Ai đào hố ngăn giữa VFF và VPF?

Thứ bảy, ngày 18/02/2012 10:34 AM (GMT+7)
Nếu như có một ngăn cách nào đó giữa VPF và VFF thì do có người đang cố gắng tạo ra điều đó” - ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố như vậy. Song, ai là người đào hố ngăn này?
Bình luận 0

“Nếu như có một ngăn cách nào đó giữa VPF và VFF thì do có người đang cố gắng tạo ra điều đó” - ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố như vậy trước đông đảo phóng viên trong buổi họp báo của Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp VN - VPF ngày 9.2 vừa qua. Thử lần theo diễn biến sự việc để xem ai là người đào hố ngăn này.

img
Cái hố giữa VFF và VPF khó mà lấp đầy.

Ai cũng biết rằng, mối quan hệ của LĐBĐVN VFF và VPF đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” ngay từ những ngày VPF vừa mới vừa thành lập. Đó tưởng chừng như là sự mâu thuẫn khó có thể dung hòa khi bầu Kiên đăng đàn nói lên nỗi bức xúc của người hâm mộ bóng đá đối với VFF bấy lâu và lấy quyền tổ chức các giải đấu bóng đá về tay các ông bầu với sự ra đời của VPF.

Nhưng cũng phải nhìn nhận trong 3 tháng vừa qua, VPF cũng đã có không ít, nếu không nói là quá nhiều lần cố tình không nghe theo VFF, dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất.

VPF đã đáp trả VFF như thế nào?

Bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc LĐBĐVN đã được ký với Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) từ năm 2010 ngay lập tức trở thành mục tiêu đầu tiên của VPF từ khi lên nắm quyền điều hành các giải đấu bóng đá. Phải chăng đây là cái cớ lớn nhất và duy nhất để VPF thể hiện được “uy quyền” của mình trước một VFF đã quá cũ kỹ?

Hai tuần sau Đại hội cổ đông lần thứ nhất, bầu Kiên với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT VPF đã ký gửi công văn đến các đài truyền hình với nội dung cho phép các đài tự do vào sân ghi hình, phát sóng các trận đấu. Đây được coi là phát súng đầu tiên khơi dậy “cuộc chiến” bản quyền truyền hình của bầu Kiên nói riêng và VPF nói chung. Vì rõ ràng khi gửi một công văn như thế, VPF đã phủ nhận toàn bộ bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG.

Có lẽ không cần nói đến toàn bộ những công văn của LĐBĐVN VFF đã gửi VPF kể từ sau lần nổ súng đầu tiên này. Nhưng thật thiếu sót nếu không nói đến việc cứ mỗi lần VFF gửi công văn cho VPF thì ngay lập tức được nhận lại một “phúc đáp” hoàn toàn trái ngược.

Sau công văn VPF gửi các đài truyền hình, VFF đã chấn chỉnh VPF rằng “AVG là đơn vị có quyền sở hữu hợp pháp bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam mà VFF đã ký với AVG”. Chẳng phải đợi lâu, ngay trong ngày hôm đó (30.12.2011), bầu Kiên đối đáp và khẳng định: “Chúng tôi không thừa nhận tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF kí với AVG....”

Cái hố giữa VFF và VPF khó mà lấp đầy. Năm ngày sau, VPF có công văn gửi lên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF đã ký với AVG.

Cũng với những nội dung đó, VPF đã gửi cả công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc này. Đến lúc này, vấn đề tranh cãi về bản quyền truyền hình của cả VFF và VPF không còn là “chuyện trong nhà” nữa. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã thành lập đoàn thanh tra về việc ký hợp đồng giữa VFF và AVG.

Khó lấp đầy cái hố giữa VFF và VPF

Gần đây nhất, khi Tổng cục TDTT có công văn gửi VFF đưa ra các quan điểm về các vấn đề bất cập đang diễn ra trong các giải đấu và quan trọng nhất là kiến nghị của Tổng cục nên đổi tên giải đấu cho phù hợp.

Theo đó, VFF đã có công văn đề nghị VPF đổi tên giải đấu thành V-League Eximbank thay vì Super Laegue như VPF đã đặt. Nhưng cũng từ một chuyện này mà có ít nhất vài cái công văn đã được gửi đi gửi lại giữa VFF và VPF. Đến giờ thì câu chuyện về tên giải đấu cũng chưa thể đi đến một quyết định chính thức.

Diễn biến mới nhất, trong ngày 16.2, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã có kết luận chính thức về việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình. Bản kết luận này khẳng định: “Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá mà Liên đoàn bóng đá VN (LĐBĐVN) đã ký với Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) là đúng pháp luật”. Ngay sau đó, VPF cũng đã có một cuộc gặp gỡ báo chí và có đơn khiếu nại gửi lên Bộ VHTT&DL, Thanh tra Chính phủ về bản kết luận thanh tra nói trên.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 16.2, ông Nguyễn Đức Kiên và lãnh đạo VPF tiếp tục đưa ra những luận chứng của mình để phủ nhận các quyền mà theo quy định của luật pháp VFF đã có. Nhưng cũng trong buổi này, bầu Thắng cũng như bầu Kiên lại không ngừng nói đến việc VPF luôn chấp hành pháp luật và tuân thủ theo sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước.

Có lẽ VPF cần nhớ rằng VFF cũng là một cơ quan đang có quyền trực tiếp chỉ đạo VPF điều hành các giải bóng đá. Chính những phát ngôn và công văn tỏ thái độ bất hợp tác vừa qua của VPF nói chung và của bầu Kiên nói riêng đang vô hình trung tạo ra một cái hố và ngày càng đào sâu thêm, đó là những khoảng cách khó có thể nối liền giữa VPF và đơn vị chủ quản của họ - VFF.

Theo VOV

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem