Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Bánh mì 362 Bạch Đằng" một thời nức tiếng Sài Gòn
Những năm 1980 - 1990, người Sài Gòn khu vực Gia Định, quanh chợ Bà Chiểu - không ai không biết đến xe bánh mì tọa lạc tại 362 trên đường Bạch Đằng, đối diện ngay rạp Cao Đồng Hưng - của bà Trần Thị Ngọc Đoàn. Bánh mì của bà Đoàn, từ chế biến bơ và các loại nhân ăn kèm, đều hết sức đặc biệt, tuân theo một công thức riêng do bà nghiên cứu, sáng tạo. Tuổi thơ của nhiều người Sài Gòn quanh khu vực chợ Bà Chiểu... gắn liền với xe bánh mì 362 Bạch Đằng của bà Đoàn.
Theo chia sẻ từ hậu duệ đời thứ 3, bà Trần Thị Ngọc Đoàn là một phụ nữ gốc miền Trung, một tay lo cuộc sống của cả gia đình với 11 người con, trong khi chồng bà do tính chất công việc, nên vắng nhà thường xuyên.
"Nghe bố mẹ và các cô chú kể lại, bà vốn giỏi nấu ăn nên đã mở một xe bánh mì ngay tại nhà để kiếm kế sinh nhai. Chính tay bà và các cô chú tự tay làm bơ, nhân, dưa ghém và các loại rau ăn kèm. Tiệm không có tên, do ăn ngon nên khách quen chỉ nhớ địa chỉ tiệm ở 362 Bạch Đằng để ghé", anh Khoa, cháu nội bà Đoàn cho biết.
Cũng theo anh Khoa, bí quyết khiến tiệm đông khách chính là phần bơ quết bánh được làm theo một công thức đặc biệt. Vẫn là các nguyên liệu quen thuộc như trứng, dầu ăn... nhưng bà Đoàn sáng tạo thêm gia vị, đồng thời lựa chọn nguyên liệu tươi, ngon để làm ra một loại bơ tươi đặc biệt, tạo điểm nhấn cho ổ bánh mì đầy ắp nhân.
"Thời đó, bơ của bà làm hấp dẫn đến mức, từ đánh bơ bằng tay, các chú trong nhà phải mày mò, tìm cách sử dụng động cơ để tạo ra máy đánh bơ nhằm đáp ứng kịp số lượng khách tiêu thụ mỗi ngày. Nghe bố mình kể, ban đầu, các chú sử dụng mô tơ quạt máy làm động cơ, rồi từ từ chuyển qua mô tơ của các loại máy khác lớn hơn để đáp ứng công suất nhưng máy hoạt động nhiều nên chỉ một thời gian là hư. Sau cùng, gia đình phải sử dụng tới mô tơ của máy giặt mới đáp ứng được việc đánh đủ số lượng bơ tươi mỗi ngày", anh Khoa nhớ lại.
Ngoài bơ tươi, dưa ghém và các loại rau ăn kèm, thành phần của nhân bánh mì như pate, thịt nướng, thịt xá xíu... đều do gia đình tự tay làm, từ khâu lựa nguyên liệu tới chế biến. Bánh và nhân luôn tươi ngon và bán hết trong ngày nên chỉ với một xe bánh mì, bà Đoàn một tay nuôi 11 người con trưởng thành.
"Thời đó tiệm của bà nội đối diện ngay rạp Cao Đồng Hưng. Nên khách của bà, ngoài học sinh, người lao động, còn có khán giả và các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng diễn suất đêm, ghé ăn rồi thành khách quen. Do đó, bà nuôi được tới 11 người con chỉ với một xe bánh mì", anh Khoa - chủ chuỗi cửa hàng Bánh mì 362 - cháu nội và Đoàn, nhớ lại.
Sau khi 11 người con trưởng thành, lập gia đình, mở tiệm riêng, bà Đoàn qua đời vì tuổi già, xe bánh mì tại địa chỉ 362 Bạch Đằng cũng ngưng hoạt động. Qua thời gian, bánh mì 362 chỉ còn trong ký ức của nhiều người Sài Gòn hoài cổ, cho tới khi anh Khoa khôi phục lại nghề truyền thống gia đình tại chính địa chỉ trên.
Hành trình đưa "Bánh mì 362" chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc của 9X Sài Gòn
Khi đang là sinh viên đại học, Khoa được gia đình khuyên nên phát triển mô hình kinh doanh truyền thống, đúng vào thời điểm mặt bằng tại địa chỉ 362 Bạch Đằng đang để trống. Sau khi được sự đồng thuận của cả dòng họ về việc sử dụng "thương hiệu" của bà nội, Khoa xin làm thêm tại tiệm bánh mì của người cô ruột một thời gian dài rồi mới quyết định mở tiệm. Do phải đi học nên thời gian này, Khoa có mẹ trợ giúp. Xe bánh mì ban đầu chỉ bán buổi sáng tới trưa, tới khi tốt nghiệp, Khoa dành toàn bộ tâm huyết để phát triển cửa hàng.
"Năm 2010, trong khi các xe bán hàng sử dụng vật liệu nhôm - kính, mình muốn "nên thơ" và đặc biệt hơn một chút nên đóng một chiếc xe bằng gỗ để khởi nghiệp, lấy luôn địa chỉ 362 đặt tên cho tiệm. Thời của bà nội, gia đình chỉ tự làm bơ và nhân bánh, còn mình tự sản xuất luôn cả bánh, từ khâu nhào, trộn bột. Trên công thức gia truyền, mình mày mò, sáng tạo thêm để phù hợp với đại đa số khách hàng ngày nay. Chắc cũng do bà nội thương nên xe bánh mì bán rất được. Cho tới năm 2015 mình đã có tới 5 chi nhánh của "Bánh mì 362" ở khắp Sài Gòn", Khoa chia sẻ.
Có thời điểm, Khoa sở hữu tới 11 chi nhánh tại khắp các quận trung tâm Sài Gòn. Nhưng như nhiều doanh nghiệp khác, sau đại dịch, hiện "Bánh mì 362" thu hẹp còn 7 chi nhánh, với tiêu chí tập trung nâng cao chất lượng và trải nghiệm khách hàng.
Bánh mì 362 được nhiều thực khách lựa chọn, ngoài vị ngon đặc biệt của bơ tươi, thì thực đơn tại quán rất đa dạng, khiến khách có nhiều lựa chọn, cho cả người ăn chay lẫn ăn mặn. Lấy cảm hứng từ những món ăn dân dã trong đời sống thường ngày của người Việt Nam, tiệm đã phát triển 17 loại nhân bánh như xíu mại, gà xé, thịt nướng, giò chả, nấm xào, thịt bò… kết hợp các loại dưa ghém, rau thơm. Tất cả hòa quyện làm nên một sự hấp dẫn, mà ở đó khách hàng có thể tìm thấy cả dinh dưỡng, hương vị đặc biệt, cũng vừa có thể tiết kiệm thời gian cho bản thân.
"Mọi người chỉ nghĩ bánh mì nên ăn để điểm tâm hay "lót dạ" nên mình ráng nghiên cứu sao cho bánh mì không chỉ ngon, còn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, thay cho một bữa ăn chính. Có những khách nước ngoài, bữa trưa thường ăn một lúc tới 3 - 4 chiếc bánh với nhân bánh khác nhau", ông chủ 9X cho biết.
Trong số khách hàng quen, có một đại diện Hàn Quốc, say mê vị bánh mì Việt, đã ngỏ ý hợp tác. Cơ duyên đó giúp Khoa có thêm một loạt cửa hàng nhượng quyền tại Hàn Quốc từ nhiều năm trước. "Hiện tại, cũng có rất nhiều đề nghị nhượng quyền, nhưng mình chưa vội nhận lời do còn muốn tập trung nâng cao chất lượng cũng như trải nghiệm khách hàng", Khoa tâm sự.
Với chàng trai trẻ, trong hơn 10 năm kinh doanh, anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng đáng nhớ nhất, không phải con số doanh thu cũng như hệ thống cửa hàng phát triển mỗi ngày, mà chính là những phản hồi chân thành của khách dành cho sản phẩm. Khoa kể, cách đây nhiều năm, anh nhận được một phản hồi từ khách qua mail. Vị khách này chia sẻ, hồi nhỏ mình là khách quen của xe bánh mì 362 Bạch Đằng. Kể từ sau khi bà Đoàn mất, anh không còn được thưởng thức món yêu thích. Cho đến khi ăn tại "Bánh mì 362" anh cảm thấy "rưng rưng xúc động" vì được sống lại tuổi thơ xưa.
"Nhận mail, mình cũng rưng rưng xúc động, cảm giác ấy lưu luyến một thời gian dài trong mình. Mình có mail lại cảm ơn và rất muốn kết nối với vị khách đó, đáng tiếc anh không trả lời lại. Tình cảm đó, mình trân trọng mãi và tự nhủ luôn phải cố gắng để không làm khách hàng thất vọng", Khoa nói.
Tuy nhiên, không phải không có những lúc Khoa "tủi thân" trong hành trình hơn 10 năm khởi nghiệp. Anh kể, những ngày đầu khi còn đứng sau xe bánh mì tại 362 Bạch Đằng, anh từng bị phụ huynh học sinh lấy nghề nghiệp của mình ra để răn đe con.
"Mình nhớ buổi sáng đó, đường kẹt xe vì phụ huynh đưa con đi học rất đông. Đứng trong quầy, mình nghe rõ một phụ nữ la lớn với con, chị nói "Nếu con không học hành chăm chỉ, lớn lên chỉ có nước đi bán bánh mì giống chú kia kìa". Lúc đó, bao nhiêu ánh mắt hiếu kỳ đổ dồn vào quầy bánh mì của mình. Mình ngỡ ngàng, có chút buồn nhưng nhận ra, đó chính là động lực khiến mình nỗ lực để có một chuỗi cửa hàng như ngày hôm nay. Nếu có cơ hội gặp lại, chắc chắn mình sẽ cảm ơn người phụ nữ đó", chàng trai trẻ kết thúc câu chuyện với nụ cười thật hiền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.