tăng từ 4,22% lên 5,27%/năm. Đây cũng là diễn biến chung của các kỳ hạn 2 tuần, 1 tháng,...

Một bước thăm dò?

Chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia tài chính - ông Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, việc nâng lãi suất trên thị trường mở, cho thấy NHNN đang "bắn tín hiệu" về khả năng nâng lãi suất điều hành và có thể can thiệp trực tiếp đến các công cụ lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn.

Việc tăng lãi suất OMO cũng có thể là 1 bước đi thăm dò nhằm chuẩn bị cho việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực mất giá của VNĐ

ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính chia sẻ.

Trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, các nhà phân tích tại đây cũng từng nhấn mạnh, với mức giảm giá 5% của đồng nội tệ, đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn, và sẽ ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất nhằm đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô; từ đó, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư.Các động thái sẽ được điều hành theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường.

Theo đó, NHNN được dự báo sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở. Tăng lãi suất vừa qua chính là động thái.

Theo sau đó, các nhà phân tích cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VNĐ, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực.

Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50-100 điểm cơ bản và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiết kiệm.

Tiền "khủng" 98.000 tỷ đồng rót về các ngân hàng, lãi suất bật tăng: Biện pháp mạnh tay hay tín hiệu thăm dò?- Ảnh 3.

VNĐ có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD trong năm 2024.

Trước các áp lực thường trực, khả năng VNĐ giảm giá vẫn luôn hiện hữu, song các chuyên gia kỳ vọng, vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, trong điều kiện thuận lợi DXY không tăng và thậm chí giảm nhẹ, cùng các điều hành linh hoạt của NHNN, VNĐ có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỷ giá sẽ giảm bớt.

Ông nhấn mạnh, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem