Ngày 9.11 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Bạch Hồng, ông Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).
Việc bắt giữ được Bộ Công an thực hiện khi điều tra mở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty ALCII và các đơn vị có liên quan, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
ALC II phá sản, nguyên Tổng giám đốc BHXH bị bắt
Theo đó, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH); khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Trần Tiến Vỹ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và Hoàng Hà (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Lê Bạch Hồng - 1 trong 4 bị can vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước tại Bảo hiểm xã hội VN
Theo tìm hiểu, ông Lê Bạch Hồng đã không chấp hành đúng quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng; thông báo số kết dư quỹ Bảo hiểm y tế năm 2010 không đúng chế độ quản lý tài chính. Ông Hồng chưa nghiêm túc trong việc chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc cho vay tiền không đúng.
Những sai phạm này của ông Hồng liên quan tới khoản nợ trên 1.000 tỷ đồng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank)
Cụ thể, năm 2008 và 2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký 14 hợp đồng với Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank) với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỷ đồng và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỷ đồng (đã được thu hồi khi đến hạn).
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 chỉ ra rằng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty cho thuê tài chính ALC II (do Vũ Quốc Hảo làm Tổng giám đốc), tổng dư nợ lên 1.050 tỷ đồng. Trong khi theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nam chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn.
Đến thời điểm giữa năm 2009, ALC II bắt đầu không thanh toán lãi hàng tháng và gốc khi đến hạn của các hợp đồng vay vốn nêu trên.
Tháng 10.2018, Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép của ALC II
Tháng 12.2016, TAND TP. HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với ALCII. Tháng 8.2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi ALCII và Agribank về việc đề nghị thanh toán tiền gốc và tiền lãi còn thiếu.
Sau khi thu hồi được được hơn 240 tỷ đồng tiền gốc từ các hợp đồng, số tiền gốc ACLII còn nợ BHXH Việt Nam là 769 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi phát sinh).
Được biết, tổng nợ ALC II phải trả cho các chủ nợ và khách hàng là trên 10.160 tỷ đồng và hơn 8,5 triệu USD. Trong khi đó, nợ phải thu của ALC II trên 15.700 tỷ đồng và gần 32.400 USD, số dư tồn quỹ còn lại khoảng 19 tỷ đồng.
Tại ngày 31.12.2017, ALC II có khoản âm vốn chủ sở hữu là 12.034 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 12.464 tỷ đồng và có khoản tiền vay và tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi của khách hàng phải trả đã quá hạn, với tổng số tiền lần lượt là 2.865 tỷ đồng và 1.579 tỷ đồng.
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm và tổng mức chênh lệch thanh khoản ròng của các tài sản và các nợ phải trả đến hạn trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày 31.12/.016 của Công ty đang bị âm.
Trước đó, vào tháng 10.2016, Tòa Án Nhân dân Cấp cao TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy tại ALCII do Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc công ty ALCII) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xây dựng & thương mại Quang Vinh) thực hiện. Liên quan đến vụ án, hai bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 450 tỷ đồng.
Tháng 10.2018, NHNN thu hồi giấy phép của ALC II sau hai tháng phá sản
Trách nhiệm của Agribank đến đâu?
Liên quan đến khoản nợ từ ALC II, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico cho biết Agribank hoàn toàn không có trách nhiệm với những khoản nợ của ALC II, trong đó có khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng của BHXH
“Agribank và công ty cho thuê tài chính của Agribank (ALC II) là những pháp nhân độc lập, tương đương với trách nhiệm hữu hạn. Chính vì vậy, khi ALC II phá sản, phá sản tức là hết. Agribank không có tý trách nhiệm nào với khoản nợ gần 1.000 tỷ tại BHXH”, ông Đức cho hay.
Dưới góc độ là 1 chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, Agribank sẽ chỉ phải gánh 1 phần trách nhiệm liên quan đến phần vốn của Agribank tại ALC II hoặc những khoản vay của ALC II nhưng lại do Agribank đứng ra bảo lãnh
“Mối quan hệ giữa Agribank và công ty ALC II là hoàn toàn độc lập nên trách nhiệm của hai tổ chức này là tách biệt. Trừ những trường hợp Agribank đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của ALCII, được xác nhận bằng văn bản bảo lãnh hợp lệ Agribank mới phải có nghĩa vụ thanh toán.
Tuy nhiên, người nhận bảo lãnh phải chứng minh họ có cơ sở xác nhận rằng một bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của đối tác trực tiếp làm việc cùng. Nếu không chứng minh được thì họ sẽ không có đủ cơ sở để đòi hỏi quyền lợi bảo lãnh” ông Hiếu nhấn mạnh.
Giao dịch tại Agribank
Trước những thông tin bất lợi từ ALC II, đại diện Agribank cũng khẳng định, “ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân độc lập; các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2006-2008 đã được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước. Agribank khẳng định, việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank cũng như tiền gửi của khách hàng tại Agribank"
Cũng theo khẳng định của đại diện ngân hàng này, sau giai đoạn tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của Agribank an toàn, hiệu quả. Lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng dần qua các năm (năm 2016 đạt 4.212 tỷ đồng; năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng, 10 tháng năm 2018 đạt 6.000 tỷ đồng). Trong 2 năm liên tiếp (2016 và 2017), Agribank đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.