Agribank đang chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện hành để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Thí điểm cho vay theo chuỗi liên kết khép kínCho vay theo mô hình chuỗi sản xuất đang nhận được khá nhiều sự đồng thuận của nông dân, doanh nghiệp. Là một trong các ngân hàng tiên phong trong cho vay theo chuỗi sản xuất, hiện Agribank đang triển khai cho vay theo chuỗi sản xuất như thế nào?
- Tôi khẳng định, triển khai tốt các chương trình thí điểm theo các phương thức cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là lối thoát tốt nhất cho tín dụng tam nông hiện nay và tương lai. Agribank đang triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình chăn nuôi lợn (Hà Nam), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), trồng hoa (Lâm Đồng), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)...
Theo đánh giá của tôi, bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các nhà doanh nghiệp và người dân. Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, triển khai được trong thực tế mô hình này là một vấn đề không hề đơn giản. Còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, cụ thể là quy hoạch về vùng nuôi, trồng cây con, quy hoạch về các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hàng hoá hiện còn bất cập nên tình trạng được mùa rớt giá xảy ra ở hấu hết các nông sản; mối quan hệ giữa các bên trong quá trình liên kết như tạo niềm tin, chia sẻ tầm nhìn dài hạn, tôn trọng nhau, tôn trọng luật pháp còn ở mức giới hạn;
Chính sách khuyến khích cũng chưa rõ ràng, cơ chế, chế tài xử lý khi phá vỡ hợp đồng liên kết không đủ mạnh nên tình trạng “lật kèo” giữa người dân và doanh nghiệp và ngược lại xảy ra thường xuyên; hình thức cung cấp dịch vụ khoa học, kỹ thuật, thông tin còn bất cập, chưa khuyến khích người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản. Tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo một quy trình chung là khá phổ biến, do đó không đồng nhất về số lượng cũng như chất lượng nông sản theo yêu cầu của thị trường…
Agribank đang thực hiện đơn giản hóa thủ tục để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Chính những vướng mắc đó đã hạn chế rất nhiều trong việc đầu tư vốn của ngân hàng cho các bên tham gia chuỗi liên kết giá trị.
Thực tế thì câu chuyện rào cản về thủ tục vẫn là sự ngăn cách khá lớn giữa khách hàng với Agribank hiện nay. Thông điệp của Agribank về vấn đề này là gì, đến bao giờ có thể giải quyết được rào cản này?- Trong quá trình cho khách hàng vay vốn, Agribank luôn công khai các thủ tục vay vốn đối với khách hàng; chủ động và ưu tiên về nguồn vốn để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay của Agribank; thực hiện và triển khai tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ.
Agribank thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ sản xuất ngành nghề, chủ trang trại hợp tác xã lên tới 50 triệu đồng, 200 triệu đồng và 500 triệu đồng. Điều này đã làm đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết kiệm thời gian cho khách hàng và ngân hàng, tăng hiệu quả cho vay. Mặt khác, Agribank thực hiện tư vấn trong việc sử dụng vốn vay bảo đảm an toàn, hiệu quả cho cả khách hàng và ngân hàng.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của địa phương, nhu cầu vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận, các quy trình, thủ tục cho vay của Agribank chưa thực sự đơn giản, vẫn còn gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng. Nhận thức được hạn chế này, Agribank đang tập trung ban hành mới, chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện hành để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Mới chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014 chúng tôi đã thay đổi toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách về tín dụng, về giao dịch với khách hàng. Hàng chục văn bản về quy trình, quy chế được ban hành mới và triển khai tập huấn xong đến tận cán bộ cơ sở. Tất cả đều nhằm mục đích hướng tới khách hàng. Hiện nay chúng tôi bắt đầu triển khai hoàn thiện phần cơ chế quản trị nội bộ để kích thích tăng năng suất lao động nhằm thực hiện tốt đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và phục vụ tốt hơn bà con khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Chịu sức ép cạnh tranh rất lớn Nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ của tín dụng, và sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt trong những năm tới đây. Hiện rất nhiều ngân hàng đã đầu tư, mở rộng mạng lưới hoạt động đến khu vực này. Vậy Agribank có bị áp lực về sự cạnh tranh trên hay không? Agribank sẽ thay đổi như thế nào để luôn dẫn đầu trong việc mở rộng kinh doanh ở khu vực này?- Là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, song Agribank vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn đến từ các ngân hàng thương mại trong nước và từ các định chế tài chính nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Để khẳng định vị thế trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt giữ vững thị phần trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, Agribank chuyển mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với một số định hướng lớn sau:
"Chúng tôi luôn xác định khách hàng sản xuất kinh doanh có lãi thì ngân hàng mới tồn tại, vì vậy chúng tôi luôn nghĩ mình không có quyền gì gây khó dễ cho khách hàng cả”.
Ông Trịnh Ngọc Khánh
|
Thứ nhất, chuyển từ đầu tư cho vay chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư cho vay chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao; đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng.
Thứ hai, đầu tư cho vay phục vụ công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn theo hướng ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp các biện pháp về tổ chức sản xuất tiêu thụ hàng hoá nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt của Bộ NNPTNT để đầu tư theo các vùng chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế hàng hoá cao, xuất khẩu lớn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ tư, tổ chức đánh giá tình hình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cho vay qua các tổ nhóm. Bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp để tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm, góp phần giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ tín dụng.
Thứ năm, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao dịch cho cán bộ; triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, thường xuyên phân tích hoạt động của khách hàng, phân tích dư nợ có tiềm ẩn rủi ro để có các giải pháp cụ thể xử lý nợ, giảm thấp nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
Thứ sáu, ban hành một số sản phẩm tín dụng gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Mô hình cho vay liên kết, kép kín giữa 3 nhà (ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông), cho vay theo từng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình; cho vay theo mô hình chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Xin cảm ơn ông!
Trần Lê Tuấn - Văn Hoài (thực hiện) (Trần Lê Tuấn - Văn Hoài (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.