Giữa tâm bão nhân sự, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ diễn ra vào 26.4 tới đây của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vẫn được chủ tịch là ông Lê Minh Quốc ký tên. Cùng với đó, trên thị trường chứng khoán, hoạt động mua bán cổ phiếu EIB của ngân hàng nơi bà Lương Thị Cẩm Tú đang cho thấy có sự thoái vốn của một nhóm cổ đông.
Nhóm cổ đông Nam Á rút lui?
Thống kê trên thị trường chứng khoán cho thấy, từ đầu tháng 4 đến nay đã có tới trên 200 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được sang tay, tương ứng với 17% cổ phần của EIB.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 40% vốn của Eximbank, tương đương gần 500 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thoả thuận. Xuất hiện nhiều phiên giao dịch từ 40-60 triệu đơn vị với giá trị cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2018 và năm 2017, khối lượng giao dịch chỉ là trên 650 và 300 triệu cổ phiếu. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu EIB tăng 22%, hiện ở mức 17.150 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn chứng khoán, các giao dịch cổ phiếu Eximbank diễn ra liên tục kể từ cuối năm ngoái, trở thành tâm điểm trên trường với những phiên giao dịch thỏa thuận “ngầm” và cả khớp lệnh trên sàn diễn ra rất sôi nổi. Nhiều đồn đoán cho rằng, khối lượng giao dịch lớn cổ phiếu EIB được sang tay trong thời gian qua chính là sự rút lui của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).
Đáng chú ý, bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT của Eximbank, hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã mua vào 13,8 triệu cổ phiếu (hơn 1,12% cổ phần). Trước khi về Eximbank, bà Tú giữ vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á. Câu hỏi đặt ra, tại sao nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch NamABank lại rút khỏi Eximbank thời điểm này?
Việc rút lui này của nhóm cổ đông NamABank được cho là đã đạt được thoả thuận, quan trọng hơn, nhóm ông Nguyễn Quốc Toàn đầu tư vào Eximbank từ năm 2014, thời điểm giá cổ phiếu EIB được đẩy lên cao với toan tính M&A nhưng không thành công. Hơn nữa, khủng hoảng tại Eximbank chưa có dấu hiệu kết thúc khiến cổ phiếu ngân hàng này giảm mạnh, khó có dấu hiệu phục hồi và thời gian gần đây, khi có một đại gia thâu tóm, giá cổ phiếu EIB tăng 22% so với đầu năm là cơ hội tốt để nhóm cổ đông này thoái vốn mà không bị lỗ.
Hơn nữa, ông Nguyễn Quốc Toàn cần tập trung cho NamABank trong việc niêm yết trên sàn chứng khoán và gọi thêm vốn ngoại. Ngoài ra, việc rút lui của nhóm cổ đông Nam A Bank cũng đồng thời giúp con trai của nhà sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu tập trung xử lý những vụ việc trong gia đình mới dấy lên gần đây.
Quyền lực của tân chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú ảnh hưởng ra sao?
Việc rút lui của nhóm cổ đông liên quan tới NamABank đặt ra câu hỏi: Quyền lực và sự hậu thuẫn nào giúp cho bà Lương Thị Cẩm Tú củng cố quyền lực tại Eximbank trong giữa tâm bão tranh chấp? Bằng chứng, ngay sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào 22.3 thì ông Lê Minh Quốc lên tiếng phản đối và cho rằng, việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông và bầu tân chủ tịch mới là bà Lương Thị Cẩm Tú là không đúng quy trình.
Chưa dừng lại, vào ngày 27.3, Toà án TP.HCM đã thụ lý vụ án và ngày áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết về thay đổi chủ tịch HĐQT tại Eximbank. Ngay sau khi toà án ra quyết định, phía Eximbank đã khiếu nại, khẳng định những cáo buộc của ông Quốc là vô căn cứ và yêu cầu toà án huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được Eximbank bầu là chủ tịch thay ông Lê Quốc Minh vào ngày 22.3 vừa qua
Ngày 18.04.2019 vừa qua, TAND TPHCM khẳng định việc áp dụng biện pháp tạm thời là có căn cứ, đúng pháp luật và đã có Quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của Eximbank.
Cho đến thời điểm điểm hiện tại, vấn đề về nhân sự này vẫn còn bỏ ngỏ khi không hề được đề cập trong bất kỳ tờ trình nào của tài liệu ĐHĐCĐ đã được Ngân hàng công bố. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ, ông Lê Minh Quốc vẫn đứng tên với cương vị chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Nói về bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Tú không chỉ là thành viên nữ duy nhất trong 10 thành viên HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú cũng là người trẻ nhất và gia nhập muộn nhất trong cơ cấu quyền lực này.
Trước khi về Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú là Tổng Giám đốc Nam A Bank. Điều đáng nói, nhóm cổ đông Nam A Bank, trong đó nổi lên tên tuổi ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT và là con trai cả bà Tư Hường là đại diện đã đầu tư vào Eximbank từ năm 2014 sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê.
Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là CEO của Nam A Bank
Nuôi mộng sáp nhập với Eximbank, tuy nhiên, liên tiếp qua các mùa đại hội cổ đông từ 2015-2016, nhóm nhà đầu tư này thất bại trong việc đưa đại diện của mình vào HĐQT của Eximbank. Cho đến khi bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu CEO ngân hàng Nam Á trở thành thành viên HĐQT của Eximbank, nhiều người đã mặc định rằng, bà Tú chính là đại diện cho nhóm cổ đông ngân hàng Nam Á.
Chính vì vậy, cuộc tranh giành quyền lực hiện tại giữa bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc cũng được ngầm hiểu là cuộc chiến quyền lực hai nhóm cổ đông nhiều ảnh hưởng là nhóm cổ đông có liên hệ với NamABank và nhóm cổ đông có liên hệ với CTCP Âu Lạc và một cổ đông là đại gia lớn trong lĩnh vực tiêu dùng tại Hà Nội.
Ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Eximbank không còn nhận được nhiều tín nhiệm của thành viên HĐQT
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù cuộc chiến nhân sự của Eximbank vẫn chưa thể chấm dứt nhưng với sự hậu thuẫn của nhiều cổ đông lớn khác, cho dù sự rút lui của nhóm nhà đầu tư liên quan tới NamABank cũng không ảnh hưởng tới quyền lực, sự vững chắc của bà Lương Thị Cẩm Tú tại Eximbank.
Điều đó minh chứng bà Lương Thị Cẩm Tú đã nhận được sự ủng hộ của 7 thành viên HĐQT, trong đó có hai thành viên HĐQT người nước ngoài là ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki, những người đại diện cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản). Cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) hiện đang là cổ đông lớn nhất và duy nhất nắm giữ 15% cổ phần EIB.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.