Tag ( tựa Nhật: Riaru Onigokko) đang là bộ phim kinh dị được truyền tay nhau trên mạng xã hội thời gian gần đây. Bộ phim của đạo diễn Sion Sono được nhận xét “sáng tạo, bất ngờ, với cảnh mở đầu vô cùng ấn tượng” khi có mặt tại liên hoan phim Fantasia 2015 với 2 giải thưởng: Phim xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Nữ chính do Reina Triendl đảm nhận.
Bộ phim mở đầu khá sốc với cảnh được đánh giá là gây ám ảnh nhất phim: Khi 2 chiếc xe bus chở học sinh đến trường, sự chú ý đầu tiên được dồn về phía cô học sinh trẻ Mitsuko (do Reina Triendl thủ vai), một cô gái xinh xắn và mơ mộng. Khi Mitsuko cúi xuống nhặt chiếc bút, may thay đó chính là khoảnh khắc cứu thoát cô khỏi cái chết bởi một cơn gió lạ đã “chém đôi” chiếc bus chở Mitsuko cùng tất cả mọi người trên xe, chỉ còn mình Mitsuko sống sót trong nỗi sợ hãi và tuyệt vọng.
Sau tai nạn kinh hoàng đó, Mitsuko liên tiếp gặp phải những tình huống rợn người đầy ám ảnh. Ngôi trường cô đang theo học cũng bị tàn phá và giết chóc trong khi đó Mitsuko được mọi nữ sinh bảo vệ bằng cả sinh mạng của mình…, cô phải đấu tranh với mọi thứ để giành giật sự sống.
Cho đến tận cuối phim, khán giả mới nhận thức được nhân vật Mitsuko đã rơi vào một thế giới ảo với tất cả những thử thách chỉ nhằm để thỏa mãn mong muốn bệnh hoạn của một lão già.
Bộ phim tràn ngập những cảnh chết chóc.
Xuyên suốt phim là ngập tràn những cảnh đầu rơi máu chảy đến đỏ cả màn hình người xem. Thế giới trong Tag không theo một quy luật nhất định nào ngoài việc giết chóc và chạy trốn. Ở thế giới này, các nhân vật có thể chết theo mọi cách, từ ngã xe, dao chém, chai thủy tinh đâm thủng bụng, cho đến những kiểu chết phi lý do bị gió bạt, bị cá sấu đớp chết.
Đạo diễn Sion Sono cũng đã nhắc đến trong Tag học thuyết vũ trụ song song với sự nhận thức đến từ nữ chính Mitsuko, khi cô luôn nhắc đến vấn đề này: “Vũ trụ này tồn tại trong một thế giới xác suất, có lẽ khi đó bạn đang ở một vũ trụ khác, trong thế giới xác suất đó vô số sinh mệnh bị chia rẽ hàng tá lần”.
Có thể hiểu như ở một thế giới trong vũ trụ này thì vận mệnh của sinh mệnh đó sẽ theo một hướng khác khi so với vận mệnh của sinh mệnh đó ở một thế giới trong vũ trụ khác.
Những Mitsuko ở những thế giới khác nhau.
Trên nhiều diễn đàn phim ảnh, các "mọt phim" phân tích rằng, suốt 2/3 thời gian đầu phim, khán giả khó có thể hiểu được mình đang xem thứ gì. Tag tạp nham và hổ lốn theo một cách lập dị đúng với phong cách Nhật Bản. Tuy nhiên, điều mà đạo diễn Sion Sono ẩn chứa bên trong bộ phim kinh dị máu me này chính là sự châm biếm văn hóa Nhật, châm biếm đàn ông Nhật.
Thế giới trong Tag được tạo ra bởi chính ham muốn bệnh hoạn của một lão già dành cho cô gái trẻ Mitsuko và đó cũng chính là hiện thực trần trụi về đàn ông Nhật Bản với những cậu thanh niên hay gã đàn ông vô công rồi nghề, nhút nhát, sống không có thực tại, chỉ suốt ngày đắm chìm vào những giấc mơ và thế giới ảo của họ.
Đạo diễn Sion Sono cũng khéo léo đều cao nữ quyền, châm biếm đả kịch sự phân biệt giới tính tại Nhật. Đây là những điều đã gây nên những suy nghĩ lệch lạc như cách nhân vật lão già trong phim tạo ra thế giới là để tiêu khiển, coi phụ nữ như thứ mua vui, là những nhân vật trong trò chơi điện tử mà có chết cũng không ai màng tới, và cuối cùng, cũng chẳng có gì ngoài thỏa mãn sự ham muốn của lão ta với Mitsuko suốt 150 năm qua, kể cả khi cô ấy đã chết.
Bộ phim không chỉ có máu me, kinh dị, nó bắt người xem phải nghiền ngẫm, phải suy nghĩ với sự rờn rợn và ám ảnh tột cùng, để rồi kết phim, người xem sẽ gần như có được câu trả lời thỏa đáng với những ẩn ý mà đạo diễn Sion Sono đưa ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.