Tình yêu từ câu chuyện kể
Ngọc đến với thơ như một cơ duyên – đúng như lời cô nói. Đó là vào thời điểm cô học năm thứ 2 đại học, khi học môn giáo dục quốc phòng của thầy giáo- người từng có thời gian công tác ngoài Trường Sa. Khi nghe thầy kể về những người lính hải quân ngoài đảo với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn, cô thương họ và đem lòng yêu quần đảo thiêng liêng từ ấy.
Ngọc tặng thơ tay cho các chiến sĩ sắp lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
(Ảnh do nhân vật cung cấp).
Một lần, nghe thầy kể câu chuyện về bức thư vợ thầy gửi cho thầy với nỗi nhớ nhung, mong mỏi, Ngọc xúc động mạnh mẽ và cô muốn lưu giữ lại cảm xúc ấy. Bài thơ đầu tay ra đời như vậy, với tựa đề “Gửi cho em”: “Thôi anh ơi, hãy gửi em giọng nói/Để an tâm anh nơi ấy yên bình/Mong anh hãy vững vàng tay chắc súng/Em sẽ chờ, sẽ đợi những mùa sau”.
Sau gần 2 năm sáng tác, Ngọc đã có trong tay hơn 150 bài thơ viết về Trường Sa và người lính đảo. Cũng nhờ những bài thơ này mà Ngọc quen biết nhiều hơn với những người lính đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Những lá thư đi về giữa khơi xa với đất liền, rồi những cuộc điện thoại trò chuyện hàn huyên như sợi dây gắn bó tình bạn, tình anh em son sắt. Thời gian đầu, chủ yếu Ngọc viết về tình cảm của người vợ, người mẹ, người thân bày tỏ nỗi nhớ, niềm thương mong mỏi với người chồng, người con đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Nhưng dần dần, về sau Ngọc viết về chính tình cảm của mình gửi tới các anh, tình cảm của người em gái hậu phương. Qua các câu chuyện những người lính kể cho Ngọc, có khi là những điều rất đỗi bình dị trong sinh hoạt đời thường như chuyện ăn, chuyện ở… Ngọc cũng lấy làm tư liệu cho các bài thơ. Có lẽ cũng vì thế mà thơ của Ngọc rất mộc mạc và gần gũi. Những bài thơ này gửi ra Trường Sa rất được yêu thích và nhiều chiến sĩ đã viết thư gọi điện cho cô như người bạn thân thiết.
Ngọc kể, có lần một anh lính gọi điện về cho Ngọc, chỉ để khoe Trường Sa vừa có mưa sau nhiều tuần nắng hạn. Các anh mừng vì có nước ngọt để tắm, để ăn. Rồi có anh ríu rít khoe gói hạt rau Ngọc gửi gieo đã lên mầm… Những điều tưởng chừng rất dung dị ấy khiến Ngọc rưng rưng cảm động, cô cảm phục tinh thần lạc quan và niềm vui sống lớn lao của người chiến sĩ. Những bài thơ: Đảo khát đợi mưa, Mưa về trên đảo Sinh Tồn, Những món quà từ Trường Sa... ra đời từ những điều giản đơn như thế.
Chắp cánh cho những bài thơ
Khi được hỏi trong số các bài thơ của mình, Ngọc tâm đắc với bài nào nhất; cô trả lời không do dự, đó là bài “Ai đã đặt tên cho Trường Sa”, trong bài thơ này có tên của 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nhiều bài thơ của Ngọc được chia sẻ trên mạng xã hội, qua email và nhận được rất nhiều lời khen, khích lệ từ cả độc giả và giới chuyên môn. Bài thơ này được các chiến sĩ rất yêu thích và các anh đã gửi quà là vỏ ốc, cát san hô cho Ngọc để đáp lại tấm chân tình của cô em gái đáng yêu. Những món quà này, Ngọc vô cùng nâng niu, trân trọng gìn giữ.
Khi được hỏi trong quá trình sáng tác, Ngọc có kỷ niệm nào sâu sắc, cô nói, với cô mọi kỷ niệm đều đẹp và đáng quý. Lần đầu tiên là bắt gặp một anh lính hải quân giữa bến xe khách Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5. Hình ảnh người lính biển giữa Thủ đô làm cô xúc động mạnh mẽ nhưng lúc ấy cô nhát gan chẳng dám tới gần bắt chuyện với anh, chỉ dám chụp trộm tấm hình và viết vội mấy câu thơ: “Đã bao lần giữa dòng người tấp nập/Chợt giật mình gặp màu áo thân quen/Màu áo trắng của người ra giữ biển/Sắc áo anh hay con sóng bạc đầu?” .
Gần đây nhất, khi đang đi tình nguyện trên Lào Cai thì nghe tin có tàu đưa chiến sĩ mới ra đảo. Cô vội vàng bắt xe về Hà Nội, rồi từ Hà Nội bắt xe đi Khánh Hòa. Trên xe, chỉ lo đến muộn, sợ tàu đi mất. Do không chuẩn bị nên cô chỉ kịp chép tay 36 bài thơ để gửi tặng. Thật may, lúc cô vừa tới cảng cũng là lúc tàu chuẩn bị rời bến. Nhìn các anh xúc động khi nhận được tập thơ, Ngọc đã khóc vì hạnh phúc.
Ngọc cho biết thêm, sắp tới cô hợp tác với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt tập thơ đầu tiên mang tên Ngược sóng. Tập thơ gồm 60 bài thơ mà cô tâm đắc nhất, sẽ được xuất bản vào tháng 4. Tập thơ này, in với mục đích để gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Cô hy vọng, đây sẽ là món quà tinh thần để các chiến sĩ vững tâm bảo vệ biển đảo quê hương. Khi hỏi mơ ước lớn nhất của Ngọc là gì, cô trả lời ngay: “Là một lần được ra thăm đảo, thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió”.
Đoàn Thị Ngọc sinh năm 1994, hiện là sinh viên khoa thiết kế nội thất – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Quê ở Nam Trực, Nam Định. Cô chuẩn bị xuất bản tập thơ: Ngược sóng; có 5 bài thơ đã được phổ nhạc gồm: Đi ngang qua sóng; Như chưa hề có cuộc chia ly; Người về từ Hoàng Sa; Lính đảo ru con; Quê em Trường Sa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.