Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất có vi phạm pháp luật?

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 11/04/2024 13:44 PM (GMT+7)
Trước nhiều thông tin cho rằng, Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) vi phạm pháp luật trong khâu tổ chức và không có phim Việt dự giải, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã có những chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Sáng nay (11/4), Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo Quý I năm 2024. Trong cuộc họp báo, nhiều vấn đề nóng liên quan đến câu chuyện thoái vốn cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam, chuyện Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) vi phạm pháp luật, chuyện người đẹp Nguyễn Thị Lệ Nam Em có những phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, chuyện đầu tư và phát hành phim Nhà nước đặt hàng sau bài học từ "Đào, phở và piano"… đã được nhiều phóng viên đưa ra.

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất có vi phạm pháp luật?- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý I tại Bộ VHTTDL sáng 11/4. Ảnh: Minh Tuấn

Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về vấn đề thoái vốn cổ phần hóa của Vivaso (Công ty Vận tải thủy) tại Hãng phim truyện Việt Nam, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, việc thoái vốn của chủ đầu tư tại Hãng phim truyện Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn. Vấn đề phức tạp và khó khăn đó là gì Cục trưởng Cục Điện ảnh không chia sẻ cụ thể. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến chuyện 300 bản phim là di sản của điện ảnh cách mạng Việt Nam tại Hãng phim truyện Việt Nam do không được đầu tư bảo quản nên đã bị hư hỏng nặng, ông Vi Kiến Thành khẳng định, bản phim gốc của 300 bản phim này đã được lưu trữ tại Viện phim. Các bản phim hiện đang lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam đều là những bản được giữ lại để khai thác. Và các bản phim này là phim nhựa, đã mốc nên không thể phục hồi.

"Một số cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam đã nhiều lần gửi đơn đề xuất phục hồi nhưng không thể phục hồi được nữa. Phương án phục hồi không nên tính đến làm gì vì không khả thi", ông Vi Kiến Thành phát biểu.

Trả lời thêm câu hỏi của Dân Việt về việc Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhưng lại không có bất kỳ bộ phim truyện Việt Nam nào được dự giải, điều này không chỉ bỏ lỡ cơ hội quảng bá và phát triển điện ảnh mà còn gây lãng phí, đồng thời cũng có nhiều ý kiến cho Liên hoan phim này đã vi phạm luật khi chưa có sự cấp phép của Bộ VHTTDL, ông Vi Kiến Thành cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 3 Liên hoan phim Quốc tế. 

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất có vi phạm pháp luật?- Ảnh 2.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh trả lời các thắc mắc về lĩnh vực điện ảnh. Ảnh: Minh Tuấn.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội do Bộ VHTTDL tổ chức, Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng do một số nước Châu Á và Đà Nẵng đứng ra tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức. Theo Luật Điện ảnh 2022, Bộ VHTTDL cho phép các địa phương đứng ra tổ chức liên hoan phim theo hướng cởi mở, tạo ra nhiều sân chơi để nghệ sĩ trong nước cọ sát, giao lưu, học hỏi.

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất không vi phạm pháp luật

"Một số báo nói Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM phạm luật, tôi khẳng định là không phải phạm luật. Các tỉnh/thành phố được quyền tổ chức Liên hoan phim Quốc tế. Kinh phí tổ chức Liên hoan phim do địa phương từ lo liệu từ nguồn xã hội hóa. Tại Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần này, lúc đầu Việt Nam có 1 phim truyện dài là "Ầu ơ ví dầu" định tham gia dự giải nhưng phim này Cục Điện ảnh thẩm định đã không cấp giấy phép do có nhiều yếu tố vi phạm Luật Điện ảnh. 

Ở hạng mục phim ngắn, Việt Nam có 3 phim: Bát mã truy phong, Cuối đường dậy lên một tiếng gọi, Ngủ ngon em yêu. Do thể lệ của mỗi Liên hoan phim chỉ cho mỗi nước có một số lượng có hạn nên không thể mang tất cả các phim của Việt Nam đi dự giải", ông Vi Kiến Thành chia sẻ thêm với Dân Việt.

Về câu chuyện "Đào, phở và piano" sau khi khai thác ngoài rạp thì sẽ thế nào, ông Vi Kiến Thành cho hay, theo quyết định 316 về kế hoạch phát hành thí điểm phim Nhà nước đặt hàng chiếu ở các cụm rạp để xem khả năng doanh thu sẽ như thế nào trong đó có "Đào, phở và piano", "Hồng Hà nữ sĩ" và 6 phim hoạt hình. Phim Nhà nước đặt hàng không chỉ chiếu ở rạp mà sẽ tham dự các tuần phim ở nước ngoài, công chiếu trong các tuần phim chào mừng ngày lễ lớn của đất nước và gửi cho các trung tâm văn hóa – điện ảnh của 63 tỉnh/thành phố để chiếu miễn phí phục vụ người dân.

"Nhiều người bảo phim Nhà nước đặt hàng làm xong toàn cất kho, tôi nói luôn là không cất kho. Phim được mang đi chiếu khắp cả nước, các tuần phim, đợt phim. Trong tuần phim kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới, chúng tôi cũng mang "Đào, phở và piano" lên chiếu. Đại chúng nhân dân được xem miễn phí, xem thoải mái. 

Chúng tôi cũng đề nghị phía Đài Truyền hình Việt Nam chiếu luôn "Đào, phở và piano" vào dịp 30/4 này nhưng phía Đài trả lời rằng dịp này có rất nhiều sự kiện quan trọng nên họ phải ưu tiên phát các chương trình được thực hiện để phục vụ các sự kiện này nên đề nghị để dành "Đào, phở và piano" vào ngày 10/10 để kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô. Đến 10/10 này, "Đào, phở và piano" sẽ được chiếu rộng rãi trên khắp cả nước thông qua truyền hình", ông Vi Kiến Thành cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem