Agribank Đồng Tháp tiếp sức đưa cây lục bình xuất ngoại
Agribank Đồng Tháp tiếp sức đưa cây lục bình xuất ngoại
Hồng Cẩm - Minh Khương
Thứ hai, ngày 05/04/2021 15:08 PM (GMT+7)
Thời gian qua, cùng với sự đồng hành của Agribank, nghề đan lục bình tại tỉnh Đồng Tháp rất phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và giải quyết được lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Lục bình- Từ cây mọc hoang trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Cây lục bình thường mọc đầy các mương vườn hoặc trôi hoang trên sông, tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh cù lao, tạo thành thảm xanh rộng lớn khắp miền Tây.
Do sinh trưởng nhanh, lục bình từng là nỗi lo của người miền Tây do ngăn trở dòng chảy, gây khó khăn cho việc đánh bắt thủy sản. Thế rồi cái khó ló cái khôn, họ biến nó thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, lục bình đã góp phần cải thiện kinh tế cho người dân ở Đồng Tháp.
Để sử dụng lục bình làm vật liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, dân miền Tây thu hoạch loài thực vật thủy sinh này khi được 3 tháng tuổi, cắt sát gốc, vạt bỏ lá, rửa sạch rồi đem phơi nắng 5 - 6 ngày cho khô.
Từ chỗ làm manh mún theo tập quán, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình được chính quyền địa phương hỗ trợ, thúc đẩy để tạo ra các làng nghề. Nhân lực chủ yếu là những người có thời gian nhàn rỗi bên cạnh việc làm nông.
Chị Nguyễn Thị Hai, ngụ tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, cho biết: Cứ đều đặn mỗi ngày, sau khi đã lo xong công việc trong gia đình, thời gian nhàn rỗi còn lại của các chị phụ nữ trong tổ hợp tác đan Lục Bình ở xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là tỉ mỉ, chăm chút đan từng cọng lục bình thành những sản phẩm tiện dụng và đẹp mắt như: sọt, thảm, bàn, ghế… thu nhập của các chị dao động từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Lục bình xuất ngoại
Hiện nay Việt Nam đứng thứ 2 Châu Á về xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm của VN có mặt trên thị trường của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD/ năm. Trong đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng là nhờ nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, mềm mại, dẻo dai, giản dị nhưng rất tiện ích, đặc biệt là thích ứng với mọi nhiệt độ trong phòng, nóng không giòn, lạnh không xơ cứng.
Công ty CP Artex Đồng Tháp chuyên sản xuất các mặt hàng nội thất được làm từ lục bình, cối... Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon... sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Pháp… tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Theo Ông Nguyễn Hữu Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Artex Đồng Tháp, cho biết, hiện nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình không chỉ có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị lớn nhỏ trên cả nước mà còn xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Thời hoàng kim của nghề thủ công mỹ nghệ là những năm Việt Nam mới mở cửa hội nhập, sản phẩm này được xuất khẩu với quy mô rất lớn.
Khi có các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài, công ty sản xuất khung sắt theo mẫu và giao xuống cho các tổ đan lục bình trong tỉnh, sau đó thu mua lại.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, cho biết: "Để việc sản xuất và xuất khẩu hàng tiểu thủ công mỹ chuyên nghiệp hơn, thời gan qua Công ty chúng có sự hỗ trợ, đồng hành của Agribank. Từ nguồn vốn của Agribank mà Công ty có thêm vốn mua nguyên liệu, trả tiền công, đồng vốn dự trữ nguyên liệu, dự trữ bán thành phẩm từ đó chủ động trong quá trình sản xuất và không bị phụ thuộc vào mùa (mưa, nắng)".
Nghề thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình phát triển, không chỉ giúp những người làm nghề đan lục bình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, mà còn góp phần phát triển những nghề dịch vụ trong chuỗi sản phẩm đầu vào, như: trồng, cắt, phơi khô cây lục bình để bán cho các cơ sở và các tổ đan. Hiện nay, lục bình khô có giá bán từ 13.000 -14.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để người dân gắn bó và phát triển với cây lục bình, thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm từ cây lục bình là mấu chốt quan trọng nhất. Chính vì vậy, các công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là điểm tựa, là cứu cánh cho người dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần so với việc chỉ tiêu thụ trong nước.
Và để làm được đều này, phải có sự hậu thuẫn về vốn của Agribank cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng quy mô.
Theo thống kê của Agriabank Chi nhánh Đồng Tháp, hiện tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 88% trên tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay phát triển nghề thủ công mỹ nghệ đạt gần 26 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lới - Chủ tịch xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Ở địa phương xã Mỹ Hiệp tiếp cận nguồn vốn của Agribanktừ nhiều năm qua. Nhờ nguồn vốn này mà bà con phát triển kinh tế rất nhiều, qua đò góp phần cho xã xây dựng đô thị loại V, nông thôn mới vừa qua".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.