Ai là quan triều đình “to” nhất trước khi gia nhập Lương Sơn Bạc?

Vô Kỵ Thứ ba, ngày 09/04/2019 18:34 PM (GMT+7)
Non nửa trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc là những người từng làm quan trong triều đình nhà Tống. Là một độc giả trung thành của “Thuy hử”, có bao giờ bạn tự hỏi: ai là người có phẩm quan cao nhất trước khi tới “Bến nước” gia nhập Nghĩa quân Lương Sơn?
Bình luận 0

Nguồn gốc xuất thân của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử truyện của Thi Nại Am đa dạng vô cùng. Từ tầng lớp cùng đinh nhất của xã hội như Lý Quỳ đến gia tộc hậu duệ Hoàng đế như Sài Tiến. Từ những tội phạm triều đình tới những nhân vật thuộc dòng dõi danh tướng như Quan Thắng, Hô Diên Chước hay Dương Chí. Từ phường trộm cướp tới các quan lại huyện phủ.

Đa dạng xuất thân 108 vị anh hùng

Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, qua những con đường khác nhau, bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan, tất cả đều tụ về Lương Sơn. Trong số 108 vị anh hùng của “Bến nước”, non nửa là những nhân vật từng là quan triều Tống, chức tước, phẩm vị kẻ cao người thấp. Hoặc bị hãm hại, thân bại danh liệt mà cùng đường lên Lương Sơn, hoặc bị “lừa” tới Trung Nghĩa Đường.

img

Đó có thể là “Áp ti” như Tống Giang; “Giáo đầu” cấm quân như Lâm Xung, Từ Ninh; “Đô đầu” như Võ Tòng, Lôi Hoành, Chu Đồng…, những chức quan nhỏ, chỉ thuộc bát phẩm hoặc thấp hơn.  Hay cao hơn một chút là các võ quan huyện-phủ như Sách Siêu, Hoa Vinh; Đề hạt” như Lỗ Trí Thâm, “Đô giám” như Hoàng Tín; “Đoàn luyện sứ” các châu như Hàn Thao, Bành Kỉ, “Tuần phủ” như Quan Thắng…

Hô Diên Chước, hậu duệ danh tướng Hô Diên Tán, người được Cao Cầu tiến cử làm đại tướng quân chinh phạt Lương Sơn, trước khi gia nhập “Bến nước” cũng từng làm tới chức “Kỵ đô úy” – tương đương “Tòng ngũ phẩm” (dưới Chính ngũ phẩm, trên Chính lục phẩm) theo phẩm cấp quan chế thời nhà Tống.

Tần Minh – người có phẩm quan cao nhất trước khi tới “Bến nước”

Nhưng nổi bật nhất về mặt phẩm chức triều đình trước khi gia nhập Nghĩa quân Lương Sơn, thì phải kể đến một người, từng giữ chức Đô thống chế - Tổng quản binh mã phủ Thanh Châu. Đó là “Tích Lịch Hỏa” Tần Minh. Theo phẩm cấp quan chế dành cho Võ quan thời Tống, chức của Tần Minh tương đương Chính tứ phẩm.

img

Tần Minh, biệt hiệu Tích Lịch Hỏa (Lửa sấm sét), là đầu lĩnh thứ 7 ở Lương Sơn Bạc, được sao Thiên Mãnh Tinh chiếu mệnh. Tần Minh quê ở Khai Châu và là đô thống chế ở Thanh Châu (Sơn Đông ngày nay). Ông là người mạnh khoẻ, tính nóng như lửa, tiếng to như sấm. Biệt danh "Tích lịch hoả" cũng từ đó mà ra.

Ngoại hình và tính cách của Tần Minh gần giống Trương Phi trong Tam quốc diễn nghĩa. Võ công Tần Minh cao cường, sử dụng cây lang nha bổng (gậy răng sói) muôn người khôn địch. Trong “Thủy hử truyền” Tần Minh xuất hiện ở hồi 33, thời điểm “Tiểu lý quảng” Hoa Vinh dẫn quân phá ngục cứu Tống Giang, vốn trước đó bị tri huyện Thanh Phong Lưu Cao bắt giam.

Tần Minh nghe tin Hoa Vinh phản lại Lưu Cao thì nổi giận lôi đình, tình nguyện đem quân đi đánh dẹp trại Thanh Phong. Tần Minh đánh nhau bất phân thắng bại với Hoa Vinh, sau đó Hoa Vinh giả bại để dụ Tần Minh. Tần Minh không biết đó là bẫy nên bị mai phục và bị quân lính của Yến Thuận, Vương Anh và Trịnh Thiên Thọ bắt.

img

Tống Giang biết Tần Minh là tướng tài nên đã cố thuyết phục ông ở lại, nhưng ông kiên quyết từ chối và chỉ ở lại trại Thanh Phong một đêm. Ngay hôm sau, Tần Minh quay lại Thanh Châu, ông thấy khói bốc lên nhưng lại không thấy ai và sinh nghi.

Vợ con bị hại, cùng đường phải lên Lương Sơn

Về đến cổng thành, Tần Minh ngạc nhiên khi bị quan Thanh Châu là Mộ Dung Ngạn Đạt gọi là kẻ phản loạn. Tin rằng Tần Minh đã làm phản và giết hại dân chúng, Mộ Dung Ngạn Đạt đã giết cả nhà Tần Minh, sau đó còn bắn tên để ngăn ông về thành. Tần Minh không còn cách nào khác, đành quay về trại Thanh Phong.

Tống Giang hỏi: "Tần Tổng quản sao chưa về Thanh Châu, lại còn đi đâu mà có một mình vậy ?" Tần Minh kể: "Không biết thằng tướng cướp trời tru đất diệt nào giả dạng tôi đem binh đến Thanh Châu đốt rụi nhà cửa, chém giết nhân dân, làm cho Mộ Dung tri phủ chém hết gia quyến của tôi. Khiến cho tôi bây giờ lên trời không nẻo, xuống đất không phương".

img

Rồi giận dữ gào: "Nếu có ngày tôi gặp hắn, tôi phải đánh hắn đến gãy nát cây gậy răng sói của tôi mới thôi !" Lưu Đường và Vương Anh cả sợ, vội quỳ xuống thú nhận đã đóng giả Tần Minh tới Thanh Châu giết người phóng hoả. Tần Minh càng tức, định xông vào đánh nhau với Lưu Đường và Vương Anh.

Tống Giang, Hoa Vinh, Yến Thuận và Trịnh Thiên Thọ ngăn ông lại và hết sức cầu xin ông hãy tha cho hai người. Tần Minh nói: "Tôi ghi nhận lòng tốt của các ông muốn lưu tôi ở lại chốn này, song chỉ thiệt riêng cho tôi, là vợ con chết cả, không còn lấy chi làm thú đời, như thế phỏng có độc địa ác tâm không?"

Tống Giang nói: "Hiện tại Hoa tri trại có một người em gái tư chất hiền thục, vẻ người phong lưu đẹp đẽ. Nếu tổng quản ưng thuận, thì xin chọn ngày lành tháng tốt cưới Hoa Nhị Nương về cho tổng quản, ngài nghĩ sao ?" Tần Minh nghe nói, đổi ý chấp nhận ở lại trại Thanh Phong. Theo yêu cầu của Tống Giang, ông trở lại Thanh Châu và thuyết phục Hoàng Tín cùng về với Lương Sơn. Sự quy thuận của Hoàng Tín tạo điều kiện cho quân Lương Sơn phá được Thanh Châu.

img

Một trong năm ngũ hổ đại tướng của Lương Sơn Bạc

Sau khi Lương Sơn thu phục được Hô Diên Chước, Tần Minh theo lệnh Tống Giang ăn mặc như lính trá hàng vào quân của Hô Diên Chước và đến Thanh Châu. Nhờ có Dương Chí mai phục trong thành, quân Hô Diên Chước dễ dàng chiếm được thành. Dương Chí bắt được Mộ Dung Ngạn Đạt giao cho Tần Minh giết để báo thù cho gia đình mình.

Sau khi gia nhập “Bến nước”, Tần Minh giữ chức Mã quân ngũ hổ tướng, là một trong 5 vị đại tướng của Lương Sơn Bạc (cùng với Lâm Xung, Hô Diên Chước, Quan Thắng và Đổng Bình). Tần Minh vốn tính nóng nảy, luôn xung phong đánh trận đầu, song cũng nhờ đó mà lập nhiều công lao.

Sau khi chiêu an về triều, Tần Minh cùng với nghĩa quân Lương Sơn tham gia các chiến dịch đánh Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp. Trong lần đánh dẹp Phương Lạp, ở trận Thanh Khê, Tần Minh đánh tay đôi với đại tướng Phương Kiệt, tướng Đỗ Vi thấy Phương Kiệt không thắng nổi bèn phóng phi đao. Tần Minh trông thấy phi đao vội tránh nhưng cũng vì thế mà trúng phải đường kích hiểm của Kiệt, tử trận.

Theo phim truyền hình Thủy hử năm 1998 thì Tần Minh chết vì bẫy và loạn tiễn khi băng qua đồi Ô Long. Theo bản phim năm 2010 thì Tần Minh chết vì bị đá rơi trúng đầu khi đang liều mạng phá cổng thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem