Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018. Tại hội nghị, ông Thành cho biết tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 650 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,54%. Lợi nhuận trước thuế tăng 20% (đạt 5.018 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay); Nộp ngân sách Nhà nước 1.200 tỷ đồng.
Agribank báo lãi kỷ lục trong lịch sử ngân hàng này (Ảnh: MH)
Năm 2017 là năm thứ 2 Agribank triển khai Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, cũng là triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với xử lý nợ xấu, tiếp tục xử lý dứt điểm các công việc còn lại của tái cơ cấu giai đoạn 1 và củng cố tiềm lực, nền tảng vững chắc sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTC gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020”, Agribank là Ngân hàng đầu tiên công bố “chiến dịch” bài bản. Cụ thể, thành lập 02 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường.
Agribank đã mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15.8.2017; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc triển khai Nghị quyết 42 tại Agribank đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi, là minh chứng cho thấy hoạt động kinh doanh của Agribank thực sự bước sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.
Tham dự hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao những kết quả mà Agribank đạt được trong năm 2017 và ghi nhận những kết quả này góp phần tích cực cùng hệ thống ngành ngân hàng, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế- xã hội đất nước.
“Là Ngân hàng 100% vốn Nhà nước, Agribank tiên phong đi đầu thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm các chỉ đạo của NHNN, nhất là trong cho vay, giảm lãi suất. Agribank đều đạt và vượt kế hoạch các nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra, đạt kết quả tích cực về tín dụng, nguồn vốn, lợi nhuận, công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, kiện toàn tổ chức bộ máy mạng lưới, triển khai Đề án Ngân hàng lưu động – đây là nét mới của Agribank trong thực hiện nhiệm vụ gắn với địa bàn vùng sâu vùng xa…”, Thống đốc đánh giá.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng giao nhiệm vụ cho Agribank trong năm 2018 cần tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại yếu kém của những giai đoạn trước đây, kiểm soát rủi ro trong hoạt động, nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng nguồn nhân lực.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu Agribank tập trung thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, chỉ đạo của Thống đốc NHNN, kiểm soát tăng trưởng đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng; Có lộ trình sắp xếp tổ chức mạng lưới, xử lý các chi nhánh yếu kém, ưu tiên hoàn thiện các bước đi trong Đề án Cổ phần hóa…
Cũng tại hội nghị, Thống đốc yêu cầu Agribank quán triệt phổ biến toàn hệ thống Luật các TCTD sửa đổi, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07 về phòng ngừa rủi ro và phòng chống vi phạm hoạt động ngân hàng trên tất cả lĩnh vực hoạt động; Đẩy nhanh và mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Chủ động công tác truyền thông…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.