Ẩm thực Bình Định: 4 món cực bình dân nhưng lại lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Lạ kỳ, 4 món bình dân của Bình Định lại lọt top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Hoàng Quyên (tổng hợp)
Thứ hai, ngày 20/11/2023 15:26 PM (GMT+7)
Bình Định cũng có nhiều món ăn đặc sản của miền Trung, điển hình là các loại bánh như bánh xèo, bánh ít lá gai, bánh bột lọc… hay những loại nem, tré, gỏi…trong đó 4 món đặc sản được lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, vừa được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam công bố.
Tỉnh Bình Định được biết đến là một trong những điểm du lịch còn nhiều điểm hoang sơ, tự nhiên, cũng là tỉnh được thiên nhiên ưu ái ban tặng một nguồn thủy hải sản vô cùng đa dạng và phong phú. Điều này chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của ẩm thực Bình Định. Các món ăn ngon của Bình Định phần nhiều được chế biến từ nguồn lợi thủy hải sản được nuôi trồng và đánh bắt ngay tại vùng biển địa phương, nên nguyên liệu thường rất tươi ngon vì không phải trải qua quá trình cấp đông hay vận chuyển nhiều.
Một điểm hấp dẫn khác của món ăn Bình Định đó là mang nhiều sắc thái đặc trưng của món ăn miền Trung với vị hơi cay nồng là chủ đạo. Tại Bình Định cũng có nhiều món ăn đặc sản của miền Trung điển hình là các loại bánh như bánh xèo, bánh ít lá gai, bánh bột lọc… hay những loại nem, tré, gỏi… trong đó 4 món đặc sản được lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, vừa được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam công bố.
Nem chợ Huyện là một món ăn đặc sản trứ danh và là một biểu tượng cho nền văn hóa ẩm thực của miền đất võ Bình Định. Với hương vị chua chua ngọt ngọt, đặc trưng và rất riêng biệt, nem chợ Huyện đã chiếm được tình cảm đông đảo của du khách trong và ngoài nước.
Theo người dân Bình Định nem chợ Huyện đây là món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày cho đến các dịp cưới hỏi, giỗ chạp. Bên cạnh đó, chiếc nem còn là một thú vui ẩm thực khi ăn kèm với những đêm hát tuồng thâu đêm suốt sáng.
Nem chợ Huyện không giống như những địa phương khác thường dùng lá chuối hoặc lá chùm ruột để gói nem. Người Bình Định sử dụng lá chuối non để gói. Chính điều này, đã làm cho nem chua Bình Định có mùi thơm rất đặc trưng khó lẫn vào nơi nào khác.
Để làm nem chợ Huyện ngon, trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu, thịt lợn, lá ổi non, lá chuối, ớt, gia vị muối, củ tỏi khô, đường.
Cách chế biến nem chợ Huyện không quá khó nhưng cũng đòi hỏi cầu kỳ đôi chút, thịt lợn làm nem phải là thịt lợn vừa mổ xong, để thịt được tươi, giã thịt sẽ được nhuyễn và quyện hơn. Đồng thời thịt lợn phải là loại lợn từ 7 - 8 tháng tuổi và cân nặng chừng 60 kg trở xuống. Chọn miếng thịt săn nhiều nạc có màu đỏ sẫm, mỗi con lợn làm thịt chỉ chọn ra được chừng 15 kg thịt nạc ngon để làm nem.
Sau đó thịt nạc sẽ được cắt theo chiều ngang chừng 3 cm, thái nhỏ, rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào cối giã, độc đáo là người dân nơi đây họ giữ việc giã bằng tay chứ không xay máy. Giã thịt trong thời gian 30 phút, trong lúc giã sẽ thêm đường, muối theo một tỉ lệ có sẵn. Khi đóng gói nem người dân ở đây còn thêm tiêu hạt và da lợn đã thái nhỏ.
Nem chợ Huyện có hai loại, một loại nem tươi dùng để nướng ăn ngay. Loại thứ hai là nem chua để bảo quản lâu dài. Với nem chua rất được nhiều người yêu thích, nem chua có hình dáng nhỏ vuông, gói bằng lá chuối xanh, bên trong được gói lá vuông hoặc lá ổi sau ba ngày có thể đem ra dùng. Nem chợ Huyện có vị đặc biệt, màu đỏ au bắt mắt. Khi ăn có vị dai, chua, giòn, béo quyện hòa vào nhau.
Du khách khi đến Bình Định đừng quên thưởng thức nem chợ Huyện hoặc mua về làm quà.
Ẩm thực Bình Định: Bánh ít lá gai
Theo người dân nơi đây, bánh ít lá gai xuất phát từ tục lễ hồi dâu (ngoài miền Bắc gọi là lễ lại mặt - PV) của các cặp vợ chồng mới cưới. Ở Bình Định, mỗi khi về hồi dâu sau ba ngày cưới, cô gái nào cũng chuẩn bị một quả bánh ít lá gai do tự tay mình làm, mang về cúng gia tiên và biếu bố mẹ ruột làm quà để tỏ lòng hiếu thảo. Món quà tuy ít, nhưng là của ít lòng nhiều, ở đó nó còn có cả những giọt mồ hôi, sự nhẫn nại kiên trì, đôi bàn tay khéo léo, và đặc biệt là tấm lòng hiếu lễ của cô gái xa cha mẹ về làm dâu xứ người.
Để làm được chiếc bánh ít lá gai, người ta phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều công sức, sự dẻo dai và khéo léo. Đầu tiên là phải chọn nếp để xay (nếp dùng làm bánh ít phải là nếp mới, thơm, độ dẻo vừa) rồi vo kỹ, ngâm với nước vài giờ, sau đó mới xay nhuyễn.
Nếu xay bằng cối xay thủ công, phải đăng cho ráo nước để được một khối bột dẻo. Để có màu xanh đen và hương vị thơm chát cho bánh, người ta hái lá gai non, rửa sạch rồi luộc chín, vắt khô, sau đó trộn với bột dẻo đem đi giã. Đây là công đoạn mất khá nhiều sức. Vì nếu giã chưa nhuyễn, bánh ăn lợn cợn, tạo cảm giác không ngon.
Tiếp đến là công đoạn làm nhân bánh. Nhân bánh ít lá gai bao gồm đậu xanh, đường, dừa, có chút quế và bột va-ni cho thơm. Đậu xanh đem xay vỡ đôi rồi ngâm và đãi cho sạch vỏ trước khi luộc chín. Cùi dừa được bào ra thành sợi, bỏ vào chảo gang xào chung với đường một lúc cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh. Xào nhưng trên bếp lửa liu riu cho đến khi nào đường chín tới, nhưng có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt mới đạt độ ngon.
Theo nghệ nhân làm bánh ít lá gai, nặn bánh không khó, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Sau khi đã xào nhân ngắt một miếng bột tạo thành bánh mỏng hình tròn trên lòng bàn tay, rồi vốc một nhúm nhân bỏ vào giữa, túm bốn bên lại cho khít mối, sau đó vo tròn trong lòng bàn tay.
Để cho bánh khỏi dính, người ta chấm một chút dầu ăn xoa đều trên tấm lá chuối xanh, sau đó bọc bánh lại theo hình tháp rồi mang đi hấp. Có nơi, người ta hấp bánh trần, bánh chín mới gói để giữ màu xanh của lá chuối. Tiếp đến là phần hấp bánh. Chuẩn bị một cái nồi hấp, sau khi gói xong có thể cho bánh vào hấp. Việc hấp bánh diễn ra từ 25 -30 phút. Chờ bánh chín là có thể lấy ra đĩa. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng, đầy vẻ quyến rũ, huyền bí.
Theo người dân Bình Định, ở các làng quê Bình Định, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà cho người ở nhà. Đây cũng là nét khác biệt trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định.
Chả ram tôm đất Bình Định là món ăn dân dã nổi tiếng của người dân đất võ Tây Sơn. Mỗi cuốn chả ram nhỏ gọn nhưng chứa đựng bao nhiêu sự khéo léo, công phu của người chế biến. Để có được món chả ram tôm đất đúng vị, người đầu bếp phải tỉ mỉ trong từng công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, cuốn chả cho đến canh nhiệt độ, dầu chiên.
Không những thế, chả ram tôm đất còn là món ăn gắn liền với thế hệ tuổi thơ của người dân Bình Định. Nó xuất hiện trong mọi hoạt động đời sống hằng ngày từ món ăn vặt hoặc có thể thay cho món chính để đãi tiệc, mâm cúng ông bà hay những dịp lễ quan trọng khác.
Theo nhà hàng ở Quy Nhơn, để làm món chả ram tôm đất ngon, trước tiên cần nguyên liệu là tôm tươi, thịt ba chỉ, bánh tráng phơi sương Bình Định, hành tím phơi khô, muối, hạt tiêu, nước mắm, dầu ăn.
Tiếp đến cách làm, tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu tôm, để lại đuôi tôm, lột vỏ, rút chỉ đen trên lưng tôm. Ướp tôm với nửa muỗng muối, đường và tiêu để 10-20 phút cho thấm gia vị. Thịt ba chỉ rửa sạch băm nhỏ nêm gia vị. Trải phần bánh tráng lên đĩa, cho tôm, thịt, hành tím phơi khô lên trên bề mặt và cuốn chặt.
Dùng lòng trắng trứng gà để giữ mép cuốn chả. Sau khi cuộn chả xong, cho chảo dầu lên bếp rồi lên lửa, đợi cho dầu sôi già, thả chả ram vào chảo, sau đó lật cho đến khi chả ngả vào vàng ươm thì gắp ra. Miếng chả ram tôm đất nhìn giòn rụm, vàng ươm, thơm lựng là đã hoàn thành. Du khách cắn thử một miếng sẽ thấy vị ngọt của tôm tươi, vị thơm của các gia vị, vị ngậy béo của thịt ba chỉ quyện lẫn nước chấm có vị chua chua, ngọt ngọt sẽ nhớ mãi không quên.
Ẩm thực Bình Định: Rượu Bàu Đá
Tỉnh Bình Định còn một đặc sản nổi tiếng khắp cả nước đó là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá có quy trình nấu rất nghiêm ngặt, nổi bật là công đoạn lựa chọn nguyên liệu nấu như nguồn nước, dụng cụ nấu rượu, men rượu, loại gạo… Điều làm nên sự vang danh của rượu Bàu Đá không chỉ ở vị thơm ngon, mà còn bởi một điều tuy có nồng độ cồn rất cao và uống sẽ dễ say hơn nhưng khi say thường không cảm thấy đau nhức đầu hay mệt.
Người dân nơi đây cho biết, rượu Bàu Đá ngày xưa thường được dùng để dâng lên Vua và được sử dụng trong các buổi yến tiệc hoàng cung.
Điểm đặc biệt nổi bật của rượu Bầu đá Bình Định là rượu có nồng độ rất cao thường phải trên 50 độ (trung bình khoảng từ 50 – 52 độ); rượu đặc biệt trong vắt như nước suối, uống vào nhanh say, nhưng khi say lại nhanh tỉnh; điểm đặc biệt nhất làm nhiều người tin dùng rượu Bầu đá đó là khi uông say tỉnh dậy không bị đau đầu hay mệt mỏi.
Nhiều du khách khi đến đây thưởng thức rượu Bầu Đá đã bày tỏ thích thú và ấn tượng, đặc biệt thưởng thức cùng nem chả Huyện, chả ram tôm đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.