Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, trong đó vấn đề về nhân sự cấp cao là điểm “bất ổn” lớn nhất mà ngân hàng này tiếp tục phải đối diện.
Khuyết tổng giám đốc, “lùm xùm” ghế nóng.
Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của tổng giám đốc ngân hàng.
Các tờ trình còn lại như Báo cáo của Ban kiểm soát (BKS), Kinh phí hoạt động và thù lao của BKS do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng BKS, ký. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, thành phần Ban tổng giám đốc Eximbank có ông Lê Văn Quyết và 8 phó tổng giám đốc. Ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Eximbank.
Một tài liệu thiếu chữ ký Tổng giám đốc trong tài liệu ĐHĐCĐ năm 2019 của Eximbank
Ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Eximbank vào ngày 15.12.2015 và làm TGĐ từ ngày 5.4.2016 cho đến nay chưa có quyết định thôi vị trí này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Lê Văn Quyết đã có ý kiến về việc Eximbank nên tìm tổng giám đốc mới để đảm bảo hoạt động liên tục ngân hàng.
Như vậy có thể thấy, nhân sự cao cấp vẫn đang là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là câu chuyện lùm xùm đầy bí ẩn tại ngân hàng một thời đình đám tại Việt Nam như Eximbank.
Trước đó, vào tháng 3, một câu chuyện liên quan đến vấn đề nhân sự ở Eximbank xảy ra, cụ thể là việc bổ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú. Đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết quả cụ thể song trong các nội dung của cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 26.4 sắp tới, ngân hàng không đề cập đến nội dung nào về thay đổi nhân sự cấp cao.
"Lùm xùm" trong câu chuyện nhân sự cấp cao ở HĐQT Eximbank bắt đầu khi ông Lê Minh Quốc có "tâm thư" gửi truyền thông và sau đó gửi lên tòa án. "Tâm thư" của ông Quốc được phát đi sau khi Eximbank họp vào ngày 22.3, ra Nghị quyết 112/2019 có nội dung miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc, bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay. Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là cựu tổng giám đốc của ngân hàng Nam Á.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được Eximbank bầu là chủ tịch thay ông Lê Quốc Minh vào ngày 22.3 vừa qua
Toà quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” buộc các đồng bị đơn phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019 ngày 22.3.2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án. Eximbank cũng đã có đơn kiến nghị phản hồi và khẳng định cuộc họp của HĐQT ngày 22.3 và ban hành Nghị quyết số 112 bầu Chủ tịch mới là đúng quy định và điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, đến này các thông tin cụ thể vẫn chưa “ngã ngũ”.
Nhóm cổ đông rút lui, Tòa buộc Eximbank phải trả 115 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình
Trong khi câu chuyện về nhân sự cấp cao còn chưa ngã ngũ và chờ thông báo chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước cùng cơ quan quản lý cũng như cuộc họp đại hội cổ đông thường niên sắp tới của ngân hàng Eximbank, thì một diễn biến khác ở Eximbank cũng thu hút sự chú ý không nhỏ của nhà đầu tư chứng khoán đó là các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB rất lớn trên thị trường chứng khoán.
Thống kê trên thị trường chứng khoán cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng gần 30% số cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank, tương ứng hơn 350 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank đã được trao tay với giá trị trên 5.600 tỷ đồng.
Nếu tính từ cuối năm 2018 đến nay, khoảng 40% vốn của Eximbank, tương đương 500 triệu cổ phần được giao dịch thoả thuận. Xuất hiện nhiều phiên giao dịch từ 40-60 triệu đơn vị với giá trị cả nghìn tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng Eximbank sẽ có "chủ mới" và không loại trừ tại đại hội cổ đông thường niên ngày 26.4 tới đây nhóm này sẽ lộ diện.
Động thái rút lui của nhà đầu tư khỏi Eximbank diễn ra khi ngân hàng này liên tiếp xảy ra giữa tâm điểm của cuộc chiến quyền lực giữ ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú. Đồng thời, cũng là giai đoạn khó khăn của Eximbank trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Cũng kể từ khi cựu chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục “vùng vẫy” trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt.
Cụ thể, sau khi giảm từ mức lợi nhuận trên 3.000 tỷ năm 2011 xuống chỉ còn gần 40 tỷ năm 2015, lợi nhuận ròng của ngân hàng cải thiện lên con số 309 tỷ đồng năm 2016 và 823 tỷ năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018 lợi nhuận ròng của ngân hàng lại lùi về con số 660 tỷ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 1/5, một con số vô cùng khiêm tốn.
Trong khi đó, nợ phải trả của Eximbank lại không ngừng tăng trong thời gian qua và cũng không hề thua kém nhiều so với mức nợ phải trả của ngân hàng giai đoạn “nghìn tỷ”. Tính tới cuối năm 2018, nợ phải trả của Eximbank vào khoảng 137.825 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017.
Chưa kể, Eximbank mới đây buộc phải thanh toán toàn bộ tiền gốc 245 tỷ đồng (đã rút) và 115 tỷ đồng tiền lãi và phạt cho 1 khách hàng là bà Chu Thị Bình, công ty Thủy sản Minh Phú. Đây là số tiền tiết kiệm của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt.
Ngoài số tiền gốc 245 tỷ đồng, bà Bình (ngoài cùng bên phải) được HĐXX tuyên buộc Eximbank trả 115 tỷ đồng tiền lãi.
Như vậy, dù lợi nhuận đã có chút bứt phá so với năm 2017, nhưng cuối cùng sự cố mất tiền của khách hàng VIP là bà Chu Thị Bình khiến ngân hàng phải đền hàng trăm tỷ, làm cho lợi nhuận theo đó cũng phải điều chỉnh.
Giờ đây với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, nếu như tiếp tục không có sự đồng thuận của các nhóm cổ đông với nhau thì Eximbank sẽ khó có thể thoát khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2019, ngân hàng này vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trước trích bổ sung theo dự phòng trái phiếu VAMC theo thông tư 08/2016/TT-NHNN là 2.000 tỷ, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm 2018. Nếu mục tiêu này thành công, năm 2018, Eximbank sẽ có mặt trong danh sách ngân hàng lợi nhuận nghìn tỷ sau nhiều năm vắng bóng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.